Giáo dục bảo vệ môi trường cho học sinh từ trên ghế nhà trường
Nhiều hoạt động giáo dục trong học đường đã được Trường Trung học cơ sở (THCS) Nguyễn Du tại Đà Lạt lâu nay tổ chức nhằm nâng cao nhận thức cũng như có các việc làm cụ thể cho học sinh về bảo vệ môi trường.
• CÓ TRÁCH NHIỆM VỚI MÔI TRƯỜNG
Nằm ở khu vực trung tâm thành phố, THCS Nguyễn Du là một ngôi trường lớn của ngành Giáo dục Đà Lạt. Năm học 2024-2025 trường có 3.042 học sinh, với 62 lớp học từ lớp 6 đến lớp 9; công tác tại đây có 119 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên.
Về cơ sở trường lớp, những năm gần đây, Trường THCS Nguyễn Du nhận được sự đầu tư rất lớn. Đến nay, trường có 32 phòng học, 9 phòng bộ môn, trong đó có 28 phòng học được trang bị bàn ghế và bảng mới, cơ bản đảm bảo cho hoạt động dạy và học, đáp ứng hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông 2018. Hệ thống sân chơi, bãi tập của trường cũng khá rộng rãi, đủ để tổ chức các hoạt động giáo dục thể chất và ngoại khóa cho học sinh.
Theo thầy giáo Nguyễn Văn Ánh - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du, những năm gần đây, nhà trường đã tích cực triển khai các hoạt động giáo dục về bảo vệ môi trường cho học sinh trong trường của mình. “Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đang là mối đe dọa lớn đối với cuộc sống như hiện nay, việc giáo dục nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường trở thành nhiệm vụ cấp bách và thiết yếu. Đó không chỉ là việc làm của riêng một cá nhân, một tổ chức mà là trách nhiệm của toàn xã hội, đặc biệt là đối với ngành giáo dục” - thầy Ánh chia sẻ.
Để đẩy mạnh công tác giáo dục môi trường, nhà trường đã lồng ghép giáo dục bảo vệ môi trường vào chương trình chính khóa, thông qua các môn học như Địa lý, Sinh học và Công nghệ. Cùng đó là các hoạt động ngoại khóa về bảo vệ môi trường cũng như tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề về môi trường trước cờ. “Mục tiêu là giúp học sinh hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, từ đó hình thành thói quen, ý thức bảo vệ môi trường cho các em ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Đồng thời, giúp học sinh tự giác, tích cực hơn trong việc tuyên truyền đến gia đình và những người xung quanh về vấn đề bảo vệ môi trường” - thầy Ánh nói và cho biết thêm “Mục tiêu giáo dục hiện nay được đặt ra khá toàn diện, cho nên nhà trường luôn coi trọng việc giáo dục bảo vệ môi trường, coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm, nhằm góp phần đào tạo một thế hệ học sinh không chỉ giỏi về tri thức, có sức khỏe về thể chất mà còn hoàn thiện về nhân cách, có ý thức, trách nhiệm cao với cộng đồng và môi trường sống”.
• HỌC ĐI ĐÔI VỚI HÀNH
Không chỉ giáo dục học sinh thông qua các giờ lên lớp, nhà trường theo thầy Ánh, còn giáo dục học sinh qua các hoạt động, các việc làm cụ thể tại trường. Nhà trường lâu nay đã chú ý xây dựng các mô hình bảo vệ môi trường trong trường học. Trước nhất đó là phong trào trồng và chăm sóc cây xanh, trồng hoa trong khuôn viên trường.
Trường cũng triển khai chương trình phân loại rác thải của thành phố trong trường, trang bị các thùng rác phân loại trong các lớp học và ngoài sân trường; hướng dẫn học sinh cách phân loại rác đúng cách, giảm thiểu lượng rác thải sinh hoạt ra môi trường gây ô nhiễm.
Nhà trường cũng chú ý phát huy vai trò của Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh trong trường học qua việc tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường như dọn dẹp vệ sinh trong và ngoài nhà trường vào ngày Chủ nhật xanh, thực hiện chương trình đổi rác thải lấy quà tặng hàng tháng và hàng quý; thành lập đội xung kích bảo vệ môi trường ở các lớp. Các lớp học được khuyến khích mọi học sinh cùng tham gia, tạo phong trào thi đua giữa các lớp, tăng cường vai trò tiên phong và tinh thần trách nhiệm của đội viên trong việc bảo vệ môi trường, lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường trong toàn trường.
Theo thầy Ánh, nhà trường cũng khuyến khích học sinh đề xuất các ý tưởng mới về bảo vệ môi trường; tổ chức các cuộc thi về ý tưởng bảo vệ môi trường như thi thuyết trình, thi vẽ tranh, thi thiết kế thời trang từ rác thải tái chế, làm đồ dùng học tập, đồ chơi, các sản phẩm từ rác thải tái chế… nhằm phát triển khả năng tư duy, phát huy năng lực, sự sáng tạo của học sinh, giúp các em bày tỏ quan điểm, ý tưởng của bản thân về việc bảo vệ môi trường.
Nhà trường cũng khuyến khích học sinh trong trường thực hành các hành động của lối “sống xanh”, phát động việc sử dụng bình đựng nước cá nhân thay vì chai nhựa; hạn chế sử dụng bao bì túi ni lông; tận dụng giấy một mặt; tích cực tham gia chiến dịch “Vì một Đà Lạt xanh”… nhằm giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường bền vững từ những hành động nhỏ hàng ngày.
“Có một sự gắn bó hai chiều giữa con người và môi trường. Trong mỗi bước đi cùng với thiên nhiên, chúng ta nhận được nhiều hơn những gì ta tìm kiếm. Nhà trường mong các em nhận thức được mối quan hệ chặt chẽ giữa thiên nhiên và con người, tự giác nâng cao ý thức bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống của chính các em và những người xung quanh” - thầy Ánh chia sẻ.
Bước đầu những giải pháp áp dụng trên, theo thầy Ánh, đã có những kết quả đầy tích cực. “Ý thức bảo vệ môi trường của học sinh dần được nâng cao, các em đến nay đã tích cực tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường, bảo vệ khuôn viên trường học ngày càng xanh - sạch - đẹp. Thông qua việc giáo dục nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường nhà trường mong muốn góp phần tạo dựng một thế hệ trẻ yêu thiên nhiên, yêu môi trường, sẵn sàng hành động vì môi trường, đó là điều đáng mừng nhất” - thầy Ánh nói.
Trong thời gian tới, sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục về môi trường, kết hợp chặt chẽ với các tổ chức xã hội để triển khai các dự án thiết thực hơn, đồng thời xây dựng một môi trường học đường ngày càng xanh - sạch - đẹp.
“Nhà trường xác định rằng việc bảo vệ môi trường không chỉ là nhiệm vụ của riêng ai mà là trách nhiệm của tất cả chúng ta. Chúng tôi hy vọng rằng với sự chỉ đạo, sự quan tâm sâu sát của ngành Giáo dục, sự hưởng ứng tích cực từ đội ngũ giáo viên, học sinh và cả cộng đồng, công tác giáo dục nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường sẽ ngày càng đạt hiệu quả cao hơn, góp phần xây dựng một Đà Lạt xanh, sạch, đẹp và bền vững” - thầy Ánh hy vọng.