Giao dịch chứng khoán sáng 27/2: Thị trường chìm trong sắc đỏ, VN-Index thủng mốc 1.020 điểm

Bên cạnh dòng tiền vẫn tham gia khá yếu, áp lực bán gia tăng và lan rộng ngay khi mở cửa thị trường khiến VN-Index dễ dàng thủng mốc 1.030 điểm và ngày càng nới rộng đà giảm điểm.

Thị trường vừa trải qua tuần giao dịch biến động mạnh với những pha “bẻ lái” bất ngờ nhưng chỉ số VN-Index đã kết thúc tuần giảm về sát ngưỡng hỗ trợ 1.030 điểm và việc chỉ số tiến sát về dải mây dày ichimoku cho thấy sự bứt phá trở lại của thị trường sẽ càng khó khăn hơn.

Bên cạnh đó, xét về khung đồ thị ngày cuối tuần 24/2, 2 chỉ báo quan trọng là MACD và RSI đều đồng loạt cho tín hiệu tiêu cực cho thấy áp lực bán vẫn chưa có dấu hiệu chững lại. Nếu thanh khoản bán chủ động tiếp tục gia tăng thì xác suất VN-Index giảm về vùng 1.000 điểm là cần được tính đến.

Một trong những yếu tố không mấy tích cực nữa là bên cạnh dòng tiền trong nước suy yếu mạnh mẽ - điển hình là thanh khoản phiên cuối tuần ngày 24/2 rơi xuống mức thấp nhất trong hơn 2 năm qua – lực cầu từ nhà đầu tư nước ngoài cũng bắt đầu suy yếu, thể hiện qua 8 phiên bán ròng liên tục với quy mô tăng dần và trải dài nhiều mã. Tổng cộng trong tuần giao dịch vừa qua, khối ngoại đã bán ròng hơn 1.300 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần so với tuần trước đó.

Giao dịch chứng khoán khối ngoại tuần 20-24/2: Bán ròng hơn 1.300 tỷ đồng, tập trung vào cổ phiếu bất động sản

Quay lại với diễn biến thị trường phiên sáng ngày 27/2, áp lực bán trên diện rộng xuất hiện ngay từ đầu phiên đã khiến VN-Index nhanh chóng thủng mốc 1.300 điểm. Đây cũng là điều mà giới phân tích lo ngại, bởi khi ngưỡng hỗ trợ này bị phá vỡ thì mẫu hình Rising Wedge sẽ được xác nhận và thị trường nhiều khả năng sẽ tìm về mức 1.000 điểm, thậm chí là 900 điểm.

Áp lực bán tiếp tục dâng cao khi thị trường bước vào đợt khớp lệnh liên tục khiến VN-Index nới rộng đà giảm điểm hơn. Sau khoảng 90 phút giao dịch, chỉ số chung đang mất hơn 16 điểm và về dưới vùng giá 1.025 điểm cùng thanh khoản duy trì ở mức khá thấp.

Bên cạnh sắc đỏ bao phủ trên diện rộng bảng điện tử, nhóm cổ phiếu bluechip VN30 cũng chủ yếu giao dịch dưới mốc tham chiếu, chỉ còn VNM nhích nhẹ chỉ 0,1%.

Phần lớn các nhóm ngành đều mất điểm, ngoại trừ một hai nhóm nhỏ lẻ. Trong đó, với những khó khăn khá lớn trước mắt, nhóm cổ phiếu bất động sản đang có mức giảm khá lớn, điển hình như VHM giảm 3,17%, VIC giảm 2,65%, PDR giảm 3,3%, HTN giảm 5,3%, KHG giảm 4,1%...

Tuy nhiên, vẫn có một vài mã vừa và nhỏ trong ngành ngược dòng thành công. Điển hình là HQC sau 5 phiên tăng mạnh mẽ, trong đó có tới 4 phiên tăng trần, tiếp tục duy trì sắc xanh trong phiên sáng nay với mức thanh khoản vẫn dẫn đầu thị trường, đạt hơn 8,8 triệu đơn vị. Hay cổ phiếu SCR dù không bốc đầu mạnh mẽ như HQC nhưng đà tăng cũng được kéo dài và hiện tạm đứng tại mức giá 7.250 đồng/CP, với mức tăng 3,72% cùng thanh khoản thuộc top 3 thị trường…

Bên cạnh đó, cặp đôi trụ cột là ngân hàng và chứng khoán cũng đồng loạt đỏ điểm với mức giảm chỉ yếu trên 1-2% khiến thị trường khó có động lực để bật hồi.

Dù áp lực bán tháo trên diện rộng chưa xảy ra nhưng trạng thái thị trường vẫn tiêu cực và với gánh nặng gia tăng thêm ở nhóm cổ phiếu bluechip khiến VN-Index thủng mốc 1.020 điểm khi tạm dừng phiên sáng.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE chỉ còn 39 mã tăng và 353 mã giảm, VN-Index giảm 19,88 điểm (-1,91%), xuống mức 1.019,68 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 289,87 triệu đơn vị, giá trị 4.462,19 tỷ đồng, tăng 74,12% về khối lượng và 88,6% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước ngày 24/2. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 38,62 triệu đơn vị, giá trị 837,25 tỷ đồng.

