Giáo dục pháp luật để xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định
Tháng Công nhân, các cấp Công đoàn Hà Tĩnh tập trung nâng cao nhận thức pháp luật cho người lao động để xây dựng mối quan hệ hài hòa, ổn định trong cơ quan, doanh nghiệp.
Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL) đã trở thành một trong những nội dung quan trọng được Công đoàn Các khu kinh tế tỉnh quan tâm thực hiện và đặc biệt tăng cường trong Tháng Công nhân. Hoạt động này đã được linh hoạt thực hiện thông qua các hội nghị, tư vấn, đối thoại để giải đáp những băn khoăn, vướng mắc cho người lao động.
Hội nghị tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Bộ luật Lao động, Luật An toàn vệ sinh lao động, Luật Bảo hiểm xã hội... vừa được Công đoàn Các khu kinh tế tỉnh phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức giữa tháng 5/2024 đã thu hút hơn 200 đoàn viên là người phụ trách công tác nhân sự, bảo hiểm, tiền lương, an toàn vệ sinh lao động của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tham gia.
Chị Nguyễn Thị Hồng Xoan - nhân viên Công ty TNHH Sản xuất cấu kiện công nghệ cao Viết Hải cho biết: “Giảng viên chuyên ngành luật đã cung cấp cho chúng tôi nhiều nội dung quan trọng như: quy định mới về BHXH; chính sách cho người lao động bị tai nạn, bệnh nghề nghiệp, lao động nữ; một số nội dung về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư… Những vấn đề phát sinh từ thực tiễn được đối thoại, thảo luận sôi nổi, giải đáp thỏa đáng, giúp chúng tôi có thêm kiến thức, kỹ năng để áp dụng trong quá trình làm việc tại doanh nghiệp”.
Ngoài hội nghị này, Công đoàn Các khu kinh tế tỉnh cũng chỉ đạo, hướng dẫn công đoàn các cơ sở trong doanh nghiệp triển khai hoạt động TTPBGDPL cho đoàn viên, người lao động, gắn với tăng cường các biện pháp thắt chặt, đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động.
Cán bộ các công đoàn cơ sở trực thuộc và đại diện công nhân, lao động của 22 doanh nghiệp trên địa bàn huyện Hương Khê cũng vừa được tham gia hội nghị TTPBGDPL và đối thoại với lãnh đạo UBND huyện, LĐLĐ huyện.
Trên tinh thần phát huy dân chủ, thẳng thắn đối thoại, hội nghị đã ghi nhận gần 20 ý kiến của các đoàn viên, CNVC - NLĐ. Các ý kiến tập trung vào các nhóm vấn đề chính như: quy định các loại bảo hiểm, an toàn lao động, chế độ cho đoàn viên là cô nuôi tại các trường học....
Bà Trần Thị Mai Liên - Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Hương Khê cho biết: “Chương trình đã góp phần nâng cao nhận thức của đoàn viên, người lao động về pháp luật, giúp họ hiểu rõ quyền lợi, trách nhiệm liên quan. Đây cũng là dịp để người đứng đầu chính quyền, các phòng, ban lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, tiếp thu kiến nghị để kịp giải quyết những vướng mắc. Điều này sẽ góp phần tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện chủ trương, chính sách tại địa phương, đơn vị”.
Bên cạnh tuyên truyền, phổ biến về pháp luật lao động, trong Tháng Công nhân 2024, một số đơn vị đã lựa chọn nội dung tuyên truyền về pháp luật giao thông, phòng chống ma túy, luật an ninh mạng… để tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đoàn viên, người lao động, đặc biệt là lao động trong các doanh nghiệp.
Hiện nay, toàn tỉnh có 69.875 đoàn viên, trong đó khối doanh nghiệp là 26.485 người. Đoàn viên thuộc khối doanh nghiệp phần lớn là lao động phổ thông, trình độ, hiểu biết về pháp luật còn hạn chế. Vì vậy, các cấp công đoàn luôn chú trọng và chủ động trong phối hợp tuyên truyền pháp luật cho nhóm đối tượng này.
Theo đó, phương pháp tuyên truyền được đổi mới, triển khai bằng nhiều hình thức phù hợp với điều kiện của từng đơn vị như: hội nghị trực tiếp; truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, báo chí, mạng xã hội; lồng ghép trong các buổi sinh hoạt chuyên đề; tủ sách pháp luật; treo pano, áp phích…
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, từ đầu năm đến nay, LĐLĐ tỉnh đã phối hợp tổ chức 2 lớp tuyên truyền pháp luật về chính sách lao động nữ, luật an toàn giao thông cho gần 500 đoàn viên, CNLĐ; công đoàn cấp huyện, ngành và công đoàn cơ sở tổ chức tuyên truyền chính sách, pháp luật cho hàng nghìn lượt người lao động.
Ngoài ra, các cấp công đoàn cũng triển khai những cuộc thi trực tuyến do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động đến toàn thể đoàn viên, người lao động như: "Tìm hiểu về công tác an toàn, vệ sinh lao động", "Nghị quyết đại hội công đoàn và hành động của đoàn viên, người lao động"... Đây cũng là kênh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật hiệu quả, lan tỏa, thu hút đông đảo người lao động tham gia.
Việc đẩy mạnh công tác TTPBGDPL nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người lao động và người sử dụng lao động; góp phần xây dựng mối quan hệ hài hòa, ổn định trong các doanh nghiệp, đơn vị; kịp thời bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Đây cũng là cơ sở, điều kiện để các doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh, nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường; giúp mối quan hệ giữa doanh nghiệp, tổ chức công đoàn và người lao động ngày càng gắn bó.