Giao dịch chứng khoán sáng 20/2: Thị trường tăng vọt, cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ nổi sóng
Thị trường tràn ngập sắc xanh với điểm nhấn là hàng loạt mã bất động sản vừa và nhỏ đua nhau nổi sóng lớn, đã tiếp thêm động lực giúp VN-Index tăng vọt, tiệm cận mốc 1.075 điểm.
Thị trường đã hồi phục sau 2 tuần giảm liên tiếp và chỉ số VN-Index tạo một cây nến Hammer trên khung đồ thị tuần cho thấy tín hiệu chững lại của nhịp điều chỉnh trước đó. Đồng thời, chỉ báo MACD trên khung đồ thị tuần vẫn hướng lên, trong khi RSI ở ngưỡng trung tính, cho thấy thị trường đang tích cực trở lại.
Tuy nhiên, đà hồi phục chưa thực sự thuyết phục khi thanh khoản thị trường vẫn duy trì ở nền tảng rất thấp, là minh chứng cho dòng tiền ngắn hạn vẫn ở trạng thái suy yếu.
Theo ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc Phân tích và Đầu tư - CTCK Sacombank, thị trường chưa có những tín hiệu cho một xu thế ngắn hạn tích cực. Trong tuần giao dịch tới, nếu không sớm có sự cải thiện về dòng tiền thì trạng thái giằng co theo chiều suy yếu dần của thị trường có thể lại diễn ra. Ở kịch bản tích cực hơn, diễn biến đi ngang, phân hóa tích lũy cũng có khả năng sẽ quay lại chiếm ưu thế.
Quay lại phiên giao dịch sáng đầu tuần ngày 20/2, mặc dù lực cầu vẫn khá thận trọng nhưng bên bán giao dịch hạn chế khiến thị trường tiếp tục mở cửa trong sắc xanh và VN-Index dễ dàng thử thách mốc 1.065 điểm.
Bước sang đợt khớp lệnh liên tục, lực cầu gia tăng và hướng tới nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ giúp nhiều mã nổi sóng lớn, đồng thời cũng nhận được tín hiệu tích cực từ sắc xanh lan rộng ở nhóm cổ phiếu bluechip, đã giúp VN-Index tiếp tục nới rộng đà tăng.
Mặc dù đánh giá còn nhiều khó khăn trong 1-2 năm tới, nhưng việc sửa đổi Nghị định 65 sẽ là giải pháp kịp thời để tháo gỡ khó khăn về thanh khoản trong năm 2023, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản phát hành lượng trái phiếu lớn. Đồng thời, Hội nghị trực tuyến toàn quốc tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững được tổ chức cuối tuần qua, dường như đã bắt đầu “ngấm”, tiếp thêm động lực cho nhóm cổ phiếu này.
Sau gần 1 giờ giao dịch, hàng loạt mã bất động sản vừa và nhỏ như TCH, SCR, HQC, IJC, DLG, ITC kéo trần thành công. Trong đó, có những mã như LDG, SCR, TCH dư mua trần một vài triệu đơn vị, đặc biệt HQC dư mua trần tới hơn 21,8 triệu đơn vị. Ngoài ra, các mã khác như DIG, DXG, KHG… cũng đều tăng mạnh và có thời điểm chạm trần, cùng thanh khoản sôi động.
Tương tự, trong rổ VN30, cặp đôi bất động sản là NVL và PDR cũng đang dẫn đầu với mức tăng đều hơn 4%.
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu thép cũng giao dịch khởi sắc. Các mã HPG, HSG và NKG tăng trên dưới 2%.
Lực cầu tiếp tục dâng cao về cuối phiên giúp thị trường tăng vọt lên vùng giá 1.075 điểm cùng thanh khoản cải thiện tích cực.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 327 mã tăng và 65 mã giảm, VN-Index tăng 15,02 điểm (+1,42%) lên 1.074,33 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 319,85 triệu đơn vị, giá trị 5.113 tỷ đồng, tăng mạnh 56,71% về khối lượng và 41,47% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận đóng góp h25,73 triệu đơn vị, giá trị 638,7 tỷ đồng.