Toàn bộ các cổ phiếu trong rổ VN30 đều lùi về dưới mốc tham chiếu, trong đó các mã giảm sâu như NVL giảm 4,4%, HPG, MSN, VRE cùng giảm 3,4%, PDR và VHM cùng giảm 3,3%, MWG giảm 3,1%...

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, trong khi HQC lùi về sát mốc tham chiếu thậm chí có thời điểm điều chỉnh do áp lực chốt lời gia tăng sau 5 phiên tăng mạnh liên tiếp, thì JVC có phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp, hay TMT cũng lấy lại sắc tím sau pha ngắt nhịp vào ngày cuối tuần tuần (24/2)… Trong đó, HQC vẫn khá sôi động với thanh khoản chỉ thua HPG, đạt khối lượng khớp lệnh 11,33 triệu đơn vị.

Xét về nhóm ngành, diễn biến tiêu cực khi không có nổi nhóm nào giữ được sắc xanh. Nhóm chứng khoán giảm khá mạnh với VND giảm 3,6%, SSI giảm 2,9%, VIX giảm 2,1%, HCM giảm 4,8%, VCI giảm 3,6%... Trong đó, VIX và VND sôi động nhất ngành với khối lượng khớp lệnh đều hơn 9 triệu đơn vị.

Nhóm bất động sản chủ yếu phủ đỏ, ngoại trừ một số mã nhỏ lẻ ngược dòng thành công như SCR, TCD, HQC, nhưng mức tăng hạn chế. Trong đó, các mã lớn vẫn tiếp tục lùi sâu hơn như VHM giảm gần 3,3%, VIC giảm gần 2,5%, VRE giảm 3,4%, hay các mã khác như NVL giảm 4,4%, VCG giảm 4,2%, TCH giảm 3,3%, HHV giảm 2,7%...

Dòng bank vẫn ngập trong sắc đỏ với các mã VCB, BID, ACB, VPB, MBB, SHB, VIB, TPB đều giảm hơn 2%; các mã khác như CTG, TCB, HDB, STB… giảm hơn 2%.

Bộ 3 cổ phiếu thép cũng lùi sâu với HPG giảm 3,4% xuống mức 20.100 đồng/CP và thanh khoản vẫn dẫn đầu thị trường, đạt hơn 16,22 triệu đơn vị; HSG giảm 4,6% xuống 14.500 đồng/CP và khớp 9,5 triệu đơn vị, NKG giảm 4% xuống 14.400 đồng/CP.

Trên sàn HNX, áp lực bán gia tăng và lan rộng thị trường cũng khiến chỉ số chung giảm mạnh.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 34 mã tăng và 118 mã giảm, HNX-Index giảm 3,76 điểm (-1,81%), xuống 203,56 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 32,15 triệu đơn vị, giá trị 420,48 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp thêm 1,6 triệu đơn vị, giá trị 57,23 tỷ đồng.

Cổ phiếu chứng khoán SHS vẫn dẫn đầu thanh khoản trên HNX với hơn 5,5 triệu đơn vị khớp lệnh, nhưng áp lực bán tăng mạnh đã khiến mã này chốt phiên giảm 2,4% xuống mức 8.100 đồng/CP. Ngoài ra, các mã chứng khoán khác cũng giảm mạnh như MBS giảm 3,7%, APS giảm 4,3%, BVS giảm 3,4%...

Một số mã đáng chú ý khác cũng giảm sâu hơn như CEO giảm 4,3% xuống 19.900 đồng/CP, IDC giảm 2,3% xuống 38.800 đồng/CP, TNG giảm 3,8% xuống 17.700 đồng/CP…

Điểm sáng là cổ phiếu nhỏ AMV chốt phiên tăng 9,5% lên mức giá trần 4.600 đồng/CP với thanh khoản tăng vọt, đứng ở vị trí thứ 2 trên thị trường, đạt hơn 4,25 triệu đơn vị và còn dư mua trần hơn 1,43 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường cũng nhanh chóng đảo chiều giảm điểm sau ít phút mở cửa le lói sắc xanh.

Chốt phiên sáng, UPCoM-Index giảm 0,81 điểm (-1,06%), xuống 75,92 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 13,77 triệu đơn vị, giá trị 168,49 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,11 triệu đơn vị, giá trị 13,45 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR chốt phiên giảm 3,7% xuống mức 15.700 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh lớn nhất thị trường, đạt hơn 4,19 triệu đơn vị.

Tiếp theo đó là LMH khớp 1,23 triệu đơn vị, chốt phiên giảm 7% xuống 5.300 đồng/CP và C4G khớp hơn 1 triệu đơn vị, chốt phiên giảm 4,4% xuống 10.800 đồng/CP.

T.Thúy

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/giao-dich-chung-khoan-sang-272-thi-truong-chim-trong-sac-do-vn-index-thung-moc-1020-diem-post315944.html