Giáo dục nghề nghiệp: Mùa tuyển sinh nhiều nỗi lo

Năm 2022 vừa đến cũng là lúc các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) bắt đầu một mùa tuyển sinh mới. Khó khăn, xoay xở và linh hoạt là từ khóa được nói đến nhiều nhất trong mùa tuyển sinh này.

GD&TĐ - Năm 2022 vừa đến cũng là lúc các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) bắt đầu một mùa tuyển sinh mới. Khó khăn, xoay xở và linh hoạt là từ khóa được nói đến nhiều nhất trong mùa tuyển sinh này.

Tuyển sinh vẫn là vấn đề khiến nhiều trường nghề trăn trở. Ảnh minh họa

Tuyển sinh vẫn là vấn đề khiến nhiều trường nghề trăn trở. Ảnh minh họa

Không giảm chỉ tiêu tuyển sinh

Mặc dù công tác tuyển sinh GDNN còn nhiều khó khăn nhưng nhiều trường không giảm chỉ tiêu mà tìm giải pháp tuyển sinh từ xa hiệu quả, linh hoạt mùa dịch.

TS Phạm Đức Khiêm, Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật TPHCM, cho biết, ngoài những đợt tuyển sinh quan trọng hằng năm là vào tháng 7 và tháng 10, năm nay trường chú trọng hơn đợt tuyển ngay sau Tết. Mục đích là nhằm đón được các bạn trẻ còn ở quê chưa nhập học trường nào từ năm 2021 đến nay.

Theo thống kê số lượng này là không ít. Dự kiến, các lớp của đợt 1 sẽ bắt đầu học từ tháng 3/2022, trong đó một số ngành được trường xem là chiến lược như logistics hay công nghệ ô tô.

Bà Phạm Thị Hường - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội - cho biết: Nhà trường đã hoàn thành khóa công tác tuyển sinh năm 2021 - 2022 vào cuối năm 2021. Trong bối cảnh dịch bệnh, kênh tuyển sinh trực tiếp đang gặp khó khăn nên trường thành lập bộ phận chuyên kết nối tuyển sinh từ xa ở các điểm trường THPT. Từ đó, trường sẽ gửi thông tin về để các trường đầu mối làm các kênh tuyển sinh tại các trường THPT ở các địa bàn quận, huyện Hà Nội cũng như các tỉnh phía Bắc.

“Năm 2022 này, trường đặt mục tiêu tuyển sinh 1.500 học viên. Năm 2021, trường tuyển sinh vượt chỉ tiêu 10% so với năm 2020. Cho nên năm nay, nhà trường vẫn đặt mục tiêu tuyển 1.500 em. Đây là mức đảm bảo tự chủ của nhà trường. Mặt khác, trường đang có một số mã tuyển sinh của các nghề mới đào tạo ngắn hạn 3 - 6 tháng, vẫn đang trong mùa tuyển sinh”, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội nói.

Hiện, Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội có khoảng 4 mã nghề số lượng sinh viên đang vào đông. Đó là ngành Công nghệ ô tô, Thiết kế đồ họa, Kỹ thuật máy lạnh điều hòa không khí, Điện công nghiệp. Tuy nhiên, các nghề này, nhà trường chỉ công bố tuyển sinh đến một thời điểm nào đó. Sau đó, trường sẽ tập trung tuyển sinh cho các nghề những năm trước tuyển sinh đủ chỉ tiêu nhưng chưa nhiều đủ đáp ứng nhu cầu thị trường.

