Giáo dục Đắk Nông cần đặt ra mục tiêu một cách phù hợp

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, giáo dục Đắk Nông cần đặt ra mục tiêu một cách phù hợp; làm tốt từng việc một và trong điều kiện có thể, khả thi.

Chiều 30/8, tiếp tục chuyến công tác tại tỉnh Đắk Nông, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã dự Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 của tỉnh.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 tỉnh Đắk Nông - Ảnh: TT.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 tỉnh Đắk Nông - Ảnh: TT.

Cần hỗ trợ thêm cho giáo viên vùng sâu

Theo ông Lưu Văn Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Nông, sau 20 năm tái thành lập tỉnh, ngành giáo dục tỉnh Đắk Nông có những bước tiến đáng ghi nhận, đáp ứng nhu cầu của địa phương.

Ông Lưu Văn Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Nông phát biểu tại buổi lễ - Ảnh: TT.

Ông Lưu Văn Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Nông phát biểu tại buổi lễ - Ảnh: TT.

“Nếu như năm 2004, Đắk Nông chỉ có 174 cơ sở giáo dục, hơn 105.000 học sinh với gần 5.000 giáo viên, cán bộ quản lý, thì hiện đã có 367 cơ sở giáo dục, hơn 182.000 học sinh và trên 11.000 cán bộ quản lý, giáo viên”, ông Trung so sánh.

Tuy nhiên, ông Trung cũng đánh giá, khó khăn của giáo dục địa phương là vô cùng lớn, kéo dài nhiều năm, cần thẳng thắn để tháo gỡ.

Một trong những khó khăn nan giải nhất nhiều năm qua là số lượng học sinh tăng nhanh hàng năm, như năm học này cao hơn năm ngoái đến 7.000 em. Trong khi đó số lượng giáo viên luôn thiếu và vẫn phải tinh giản biên chế.

Theo kế hoạch năm học 2023-2024, toàn tỉnh cần 11.728 người, tình trạng thiếu giáo viên vẫn là nỗi lo dai dẳng. “Mong rằng Bộ GD&ĐT và cấp có thẩm quyền xem xét, giao bổ sung cho tỉnh Đắk Nông 1.021 biên chế giáo viên để đảm bảo công tác dạy học”, ông Trung đề nghị.

Nói thêm về việc này, bà Tôn Thị Ngọc Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông nêu, là tỉnh có số lượng học sinh tăng nhanh, địa bàn phức tạp nên cuộc sống của nhà giáo gặp nhiều khó khăn.

Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông phát biểu tại buổi lễ - Ảnh: TT.

Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông phát biểu tại buổi lễ - Ảnh: TT.

“Mong Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nghiên cứu, đề xuất Chính phủ xây dựng chính sách tiền lương mới, trong đó lương của nhà giáo sẽ được trả cao nhất trong bảng lương công chức, viên chức, tương xứng với những đóng góp của họ. Đặc biệt, có chính sách, chế độ phụ cấp phù hợp cho đội ngũ giáo viên mầm non, tiểu học công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”, bà Hạnh nói.

Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhìn nhận, giáo dục Đắk Nông đã có bước phát triển về quy mô, số lượng và chất lượng; hệ thống trường lớp được mở rộng, ngày càng khang trang hơn, trường học đạt chuẩn quốc gia ngày càng nhiều, đạt trên 59%...

Bộ trưởng đánh giá cao sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Đắk Nông đối với công tác giáo dục và đào tạo trên địa bàn Đắk Nông trong thời gian vừa qua - Ảnh: TT.

Bộ trưởng đánh giá cao sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Đắk Nông đối với công tác giáo dục và đào tạo trên địa bàn Đắk Nông trong thời gian vừa qua - Ảnh: TT.

Năm học 2023-2024 và những năm tiếp theo, Đắk Nông sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Là thời điểm khối lượng công việc và các yêu cầu đặt ra trong triển khai đổi mới giáo dục phổ thông cần sự tập trung rất cao.

“Đây là thời điểm cần điều kiện, nguồn lực một cách tập trung nhất, ráo riết nhất. Cần thêm phòng học, mua sắm trang thiết bị trước thềm năm học mới. Tỉnh cần rà soát trang thiết bị nào còn sử dụng được, những gì phải mua sắm mới, vướng mắc ra sao để tìm cách tháo gỡ…”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị.

Các đại biểu dự lễ tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 tỉnh Đắk Nông - Ảnh: TT.

Các đại biểu dự lễ tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 tỉnh Đắk Nông - Ảnh: TT.

Về những khó khăn do thiếu giáo viên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, khó có thể giải quyết ngay. Do đó cần từng bước với nhiều giải pháp khác nhau từ điều động, luân chuyển, bồi dưỡng đến tuyển mới, tạo nguồn tuyển mới...

“Đắk Nông cần đẩy mạnh hơn nữa xã hội hóa giáo dục, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khối tư nhân mở hệ thống các trường ngoài công lập. Qua đó sẽ giảm áp lực cho ngân sách và tăng lựa chọn cho học sinh”, Bộ trưởng gợi mở.

Minh Phương - Thành Tâm

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc-dak-nong-can-dat-ra-muc-tieu-mot-cach-phu-hop-post652485.html