Giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật

Những năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo cùng các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật, tạo cơ hội bình đẳng, giúp các em được tiếp nhận và thụ hưởng dịch vụ giáo dục, tự tin hòa nhập với cộng đồng.

Can thiệp nhóm tại Trung tâm hỗ trợ và phát triển hòa nhập Minh Tâm, Thành phố.

Can thiệp nhóm tại Trung tâm hỗ trợ và phát triển hòa nhập Minh Tâm, Thành phố.

Hiện nay, toàn tỉnh có 4.970 trẻ khuyết tật từ 0-18 tuổi, trong đó trên 51% số trẻ theo học tại các trường từ mầm non đến trung học phổ thông. Hằng năm, chính quyền các cấp và ngành GD&ĐT thống kê số lượng trẻ khuyết tật; tuyên truyền, vận động gia đình đưa trẻ khuyết tật đến trường học.

Sở GD&ĐT quan tâm chỉ đạo công tác tổ chức dạy học đối với học sinh khuyết tật. Các em được miễn một số môn học, hoặc giảm nhẹ yêu cầu môn học, hoạt động giáo dục; được bố trí chỗ ngồi thuận lợi cho việc học, tiếp thu bài giảng; khuyến khích các em tham gia các hoạt động cùng bạn học. Các trường chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn tư vấn, hỗ trợ cha mẹ và học sinh khuyết tật các vấn đề liên quan trong hoạt động hằng ngày và quá trình học tập. Cùng với các hoạt động giáo dục trong chương trình chung, nhiều trường còn tổ chức các hoạt động cho học sinh khuyết tật trong học tập và sinh hoạt tập thể, giúp các em hòa nhập cộng đồng.

Năm học 2024-2025, Trường THCS Tô Hiệu, Thành phố, có 10 học sinh khuyết tật về trí tuệ, ngôn ngữ, vận động. Cô giáo Bùi Thị Thu, Hiệu trưởng, chia sẻ: Trường chỉ đạo giáo viên xây dựng kế hoạch giáo dục cụ thể đối với từng em và từng dạng khuyết tật; trong đó, chú trọng phát huy mặt mạnh của các em. Phân công giáo viên tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng giáo dục trẻ khuyết tật do ngành GD&ĐT tổ chức. Tìm hiểu hoàn cảnh, tâm lý của từng trẻ để có biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ. Đồng thời, thường xuyên trao đổi, phối hợp với phụ huynh về cách nuôi dạy trẻ khuyết tật và theo dõi sự phát triển của trẻ.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 1 trung tâm phát triển giáo dục hòa nhập ngoài công lập và 1 trung tâm phát triển giáo dục hòa nhập công lập được cấp phép hoạt động. Các trung tâm thực hiện việc phát hiện, tư vấn, can thiệp, giúp trẻ khuyết tật, khó khăn về tâm lý được tiếp cận giáo dục và tăng cường chất lượng giáo dục cho trẻ khuyết tật trên địa bàn.

Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Sơn La hiện có 18 phòng học và các hạng mục phụ trợ, với 15 cán bộ, giáo viên, người lao động. Năm học 2024-2025, Trung tâm tuyển sinh 40 em bậc mầm non và tiểu học. Trung tâm đã cử 10 lượt giáo viên tham gia tập huấn công tác chăm sóc, nuôi dạy, can thiệp cho học sinh khuyết tật do các cấp tổ chức. Phối hợp với nhóm chuyên gia Trường Đại học Sư phạm 2 Hà Nội khám sàng lọc, tư vấn và đánh giá trẻ khuyết tật.

Ông Phạm Quang Huy, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh, chia sẻ: Thực hiện tốt nhiệm vụ năm học, cán bộ, giáo viên của trung tâm đều xác định lấy trẻ làm trung tâm; lắng nghe, quan sát và cảm nhận để thấu hiểu các cháu đang cần được hỗ trợ, giúp đỡ như thế nào. Bằng sự kiên trì, bền bỉ và sự quyết tâm, linh hoạt, giáo viên sẽ giúp trẻ tiến bộ mỗi ngày.

Giáo dục cho học sinh khuyết tật hòa nhập giúp các em được hưởng quyền học tập bình đẳng và là cơ hội để các em phát huy tốt khả năng của bản thân, tiếp cận môi trường xã hội. Vì vậy, rất cần sự quan tâm của toàn xã hội, nhà trường và gia đình, mở ra cánh cổng cho trẻ em khuyết tật sống một cuộc sống tự tin, tự lực và có giá trị trong xã hội.

Nguyễn Thư

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/khoa-giao/giao-duc-hoa-nhap-cho-tre-khuyet-tat-mn28xaRHg.html