Giáo dục Nho Quan đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số

Trước sự lan tỏa của cách mạng công nghiệp 4.0, với những bước đột phá của công nghệ số, đòi hỏi phải cải cách toàn diện nền hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, trong đó có lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Nắm bắt xu thế ấy, ngành Giáo dục huyện miền núi Nho Quan cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và phần mềm quản lý trong thực hiện chuyển đổi số vào thực tiễn triển khai nhiệm vụ dạy và học, đáp ứng yêu cầu đổi mới không ngừng của giáo dục-đào tạo hiện nay.

Hướng dẫn học sinh tham gia các cuộc thi, sân chơi qua mạng tại trường Tiểu học Đồng Phong.

Hướng dẫn học sinh tham gia các cuộc thi, sân chơi qua mạng tại trường Tiểu học Đồng Phong.

Tại Trường THCS Thạch Bình, việc ứng dụng CNTT, chuyển đổi số đang từng bước được thầy cô giáo và nhà trường áp dụng vào thực tiễn dạy và học trong tình hình hiện nay.

Cô giáo Đinh Thị Thu Hương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trong hoạt động dạy học và quản lý giáo dục của các cấp theo lộ trình, gồm ứng dụng CNTT trong việc đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá; ứng dụng CNTT trong quản lý quá trình dạy học và quản trị nhà trường.

Nâng cao chất lượng sử dụng CNTT trong tổ chức và quản lý các hoạt động chuyên môn trong các nhà trường; tăng cường sử dụng hồ sơ điện tử, sổ điểm điện tử... để nâng cao hiệu quả công tác quản lý giáo dục; thực hiện nhập số liệu, khai thác, sử dụng thống nhất cơ sở dữ liệu ngành về trường, lớp, học sinh, giáo viên, trường chuẩn quốc gia và các thông tin khác trong quản lý, báo cáo...

Cùng với đó, nhà trường cũng quan tâm và làm tốt công tác truyền thông về trường thông qua trang Web của trường, qua mạng xã hội, sử dụng hiệu quả các ứng dụng CNTT để quảng bá hình ảnh nhà trường, khuyến khích đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh thi đua dạy tốt, học tốt; tuyên dương, quảng bá về những tấm gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến để khích lệ, học tập, làm theo, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng... Kết quả đạt được trong dạy và học của nhà trường liên tục tăng.

Trường THCS Thạch Bình liên tục là đơn vị trong tốp đầu khối THCS huyện Nho Quan cả về thành tích giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn và các phong trào thi đua, các cuộc vận động của ngành Giáo dục.

Trường Tiểu học Đồng Phong những năm qua đặc biệt quan tâm cho học sinh tham gia các cuộc thi, sân chơi trí tuệ cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh và cấp Quốc gia.

Để tạo điều kiện cho giáo viên và học sinh tham gia các sân chơi này, nhà trường quan tâm đầu tư về trang thiết bị như máy tính, đường truyền, hệ thống mạng nội bộ, mạng Internet để giáo viên và học sinh ôn tập, luyện đề, tham gia dự thi đạt hiệu quả.

Nhiều năm qua, các cuộc thi, sân chơi của học sinh tiểu học, như: Violympic tiếng Anh; Violympic Toán tiếng Anh; Violympic Toán tiếng Việt; thi Tài năng tiếng Anh cấp huyện, cấp tỉnh; Trạng nguyên toàn tài, Trạng nguyên tiếng Việt cấp tỉnh, cấp quốc gia, trường Tiểu học Đồng Phong liên tục xếp thứ nhất, nhì trong 27 trường toàn huyện.

Qua đánh giá, xếp loại của Phòng GD- ĐT Nho Quan, năm học 2021-2022, trường Tiểu học Đồng Phong có số lượng giải học sinh tham gia các cuộc thi, sân chơi trí tuệ cấp huyện, cấp tỉnh, cấp quốc gia cao nhất trong toàn huyện.

Theo cô giáo Nguyễn Thị Nhàn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đồng Phong, trong quá trình dạy và học, nhà trường xác định cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học theo hướng tiếp cận người học; ứng dụng hiệu quả CNTT trong thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1,2 và các lớp học tiếp theo.

Đây cũng chính là một trong những hoạt động, điều kiện quan trọng để đổi mới phương pháp dạy - học, giúp cho các giáo viên, học sinh dần đáp ứng với các phương pháp học tập mới, hiện đại, tạo nền tảng quan trọng cho việc tự học, học tập suốt đời của mỗi người, góp phần xây dựng xã hội học tập - một trong những mục tiêu quan trọng của Đảng và Nhà nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Một giờ học của học sinh lớp 9, Trường THCS Thạch Bình.

