Giáo dục nghề nghiệp: Đại biểu đề nghị giải bài toán 'quả trứng, con gà'
Ngày 29/5, thảo luận ở hội trường, đại biểu cho rằng câu chuyện về 'quả trứng, con gà', cái nào trước đang trở thành bài toán khó giải và đau đầu của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình), hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề bất cập như một số bộ, ngành, địa phương, cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa quan tâm đúng mức đến việc xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo, giáo dục nghề nghiệp.
GỠ BÀI TOÁN "QUẢ TRỨNG CON GÀ"
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung cho rằng, một số quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về chế độ, chính sách đối với nhà giáo, giáo dục nghề nghiệp mới được ban hành đang triển khai áp dụng nhưng lại phải chỉnh sửa, bổ sung theo sự điều chỉnh của các văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn.
Một số văn bản, chính sách về tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh, đào tạo, bồi dưỡng đối với nhà giáo, giáo dục nghề nghiệp chậm được sửa đổi, ban hành, do vậy chưa tạo được động lực thúc đẩy phát triển đội ngũ này. Chưa có chính sách đủ mạnh để thu hút đội ngũ những người có trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề cao.
Ví dụ như nghệ nhân, chuyên gia, người đào tạo là người của doanh nghiệp tham gia đào tạo các cấp, trình độ giáo dục nghề nghiệp, trong đó có việc quy định chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ đối với họ. Nếu so sánh với những người cùng trình độ đào tạo làm việc trong lĩnh vực sản xuất hoặc trong các lĩnh vực khác thì mức lương thu nhập của nhà giáo dục nghề nghiệp thấp hơn rất nhiều.
Đó là, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng không thu hút được những người có trình độ, có tay nghề giỏi, có thực tế sản xuất chuyển về làm nhà giáo ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời, nhiều nhà giáo, giáo dục nghề nghiệp có trình độ tay nghề giỏi lại muốn chuyển ra làm việc tại các doanh nghiệp.
Cùng với đó, công tác dự báo nhu cầu về đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp chưa hiệu quả, chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực, nhất là đối với cán bộ, công chức, viên chức nhiều nơi chưa gắn với yêu cầu công việc, vị trí việc làm, trong khi nguồn kinh phí cho việc đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế.
Cùng quan điểm, Đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh - TP Hà Nội cho rằng, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập cứ loay hoay trong câu chuyện muốn tồn tại thì phải có học sinh, muốn có học sinh thì phải mở những ngành nghề “hot”.
Muốn mở ngành nghề thì lại phải có đủ giảng viên cơ hữu theo đúng quy định. Muốn có giáo viên thì phải tuyển dụng mà muốn tuyển dụng thì lại phải vướng theo các quy định về giảm số người làm trong biên chế nhà nước tối thiểu 10% cán bộ giảng viên mỗi năm. Do đó, việc tuyển dụng không được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Câu chuyện về "quả trứng, con gà", cái nào trước đang trở thành bài toán khó giải và đau đầu của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong khi đó cả nước có khoảng gần 83.000 nhà giáo thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp.
Theo quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đội ngũ nhà giáo, giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030 sẽ giảm xuống còn 67.000 nhà giáo. Ngoài ra, quy hoạch cũng định hướng phát triển thu hút 50.000 nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề tham gia vào giảng dạy các cấp, trình độ của giáo dục nghề nghiệp.
Việc giảm về số lượng đội ngũ nhà giáo trong biên chế nhưng lại tăng số lượng giảng viên thỉnh giảng sẽ dẫn đến nhiều khó khăn, thách thức hơn đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, vì không phải nghề nào cũng dễ dàng mời được giảng viên thỉnh giảng khi nguồn kinh phí của các trường công lập hiện nay rất hạn chế vì đang thực hiện tự chủ.
Trước vấn đề trên, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung đề nghị Quốc hội đồng ý cho xây dựng Luật Nhà giáo và bổ sung dự án Luật Nhà giáo vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trong đó quy định đầy đủ các nội dung nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách về xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp trong thời kỳ mới.
GỠ VƯỚNG TỰ CHỦ ĐẠI HỌC VÀ GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP
Đại biểu Dương Minh Ánh cho rằng, về tiến độ thực hiện lộ trình tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp triển khai còn chậm so với kế hoạch đề ra.
Do đó, đại biểu đề nghị các nội dung sau:
Thứ nhất, đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành cho phép các trường được giãn thời gian thực hiện lộ trình tự chủ, sớm ban hành hướng dẫn về nguyên tắc, cách tính định mức kinh tế kỹ thuật để làm cơ sở cho các địa phương và các cơ sở giáo dục thực hiện. Đồng thời, thực hiện cơ chế đặt hàng đối với các đơn vị sự nghiệp công lập.
Thứ hai, đề nghị Chính phủ sửa Nghị định 151 về quản lý tài sản công, Nghị định 60 về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, Nghị định 120 quy định về thành lập tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập. Đây là tiền đề quan trọng để các cơ sở sự nghiệp công lập vận dụng vào thực tiễn khi tổ chức thực hiện.
Thứ ba, Nhà nước đầu tư ban đầu về cơ sở vật chất cho các đơn vị sự nghiệp công lập để tạo đà phát triển.
Thứ tư, tăng cường đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị thực hiện lộ trình tự chủ theo quy định, đánh giá kết quả của các đơn vị, cá nhân trong thực thi nhiệm vụ. Tuy nhiên, riêng đối với lĩnh vực đào tạo nghệ thuật và thể thao là 2 ngành rất đặc thù, tôi đề xuất 2 lĩnh vực này chỉ tự chủ ở mức 3 là tự chủ một phần, bởi các trường này có quy mô nhỏ, số lượng tuyển sinh đầu vào không đông do phải tuyển chọn học sinh có năng khiếu, chi phí đào tạo cao, thời gian đào tạo dài dẫn đến việc thu học phí của người học gặp khó khăn, do đó cần có sự hỗ trợ của Nhà nước.
Thứ ba, trong báo cáo Chính phủ có nêu về nguồn lực đầu tư cho giáo dục dạy nghề còn hạn chế. Tuy nhiên, hạn chế thế nào, vướng mắc ra sao thì trong báo cáo không nêu rõ, đề nghị Chính phủ bổ sung vào báo cáo nguyên nhân, lý do tồn tại, hạn chế này và nêu giải pháp khắc phục.