Giáo dục nghề nghiệp: Đại học không phải là con đường duy nhất để lập nghiệp

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), năm 2023, 1/3 tổng số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT đã không tham gia đăng ký xét tuyển đại học, ngoài ra có nhiều thí sinh đủ điểm học đại học nhưng vẫn quyết định chọn học nghề.

Chọn đúng nghành, làm đúng nghề

Với số điểm khá cao, thay vì chọn học đại học, anh Trần Đăng Lưu (SN 1990, quê Vũng Tàu) quyết định chọn Trường Cao đẳng Kiến trúc – xây dựng TP.HCM để học.

Anh Trần Đăng Lưu (ngoài cùng bên phải) Giám đốc Công ty TNHH đầu tư và phát triển Đăng Lưu ở TP.HCM. (Ảnh: Lâm Ngọc)

Anh Trần Đăng Lưu (ngoài cùng bên phải) Giám đốc Công ty TNHH đầu tư và phát triển Đăng Lưu ở TP.HCM. (Ảnh: Lâm Ngọc)

“Tôi chọn học nghề vì chương trình đào tạo 70% là thực hành, ra trường có thể đi làm ngay để có thu nhập. Nếu muốn học lên vẫn có thể liên thông và phát triển trong tương lai”, anh Lưu chia sẻ.

Sau khi tốt nghiệp trung cấp ở Trường Cao đẳng Kiến Trúc - xây dựng TP.HCM; anh Lưu tiếp tục liên thông cao đẳng ở Trường Cao đẳng kỹ nghệ II và tốt nghiệp bằng giỏi. Hiện tại anh Lưu là Giám đốc Công ty TNHH đầu tư và phát triển Đăng Lưu (quận Bình Thạnh, TP.HCM).

Đồng quan điểm đó, anh Nguyễn Văn Thành (SN 1995, quê Đắk Nông) chọn học ngành quản lý Văn hóa ở Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP.HCM.

Anh Thành tâm sự: “Lúc chọn học cao đẳng cũng nhiều người không ủng hộ, nhưng qua tìm hiểu, tôi biết trường tuy hệ cao đẳng nhưng là trường điểm, chất lượng giảng dạy rất tốt“.

Anh Nguyễn Văn Thành (phải) cùng bạn đến dự hội nghị khen thưởng do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM tổ chức. (Ảnh: Lâm Ngọc)

Anh Nguyễn Văn Thành (phải) cùng bạn đến dự hội nghị khen thưởng do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM tổ chức. (Ảnh: Lâm Ngọc)

Theo anh Thành, cần xác định bản thân mình thực sự muốn gì, từ đó có thể chọn đúng nghành, học đúng nghề, phát triển tốt cho sự nghiệp sau này.

Sau tốt nghiệp, anh Thành đang làm ở Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân Thành phố - Thành Đoàn TP.HCM.

Đại học không phải là con đường duy nhất để lập nghiệp

Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP.HCM Lê Văn Thinh đánh giá, TP.HCM là một trong những trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa và giáo dục quan trọng nhất của nước ta và cũng là địa phương có quy mô dân số lớn nhất của cả nước.

Ông Lê Văn Thinh cho biết, TP.HCM hiện có 376 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tăng 9 so với năm 2022. Các loại hình gồm trường cao đẳng, trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và các doanh nghiệp có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Trong đó, đào tạo ở doanh nghiệp chiếm số lượng nhiều nhất với 178 cơ sở, tiếp đến là trường cao đẳng với 62 cơ sở và trường trung cấp là 60 cơ sở.

Ông Lê Văn Thinh, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. (Ảnh: Lâm Ngọc)

Ông Lê Văn Thinh, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. (Ảnh: Lâm Ngọc)

Theo Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, hằng năm, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo cung cấp cho Thành phố nguồn nhân lực lớn, có chất lượng cao, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của thành phố. Thực tế cho thấy để phát triển nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa quá trình sản xuất kinh doanh thì người lao động là yếu tố then chốt đóng vai trò quan trọng, cung cấp sức lao động, trí tuệ, kỹ năng và sáng tạo.

“Đây chính là nguồn lực quan trọng nhất cần ưu tiên đầu tư, phát triển, là một trong những yếu tố cấp thiết nhất hiện nay mà thành phố đang hướng đến”, Giám đốc Sở nhấn mạnh.

Để thực hiện tốt theo nghị quyết, chủ trương của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ông Nguyễn Chí Thành - Trưởng phòng giáo dục nghề nghiệp, Sở LĐ-TB&XH cho biết, lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đã chủ động trong việc xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên.

Bên cạnh đó, đã chủ động phối hợp với các công ty doanh nghiệp thực hiện đào tạo kép, đào tạo theo địa chỉ góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Thành phố.

Số liệu thống kê đến tháng 9/2023, các chỉ tiêu, nhiệm vụ của ngành tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm 2022, đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy tình hình lao động việc làm của thành phố từng bước đang phục hồi sau Covid-19.

Theo ông Thành, thời gian qua, nguồn nhân lực sau đào tạo giáo dục nghề nghiệp của thành phố cùng với nguồn nhân lực sau đào tạo giáo dục đại học đã góp phần hiệu quả trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

“Với những tín hiệu khả quan như vậy, hy vọng TP.HCM sớm trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á và Châu Á, có năng lực cạnh tranh toàn cầu; tiếp tục giữ vững vai trò là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước, có sức lan tỏa, thúc đẩy phát triển vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”, ông Thành mong muốn.

Ngày 28/12, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM tổ chức hội nghị tuyên dương người lao động tốt nghiệp từ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP.HCM. Tại hội nghị, 47 lao động giỏi tốt nghiệp từ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố được tuyên dương.

Ngoài ra, Sở trao thưởng cho các 67 vận động viên đạt thành tích cao tại Hội thao Thể dục thể thao và Hội thao Giáo dục Quốc phòng và An ninh học sinh sinh viên giáo dục nghề nghiệp năm 2023.

Lâm Ngọc

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/giao-duc-nghe-nghiep-dai-hoc-khong-phai-la-con-duong-duy-nhat-de-lap-nghiep-164474.html