Nhà giáo Phạm Văn Khương, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Nho Quan cho biết: Thực hiện chỉ đạo và các kế hoạch của UBND tỉnh, UBND huyện Nho Quan, Phòng GD-ĐT đã cụ thể hóa chủ đề công tác năm 2022 "Kỷ cương, trách nhiệm, đẩy mạnh cải cách hành chính" phù hợp, hiệu quả với toàn ngành.

Theo đó, tiếp tục quán triệt, triển khai nghiêm túc, hiệu quả các văn bản của Trung ương, của Bộ GD-ĐT, của tỉnh, của huyện về kỷ cương, kỷ luật hành chính đối với cơ quan Phòng; về kỷ cương, nền nếp trường học, về đạo đức công vụ, đạo đức nhà giáo. Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng các công việc cụ thể, tránh hình thức.

Phòng GD-ĐT tiến hành sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc; chỉ đạo các trường sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc và một số quy chế nội bộ khác. Liên tục quán triệt, triển khai, kiểm tra về nguyên tắc làm việc, nguyên tắc dân chủ, minh bạch, công khai trong các cơ sở giáo dục.

Đồng thời, duy trì nghiêm chế độ họp phòng, họp hiệu trưởng, sử dụng hiệu quả CNTT trong thời gian dịch COVID-19 để duy trì các hội nghị cần thiết. Đổi mới hình thức, nội dung hội nghị, đảm bảo hiệu quả, không mất nhiều thời gian. Tiếp tục đổi mới sinh hoạt chuyên môn toàn huyện, liên trường và trong mỗi trường học...

Triển khai nghiêm túc, hiệu quả, sát tình hình thực tế kế hoạch chuyển đổi số, như nâng cấp đường truyền Internet các phòng học, trường học; chủ động mua sắm thiết bị phục vụ, sẵn sàng trực tiếp và trực tuyến (hầu hết các trường đã có phòng họp trực tuyến, sử dụng hiệu quả trong thời gian dịch COVID-19 và hiện nay vẫn đang sử dụng). Lắp đặt hệ thống camera an ninh, quản lý nội bộ hoạt động tại các trường.

Thời gian qua, Phòng Giáo dục và các đơn vị liên quan trong huyện đã tổ chức hàng loạt các hoạt động kết hợp trực tiếp và trực tuyến với quy mô 81 điểm cầu trong toàn huyện, với hàng nghìn người tham dự. Tới đây, ngành Giáo dục huyện tiếp tục thực hiện trực tiếp kết hợp trực tuyến về các hoạt động sơ kết kỳ I, tổng kết năm học, một số lớp bồi dưỡng đạo đức nhà giáo, chuyên đề theo chủ đề địa lý, lịch sử địa phương, tuyên truyền ATGT, không sử dụng pháo nổ… cho giáo viên và học sinh trong huyện.

Hiện nay, Phòng Giáo dục huyện và các cơ sở giáo dục đã cắt giảm tối đa hồ sơ bản giấy. Theo đó, 100% văn bản thường của phòng ký số; triển khai áp dụng chữ ký số đối với ký duyệt giáo án, sổ điểm; thử nghiệm ký số đối với học bạ… Quản lý thiết bị, thư viện, tài sản công trên phần mềm chuyên dùng.

Việc mua sắm thiết bị, phần mềm thông minh phục vụ dạy và học cũng có sự thay đổi, như sử dụng tivi kết hợp bảng viết phấn; trang bị phần mềm soạn giáo án (không dùng giáo án có sẵn) để giáo viên có công cụ thuận lợi xây dựng kế hoạch bài dạy nhưng đồng thời phải tư duy sáng tạo khi soạn bài; khai thác sử dụng thiết bị dạy học ảo (tranh ảnh, bản đồ, mô hình, thí nghiệm …).

Hiện, toàn bộ các cơ sở giáo dục trực thuộc đã thực hiện nghiêm văn bản của UBND huyện, Sở Giáo dục và Đào tạo về không sử dụng tiền mặt (100% các trường đã mở tài khoản để phụ huynh nộp các khoản theo quy định; vận dụng các phần mềm, tiện ích để tạo thuận lợi cho phụ huynh như phần mềm Misa, dịch vụ của Viettel, VNPT để phụ huynh đóng góp theo quy định mà không phải nộp tiền mặt tài trường).

Hiện nay, việc tiếp nhận các công văn, giấy tờ, văn bản... giữa Phòng Giáo dục với các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, nhà trường được triển khai thực hiện phần lớn qua môi trường mạng, giảm dần việc thực hiện bằng văn bản giấy, từ đó kiểm soát được quá trình tiếp nhận và xử lý văn bản của Phòng và các cơ sở giáo dục trong toàn huyện.

Bài, ảnh: Hạnh Chi

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/giao-duc-nho-quan-day-manh-ung-dung-cong-nghe-thong-tin/d2022123016096125.htm