Trong nhóm VN30 chỉ còn duy nhất VJC giảm nhẹ 0,4% và BCM đứng giá tham chiếu, còn lại đều có được sắc xanh.
Đáng chú ý vẫn là cặp đôi bất động sản NVL và PDR tiếp tục nới rộng biên độ tăng, tương ứng tăng 6,4% và 5,5%, dẫn đầu mức tăng trong rổ bluechip. Cổ phiếu lớn VHM có thời điểm chạm trần và chốt phiên tăng 3,9%.
Ngoài ra, nhiều mã lớn cũng nới rộng biên độ như SSI tăng 3,9%, HPG tăng 3,1%, VRE tăng 3%, BID tăng 2,6%...
Điểm sáng vẫn là top cổ phiếu vừa và nhỏ khi sắc tím tiếp tục lan rộng. Đặc biệt là nhóm bất động sản với hàng loạt mã chốt phiên tăng kịch trần, như TCH, KHG, ITC, IJC, HQC…, trong đó HQC vẫn dư mua trần với hơn 19 triệu đơn vị.
Cổ phiếu NVL lỗi hẹn với sắc tím nhưng chốt phiên vẫn tăng sát trần; ngoài ra, DXG, DIG cũng tăng mạnh trên dưới 6% cùng thanh khoản thuộc top 10 với lần lượt 8,46 triệu đơn vị và hơn 7,87 triệu đơn vị khớp lệnh.
Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu tăng tốt nhất là chứng khoán. Trong đó, VND tăng 4,5%, CTS tăng 5,6%, HCM tăng 5%, VIX tăng 2,9%, VCI tăng 3,9%, FTS tăng 5%...
Nhóm cổ phiếu lớn là ngân hàng cũng phủ kín sắc xanh, ngoại trừ duy nhất EIB chốt phiên đứng giá tham chiếu. Tuy nhiên, không có mã nào tăng vượt trội hơn 3%, cổ phiếu tăng tốt nhất ngành là BID với mức tăng 2,62%; tiếp theo là ACB, OCB, STB, SHB cũng tăng hơn 2%.
Trên sàn HNX, thị trường cũng tăng vọt trong nửa cuối phiên.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 118 mã tăng và 36 mã giảm, HNX-Index tăng 3,87 điểm (+1,84%) lên 213,82 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 42,67 triệu đơn vị, giá trị 643,38 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận không đáng kể, đạt chưa tới 100 triệu đồng.
Hòa trong không khí tưng bừng của nhóm cổ phiếu chứng khoán, SHS đã tăng vọt 4,8% và chốt phiên đứng tại mức giá 8.800 đồng/CP với thanh khoản dẫn đầu, đạt 7,99 triệu đơn vị. Ngoài ra, MBS tăng 5,1%, APS tăng 6,5%...
Bên cạnh đó, nhóm bất động sản cũng tích cực, điển hình là CEO chốt phiên tăng 7% lên mức 22.800 đồng/Cp và khớp lệnh chỉ thua SHS với 6,94 triệu đơn vị khớp lệnh; IDC tăng 2,2% lên 41.700 đồng/CP và khớp 2,41 triệu đơn vị; IDJ tăng 7,2% lên 8.900 đồng/CP…
Trái với diễn biến khởi sắc từ thị trường niêm yết, trên UPCoM, áp lực bán khiến thị trường chưa thoát khỏi trạng thái điều chỉnh.
Chốt phiên sáng, UPCoM-Index giảm 0,43 điểm (-0,55%), xuống 78,51 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 15,54 triệu đơn vị, giá trị 178,44 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,24 tỷ đồng.
Cổ phiếu BSR vẫn dẫn đầu thanh khoản trên UPCoM với hơn 3,49 triệu đơn vị khớp lệnh và chốt phiên tăng 1,2% lên mức 16.600 đồng/CP.
Trong khi đó, cổ phiếu đầu tư công C4G vẫn duy trì giao dịch khởi sắc khi chốt phiên tăng 2,6% lên 11.700 đồng/CP và thanh khoản thuộc top 3, đạt 1,19 triệu đơn vị khớp lệnh.