Giáo dục: Mảnh ghép còn thiếu trong ứng phó với biến đổi khí hậu
Việc sử dụng quỹ khí hậu để hỗ trợ giáo dục ở các quốc gia bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng là hành động thiết yếu hướng tới khả năng chống chịu với khí hậu.

Bà Yasmine Sherif, Giám đốc ECW đã có bài viết về vai trò của giáo dục trong ứng phó với biến đổi khí hậu trên Modern Diplomacy. (Ảnh chụp màn hình)
Đó là nhận định của bà Yasmine Sherif, Giám đốc điều hành Education Cannot Wait (ECW) - Quỹ toàn cầu của Liên hợp quốc dành cho giáo dục trong các tình huống khẩn cấp và khủng hoảng kéo dài. Bà Yasmine Sherif đã nhấn mạnh điều này trong bài viết "Education - A Missing Pillar of the Climate Response" đăng tải trên Modern Diplomacy ngày 9/5.
Giáo dục trong vòng xoáy khủng hoảng
Theo bà Sherif, giáo dục trên toàn cầu đang phải đối mặt với khủng hoảng. Và biến đổi khí hậu là một trong những nguyên nhân hàng đầu. Năm 2024, khoảng 242 triệu học sinh trên thế giới đã trải qua gián đoạn học tập do các sự kiện khí hậu. Ngành giáo dục chịu thiệt hại tài chính lên đến 4 tỷ USD mỗi năm chỉ riêng do bão lốc.
Sức mạnh, tần suất và tác động của các mối nguy khí hậu đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn, đặc biệt ở những khu vực chịu ảnh hưởng của xung đột vũ trang, di cư cưỡng bức và khủng hoảng kéo dài.
Khi thảm họa xảy ra, giáo dục là một trong những lĩnh vực đầu tiên bị ảnh hưởng, dẫn đến cả thiệt hại kinh tế và phi kinh tế: Cơ sở hạ tầng bị phá hủy, ảnh hưởng tới thời gian học, năng lực tiếp thu suy giảm, tâm lý học sinh bị tổn thương và có nguy cơ bỏ học lâu dài.
Theo ECW, hiện có tới 234 triệu trẻ em sống trong khủng hoảng cần được hỗ trợ khẩn cấp để tiếp cận giáo dục chất lượng. Trong số đó, hơn 85 triệu em hoàn toàn không được đến trường.
Nhìn vào trận lũ lụt năm 2022 ở Pakistan, làm hư hại hoặc phá hủy gần 30.000 trường học, khiến việc học của hơn 3,5 triệu trẻ em bị gián đoạn và cần tới hàng tỷ USD để tái thiết sau thảm họa. Có thể nói, giáo dục phải là trụ cột trung tâm trong các nỗ lực tái thiết. Đây là một khoản đầu tư nhân đạo cấp bách, đồng thời là khoản đầu tư cho khả năng chống chịu khí hậu lâu dài và phát triển bền vững.
Vào năm 2024, nhiều khu vực ở Sahel, Đông Phi và Trung Á phải hứng chịu các trận lũ lụt lớn, trong khi hạn hán nghiêm trọng hoành hành ở Tây Bắc và Nam Phi cũng như một số khu vực ở châu Mỹ. Theo Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA), tình trạng này đã làm gia tăng mất an ninh lương thực và gây ra mức độ di cư kỷ lục trên toàn cầu.
Khi các cuộc khủng hoảng đan xen, thế giới chứng kiến thêm bất ổn, xung đột, người dân buộc phải di dời và ngày càng nhiều trẻ em không được đến trường.

