Giáo dục STEM cấp tiểu học sẽ thay thế dần cách dạy truyền thống

Ngày 20.5, gần 100% cán bộ quản lý, giáo viên tiểu học trên địa bàn Hà Nội tham dự hướng dẫn nội dung Giáo dục STEM cấp tiểu học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Giáo dục STEM: Xu hướng giáo dục tích hợp

Giáo dục STEM là phương thức giáo dục chủ yếu dựa trên dạy học tích hợp, tạo cơ hội cho học sinh tổng hợp kiến thức, kỹ năng để phát triển phẩm chất, năng lực và giải quyết hiệu quả các vấn đề trong thực tiễn cuộc sống.

Theo Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội Phạm Xuân Tiến, năm học 2022-2023, Hà Nội là 1 trong 7 tỉnh/TP tham gia thí điểm Giáo dục STEM ở cấp tiểu học. Hà Nội có 5 đơn vị quận huyện tham gia là Hoàn Kiếm, Đống Đa, Gia Lâm, Mỹ Đức, Ba Vì. Mỗi quận/huyện chọn 2 trường với 264 giáo viên, 199 lớp và trên 7.500 học sinh đăng ký tham gia chương trình.

Giai đoạn triển khai thí điểm Giáo dục STEM tại Hà Nội được đánh giá rất thành công

Giai đoạn triển khai thí điểm Giáo dục STEM tại Hà Nội được đánh giá rất thành công

Giai đoạn triển khai thí điểm Giáo dục STEM tại Hà Nội được đánh giá rất thành công. Đội ngũ cán bộ quản lý giáo viên tham gia thí điểm đã nắm vững phương thức Giáo dục STEM và các hình thức tổ chức Giáo dục STEM; điều chỉnh kế hoạch giáo dục nhà trường để thực hiện hiệu quả Giáo dục STEM.

Với Giáo dục STEM, học sinh được tiếp cận với hoạt động thực hành ngay sau khi tiếp cận kiến thức, tạo điều kiện cho các em được củng cố kiến thức hình thành kỹ năng, phát triển phẩm chất, năng lực góp phần thực hiện mục tiêu, yêu cầu cần đạt của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Phương pháp này khắc phục căn bản lối dạy học truyền thống chú trọng truyền đạt kiến thức và quan tâm nâng cao phẩm chất, năng lực cho học sinh. Giáo viên chủ động xây dựng được danh mục chủ đề, bài học STEM/STEAM theo hướng tăng cường, phát huy tính chủ động, tích cực, tự học của học sinh trong các môn học.

Đồng thời, các giáo viên nắm được quy trình và thứ tự thực hiện các bước để tổ chức thực hiện bài học STEM. Từ thực tế đó cùng hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, Hà Nội quyết định triển khai thực hiện Giáo dục STEM đến tất cả các trường tiểu học trên địa bàn thành phố từ năm học 2023-2024.

Các cán bộ quản lý, giáo viên tiểu học tham dự hội nghị đã được nghe tiến sĩ Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT) hướng dẫn thực hiện các nội dung của Giáo dục STEM gồm: Vai trò của Giáo dục STEM đối với học sinh tiểu học, các hình thức tổ chức hoạt động Giáo dục STEM, hoạt động trải nghiệm STEM, quy trình tổ chức hoạt động Giáo dục STEM…

Sở GD-ĐT yêu cầu các phòng GD-ĐT quận, huyện, thị xã và các nhà trường xây dựng khẩn trương kế hoạch thực hiện nội dung Giáo dục STEM tại đơn vị mình, bảo đảm đáp ứng tốt yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Triển khai Giáo dục STEM còn nhiều khó khăn

Cô giáo Phạm Thị Lan Anh (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, giai đoạn triển khai thí điểm Giáo dục STEM theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các giáo viên đã được chuẩn bị các thiết bị dạy học như các kế hoạch bài học STEM cho cả năm học lớp 1, 2, 3, 4. Các kế hoạch bài dạy của từng bài học, bài giảng điện tử định dạng Powerpoint, video - clip bài dạy minh họa, tài liệu bồi dưỡng tập huấn giáo viên về phương pháp triển khai và đánh giá, phiếu thực hành… cũng được chuẩn bị.

Giáo dục STEM sẽ thay thế dần phương pháp dạy học truyền thống

Giáo dục STEM sẽ thay thế dần phương pháp dạy học truyền thống

"Hiện tại theo tôi biết các tài liệu đều được thực hiện theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh cấp tiểu học. Tuy nhiên, nhiều giáo viên e ngại nhất là khi thực hiện mà phương tiện và cơ sở vật chất nhiều trường còn thiếu, thậm chí nhiều trường sử dụng lại thiết bị cũ nên sẽ khó khăn khi triển khai", cô Lan Anh cho hay.

Được biết, trong Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, STEM thể hiện rõ trong xu hướng giáo dục tích hợp. Đặc biệt cấp tiểu học có thể ứng dụng dạy STEM ở môn Khoa học tự nhiên lớp 1, 2, 3 hay môn Lịch sử, Địa lý lớp 4, 5. Ý nghĩa tích hợp thể hiện rõ qua dạy STEM và nhấn mạnh về kỹ năng học tập cần có của học sinh.

Với phương pháp giáo dục truyền thống, giáo viên là người cung cấp kiến thức qua thuyết trình hay giảng giải, còn trẻ là người nghe, ghi nhớ và làm theo. Cách dạy này khiến người học rất thụ động, ghi nhớ máy móc, bị hạn chế năng lực tư duy logic và phản biện. Sự hiếu kỳ tự nhiên của học sinh cũng bị giảm đi do phương pháp tiếp cận cấu trúc một cách máy móc.

Theo các chuyên gia giáo dục, STEM sẽ thay thế dần phương pháp dạy học truyền thống. Việc áp dụng Giáo dục STEM đối với các cấp tiểu học là cần thiết để trẻ có thể thoải mái phát triển và khám phá bản thân. Giáo dục STEM đề cao tính thực tiễn, trẻ sẽ được trải nghiệm thực hành liên quan tới bài học, thường tạo ra sản phẩm, lắp ghép dựa trên các kiến thức vừa được học. Khi trẻ tiếp cận với những sản phẩm, trẻ sẽ được tiếp cận với công nghệ, kích thích tư duy sáng tạo.

Bên cạnh đó, STEM đề cao cung cấp những kỹ năng giải quyết tình huống cho người học. Chính vì vậy mỗi bài giảng học sinh sẽ đưa ra một vấn đề thực tế cần giải quyết thông qua những kiến thức khoa học. Để giải quyết vấn đề đó, học sinh sẽ phải tìm tòi, nghiên cứu những kiến thức các môn học có liên quan qua sách giáo khoa, học liệu, thiết bị thí nghiệm, đồ công nghệ… để tìm ra câu trả lời cuối cùng. Đây cũng chính là mục tiêu mà ngành giáo dục nước ta đã và đang đề ra để thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Dạ Thảo - Ảnh: Thành Chung

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/giao-duc-stem-cap-tieu-hoc-se-thay-the-dan-cach-day-truyen-thong-198147.html