Nhu cầu cao nhưng vẫn khó tuyển sinh

NGƯT.TS Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề chất lượng cao Hà Nội, cho biết, nhiều cơ sở đào tạo nghề có nhiều ngành nghề tương đồng nhau. Trong hệ thống GDNN hiện nay, mặc dù nhu cầu của xã hội cao ở một số nhóm ngành nhưng vẫn rất khó tuyển sinh. Cụ thể như chương trình đào tạo trung cấp, cao đẳng ở các nghề thuộc nhóm ngành kinh tế (kế toán, quản trị kinh doanh...); mỹ thuật (kĩ thuật điêu khắc gỗ, điêu khắc). Các nghề thuộc nhóm ngành nghệ thuật trình diễn, mỹ thuật ứng dụng, công nghệ kĩ thuật mỏ; kĩ thuật hóa học, vật liệu, luyện kim và môi trường; nông – lâm nghiệp và thủy sản…

Ông Phạm Xuân Khánh cho biết thêm: “Đời sống của nhiều người lao động, nhiều gia đình gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, dẫn đến một số người không thể học nghề. Thậm chí, chúng tôi nhận được đơn của một số gia đình đề nghị nhà trường tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên được chậm đóng, giãn đóng học phí”.

Theo ông Khánh, cơ chế chính sách của Nhà nước đối với GDNN tuy đã có nhiều thay đổi, song vẫn chưa có chính sách đầu tư để đáp ứng yêu cầu trong việc phát triển, nâng cao chất lượng GDNN. Điều này dẫn đến đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu thị trường lao động hiện nay. Đồng thời, chưa có cơ chế cho các doanh nghiệp có trách nhiệm với các cơ sở GDNN khi tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp các trường nghề.

Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, công tác tuyển sinh trong hệ thống GDNN khó khăn hơn rất nhiều. Trong hệ thống GDNN hiện nay, mặc dù nhu cầu của xã hội cao ở một số nhóm ngành nhưng vẫn rất khó tuyển sinh.

Cụ thể như chương trình đào tạo trung cấp, cao đẳng ở các nghề thuộc nhóm ngành kinh tế (kế toán, quản trị kinh doanh...); mỹ thuật (kĩ thuật điêu khắc gỗ, điêu khắc). Các nghề thuộc nhóm ngành nghệ thuật trình diễn, mỹ thuật ứng dụng, công nghệ kĩ thuật mỏ; kĩ thuật hóa học, vật liệu, luyện kim và môi trường; nông – lâm nghiệp và thủy sản…

Theo ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội: Không thể kết nối với thí sinh qua hình thức trực tiếp, nhiều cơ sở GDNN trên địa bàn Hà Nội đã chủ động chuyển hướng tư vấn tuyển sinh. Theo đó, nhiều trường nhận hồ sơ đăng ký học nghề qua hình thức trực tuyến. Đây là kênh tuyển sinh phổ biến, phù hợp trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng hiệu quả chưa cao.

Việc tư vấn, tuyển sinh trực tuyến thu hút đông người tham gia do học sinh đang nghỉ học, nhiều lao động đang nghỉ làm, nên có thời gian tìm hiểu. Tuy nhiên, số người để lại thông tin để được tư vấn sâu hơn hoặc đăng ký tuyển sinh không nhiều, nhất là đối tượng học sinh chuẩn bị tốt nghiệp THCS, THPT. Theo ông Ngọc, người học còn “nghe ngóng” thời gian, kế hoạch tuyển sinh cao đẳng, đại học. Sau khi có mốc thời gian chính thức, họ mới xác định con đường lập nghiệp cho bản thân.

Ông Đồng Văn Ngọc cũng cho biết thêm, nhiều ngành nghề khiến tuyển sinh GDNN khó khăn. Đặc biệt ở những ngành, nghề nặng nhọc, độc hại, ngành nghề năng khiếu… Kể cả những ngành nghề được nhiều người ưa thích như nấu ăn, hướng dẫn du lịch, chăm sóc sức khỏe… cũng “lao đao” do ảnh hưởng lớn của đại dịch Covid-19.

Một thực tế đáng lo ngại nữa, đó là cách làm của một số địa phương về chủ trương phân luồng còn nhiều bất cập. Các đơn vị trung tâm GDNN – giáo dục thường xuyên, các trường cao đẳng, trung cấp có chức năng đào tạo hệ THPT đóng trên địa bàn chưa đồng đều. Thậm chí, hướng nghiệp trong GDNN tại các cơ sở còn bị “lép vế” khi liên hệ với các trường.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/trao-doi/giao-duc-nghe-nghiep-mua-tuyen-sinh-nhieu-noi-lo-XJKqhOJ7g.html