Giáo dục âm nhạc: Hết thời 'cầm tay chỉ việc'?

Giai đoạn 'cầm tay chỉ việc' của giáo dục (GD) âm nhạc Việt Nam đã qua đi, cần có định hướng mới để khơi dậy đam mê sáng tạo và phù hợp với đối tượng HS hơn. ThS Lương Minh Tân (Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương) chia sẻ, một số giải pháp với mong muốn các trường học có thể áp dụng, góp phần nâng cao hiệu quả của GD âm nhạc trong thời điểm hiện tại.

Cần không gian riêng cho GD âm nhạc

Cần không gian riêng cho GD âm nhạc

Hoạt động chuyên biệt

ThS Lương Minh Tân cho rằng, GD âm nhạc phải được coi là hoạt động chuyên biệt với cơ sở vật chất đặc thù. Theo đó, mỗi trường học cần có phòng học âm nhạc. Nếu không có phòng dành riêng, có thể sử dụng phòng họp hoặc một không gian phù hợp mang tính tách biệt với phòng học khác. Cần có các trang thiết bị hỗ trợ như: Đàn, máy nghe nhạc, tranh ảnh…

Với nội dung Nghe nhạc, Lý thuyết, Tập đọc nhạc cần được học tập trung tại phòng học chuyên biệt với các phương tiện cần thiết. Đặc biệt, việc nghe nhạc, ngoài trình độ chuyên môn cần có của giáo viên, phương tiện quyết định rất lớn đến cảm thụ âm nhạc của học sinh (HS). Từ ấn tượng ban đầu về bản nhạc được nghe, tác động lên hệ thần kinh, tạo cảm xúc khác nhau trong tâm lý có ảnh hưởng đến việc phát triển nhân cách HS.

Việc tạo cảm hứng tốt ngay từ những bài học âm nhạc đầu tiên sẽ tác động đến cả quá trình học tập sau này. Đó là lý do khiến việc GD cảm thụ âm nhạc được coi trọng và chú ý đầu tiên trong hệ thống chương trình GD âm nhạc. Các kỹ năng, kiến thức âm nhạc sẽ dần được hình thành, rèn luyện trong các hoạt động âm nhạc khác.

 Ảnh minh họa/ INT

Ảnh minh họa/ INT

GD qua các câu lạc bộ

Với các nội dung học hát, múa, nhạc cụ…, theo ThS Lương Minh Tân, có thể hoạt động thành các câu lạc bộ (CLB). Trên thực tế, không phải HS nào cũng có khả năng ca hát tốt, nếu quá coi trọng phát triển kỹ năng ca hát như hiện nay có thể bỏ lỡ khả năng âm nhạc khác của HS. Do vậy, nên tổ chức các CLB hoạt động âm nhạc theo các chuyên đề khác nhau: Ca hát, nhạc cụ, vận động theo nhạc…, giúp HS có thể phát huy năng lực của mình một cách tích cực hơn. Giờ học CLB nằm trong nhóm tự chọn, HS sẽ lựa chọn nội dung phù hợp (hát, nhạc cụ, múa…) để tham gia.

Việc học tập âm nhạc dưới hình thức CLB sẽ giảm áp lực tâm lý đối với HS về nội dung học tập. Đồng thời cũng giúp giáo viên không bị ràng buộc cứng nhắc theo nội dung của sách giáo khoa. Tùy theo điều kiện của từng trường, hình thức sinh hoạt CLB có thể có quy mô khác nhau. Cũng thông qua hoạt động CLB, di sản địa phương được sử dụng nhằm bảo tồn và phát huy vốn cổ dân tộc.

Nâng cao về thực hành âm nhạc

Song song với việc hình thành, phát triển kỹ năng âm nhạc cơ bản cho HS, việc bồi dưỡng năng khiếu cũng là nhiệm vụ quan trọng trong GD âm nhạc. So với các nước phát triển trong khu vực, trên thế giới, GD âm nhạc của chúng ta còn kém xa về nội dung phát triển kỹ năng thực hành âm nhạc (đàn, hát…).

Cho biết điều này, theo ThS Lương Minh Tân, ngay từ tiểu học đã có thể mở các lớp học nâng cao thực hành âm nhạc cho HS với các môn: Đàn guitar, đàn phím điện tử, hát… Các lớp học này bên cạnh việc rèn luyện kỹ năng âm nhạc cho HS còn có thể coi là lớp tạo nguồn cho các chương trình đào tạo chính quy tại trung tâm hoặc trường âm nhạc.

Việc mở các lớp thực hành âm nhạc về hát hoặc nhạc cụ, các nhạc cụ truyền thống cũng như các làn điệu dân ca của mỗi vùng miền đều có thể trở thành nội dung chính trong chương trình đào tạo. Ngoài ra, những lớp học này cùng với các chuyên đề âm nhạc khác cũng sẽ là tiền đề cho chương trình GD âm nhạc ở bậc THPT trong thời kỳ mới.

Nâng cao chất lượng GD âm nhạc ở trường phổ thông không thể tiến hành thay đổi trong một sớm một chiều. HS cần phải được GD đúng hướng từ khi bắt đầu đi học, thậm chí từ lúc mới lọt lòng. Từng bước một, HS cần được tiếp cận, học tập âm nhạc nghiêm túc mới có thể tạo nên những lớp người sau này trong xã hội có được chữ “nhạc” ở trong tâm.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/trao-doi/giao-duc-am-nhac-het-thoi-cam-tay-chi-viec-4046724-b.html