Vào năm 2024, khoảng 242 triệu học sinh đã trải qua gián đoạn học tập do các sự kiện khí hậu. (Nguồn: ECW)
Hành động về giáo dục là điều thiết yếu
Theo bà Yasmine Sherif, giáo dục có thể đóng vai trò xúc tác trong các khoản đầu tư giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua việc định hình tư duy, hành vi, kỹ năng và đổi mới.
Những người có trình độ học vấn cao thường có khả năng chuẩn bị và ứng phó tốt hơn với thảm họa, chịu ít tác động tiêu cực hơn và phục hồi nhanh hơn. Đặc biệt, giáo dục ở phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực thích ứng cho cả gia đình và cộng đồng, giúp trẻ em trở nên vững vàng hơn trước biến đổi khí hậu.
Tầm quan trọng của việc giải quyết tác động của biến đổi khí hậu lên giáo dục cũng như tận dụng giáo dục để hành động vì khí hậu đã được công nhận trong Tuyên bố về chương trình chung cho giáo dục và biến đổi khí hậu tại COP28 ở Dubai, đến nay đã được 91 quốc gia phê chuẩn.
Tuy nhiên, tài chính khí hậu dành cho giáo dục vẫn ở mức rất thấp - chỉ chiếm 1,5% vào năm 2021. Từ năm 2006-2023, chỉ 2,4% tài chính khí hậu được phân bổ cho các hoạt động liên quan đến trẻ em.
Hiện nay, Quỹ ứng phó với tổn thất và thiệt hại (FRLD) đang được thành lập và vận hành. Giám đốc điều hành ECW nhận định, đây là cơ hội mang tính bước ngoặt để đưa giáo dục, đặc biệt tại các quốc gia dễ bị tổn thương bởi khí hậu và chịu ảnh hưởng bởi khủng hoảng, trở thành trung tâm của hành động khí hậu, thông qua việc ghi nhận và giải quyết các tổn thất kinh tế và phi kinh tế do biến đổi khí hậu gây ra.
Đề xuất hướng đi
Gần đây, Trung tâm toàn cầu Geneva về giáo dục trong tình huống khẩn cấp (EiE Hub) cùng các thành viên đã gửi một thông điệp quan trọng đến Giám đốc điều hành và thành viên Hội đồng quản trị của FRLD. Thông điệp nhấn mạnh sự dễ tổn thương của giáo dục trước biến đổi khí hậu và vai trò thiết yếu trong việc ứng phó khẩn cấp với khí hậu, đồng thời kêu gọi FRLD ưu tiên giáo dục trong phân bổ ngân sách.
Các khuyến nghị bao gồm: Xác lập giáo dục là một lĩnh vực ưu tiên cốt lõi trong khung đầu tư của FRLD; xây dựng các chỉ số riêng cho trẻ em để giám sát và đánh giá, đảm bảo có sẵn các công cụ và cơ chế để triển khai nhanh chóng các khoản đầu tư này.
Bà Yasmine Sherif chỉ rõ, với trẻ em và thanh thiếu niên, việc duy trì giáo dục an toàn, bao trùm và liên tục là thành tố thiết yếu trong các nỗ lực nhân đạo và tăng cường khả năng chống chịu - dù trong khủng hoảng đột ngột hay diễn tiến chậm.
Khả năng phục hồi lâu dài của hệ thống giáo dục, cùng với tính kịp thời và phù hợp của các can thiệp, sẽ quyết định thành công trong phục hồi sau thảm họa.

Đầu tư cho giáo dục hôm nay là khoản đầu tư vào tiềm năng to lớn của nhân loại. (Nguồn: Getty)
Hơn nữa, trẻ em và thanh thiếu niên, đặc biệt tại các quốc gia đang chịu khủng hoảng và dễ tổn thương bởi biến đổi khí hậu, cần được tham gia một cách thực chất vào quá trình xây dựng chính sách và cơ chế hoạt động của Quỹ FRLD thông qua những diễn đàn tham vấn và cơ chế phù hợp khác.
Bên cạnh đó, bà Sherif cho rằng, khi các nước cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) hướng tới COP30 tại Brazil, điều cốt lõi là giáo dục phải được phản ánh phù hợp trong các ưu tiên quốc gia để có thể tiếp cận tài chính khí hậu.
Đồng thời, ECW và các đối tác cũng cần được tạo điều kiện để cung cấp dịch vụ giáo dục thiết yếu cho trẻ em và thanh thiếu niên đang bị ảnh hưởng bởi những cuộc khủng hoảng đan xen giữa khí hậu, xung đột và di cư.
Giám đốc điều hành ECW nhấn mạnh, đầu tư cho giáo dục hôm nay chính là đầu tư cho một tương lai phát thải thấp, có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu. Đó là khoản đầu tư vào tiềm năng to lớn của nhân loại.
Có thể nói, những phân tích và kêu gọi của bà Yasmine Sherif đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về một trụ cột còn bị bỏ ngỏ trong ứng phó với biến đổi khí hậu: Giáo dục. Trong bối cảnh thế giới đối mặt với những thách thức chồng chéo giữa khí hậu, xung đột và khủng hoảng nhân đạo, việc đưa giáo dục vào trung tâm của các chính sách và tài chính khí hậu không chỉ là điều cấp thiết, mà còn là nền tảng cho sự phục hồi bền vững, công bằng và nhân văn.
Hành động ngay hôm nay để đảm bảo quyền được học tập an toàn, liên tục cho hàng triệu trẻ em đang sống trong khủng hoảng, cũng chính là hành động thiết thực để kiến tạo một thế hệ tương lai vững vàng trước biến động khí hậu toàn cầu.