Giáo dục lịch sử địa phương qua những 'bảo tàng' sống
Đồng Nai có hệ thống các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh phong phú và trải rộng ở hầu khắp các địa phương. Đây chính là nguồn học liệu rất bổ ích cho các nhà trường và học sinh khai thác phục vụ giáo dục lịch sử địa phương và tổ chức hoạt động trải nghiệm.
Hiệu trưởng Trường TH-THCS-THPT Bùi Thị Xuân (thành phố Biên Hòa) Phạm Thị Ngọc Lý chia sẻ: “Hàng năm, nhà trường thường tổ chức nhiều chuyến đi trải nghiệm cho học sinh tại các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, những hoạt động như kết nạp Đoàn và Đội, nhà trường luôn chọn địa điểm di tích lịch sử cách mạng để tổ chức, qua đó kết hợp giáo dục lòng yêu nước cho học sinh”.
Nhiều điểm đến bổ ích
Trong Chương trình Giáo dục phổ thông mới năm 2018, các trường phổ thông đều phải đưa nội dung giáo dục lịch sử địa phương vào kế hoạch giảng dạy. Điều này khá thuận lợi khi tỉnh có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh thiên nhiên phong phú và phần lớn được mở cửa cho học sinh tham quan miễn phí.
Các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh của Đồng Nai không chỉ hấp dẫn và thu hút học sinh nhiều trường trong tỉnh, mà ngay cả những tỉnh, thành khác cũng đưa học sinh đến tham quan, tìm hiểu. Điển hình là các di tích lịch sử cách mạng như: Nhà lao Tân Hiệp, Di tích Nhà Xanh (thành phố Biên Hòa), Trung ương Cục miền Nam, Khu ủy miền Đông (huyện Vĩnh Cửu), Rừng Sác (huyện Nhơn Trạch)... Các trường còn có thêm nhiều lựa chọn hấp dẫn khác như tham quan Văn miếu Trấn Biên, đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh (thành phố Biên Hòa), mộ cự thạch Hàng Gòn (thành phố Long Khánh), đền thờ Vua Hùng (huyện Trảng Bom)…
Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo TRƯƠNG THỊ KIM HUỆ:
Tăng cường trải nghiệm để nâng tầm hiểu biết cho học sinh
Mỗi học sinh đều cần được trang bị kiến thức về lịch sử địa phương nơi các em sinh ra, học tập và trưởng thành. Hiện nay, giáo dục lịch sử địa phương đã không còn gói gọn trong sách vở, nếu có điều kiện, nhà trường nên đưa các em đến với những di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh để các em có cơ hội trải nghiệm, nâng tầm hiểu biết.
Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Phước Tân 3 Phạm Thị Nam (phường Phước Tân, thành phố Biên Hòa) cho biết, kinh phí tổ chức các hoạt động giáo dục trải nghiệm cho học sinh hàng năm không nhiều, chủ yếu là từ xã hội hóa. Trong các chuyến đi, học sinh được nghe giới thiệu và ghi chép lại một cách đầy đủ để làm tài liệu. Kết thúc chuyến đi, các em có thể dùng các tư liệu thu thập được để thực hiện các bài thuyết trình trên lớp.
Có dịp đến thăm Bảo tàng Đồng Nai, em Lê Ngọc Lâm, học sinh lớp 11 Trường TH-THCS-THPT Đinh Tiên Hoàng (thành phố Biên Hòa), chia sẻ cảm nhận: “Sau khi dành gần 2 giờ đồng hồ để tham quan bảo tàng, em đã hình dung được những điều kiện về tự nhiên, kinh tế - xã hội của tỉnh. Đặc biệt, em rất tự hào về truyền thống của tỉnh với chiều dài lịch sử, văn hóa đa dạng.
Mở rộng hiểu biết cho học sinh
Hiệu trưởng Trường TH-THCS-THPT song ngữ Á Châu (phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa) Hồ Thị Lâm cho hay, giáo dục ngày càng thay đổi theo hướng vận dụng kiến thức vào thực tế. Chính thực tế từ những chuyến đi trải nghiệm là cơ hội quý báu giúp học sinh tiếp thu nhiều kiến thức mới. Với hệ thống các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh của tỉnh sẵn có thì đây chính là những “giáo án” sống động mà nhà trường đang tận dụng tối đa.
Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Lê Thị Ngọc Loan cho biết, các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh của tỉnh chứa đựng rất nhiều thông tin bổ ích chờ học sinh khám phá. Điển hình như Văn miếu Trấn Biên hàng năm đón hàng trăm đoàn học sinh không chỉ của Đồng Nai, mà còn nhiều tỉnh, thành khác đến tham quan. Khi tham quan địa danh này, các em có được nhiều thông tin bổ ích về đất và người Đồng Nai qua chiều dài lịch sử 325 năm hình thành và phát triển. Hay như khi đến Di tích Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh (phường Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa), các em có cơ hội tìm hiểu về người có công khai phá mảnh đất phương Nam…
Nhờ được quảng bá rộng rãi nên ngày càng có nhiều trường học đưa học sinh đến tham quan, tìm hiểu đền thờ Vua Hùng tại huyện Trảng Bom. Điều phấn khởi là không chỉ có học sinh ở Trảng Bom, mà ngày càng có nhiều trường ở Biên Hòa, Long Khánh, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ cũng tìm đến tham quan, tìm hiểu. Đền thờ Vua Hùng tại huyện Trảng Bom còn là nơi tổ chức các hoạt động như lễ báo công, kết nạp Đoàn - Đội, kết nạp Đảng cho học sinh lớp 12…
Phó giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai Đinh Thị Lan Hương cho biết, khi các nhà trường đẩy mạnh hoạt động giáo dục trải nghiệm, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai ngày càng trở thành điểm đến thu hút học sinh. Ngoài đến tham quan, tìm hiểu về các di tích lịch sử cách mạng nằm trong khu bảo tồn như Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Khu ủy miền Đông, học sinh còn có cơ hội gần gũi và hòa mình với thiên nhiên xanh mát của khu bảo tồn.