Giáo dục tiểu học vùng dân tộc thiểu số với chương trình mới
Bài 1: Chương trình giáo dục mới
Năm 2021 - 2022 là năm học thứ 2 giáo dục tiểu học áp dụng bộ sách giáo khoa mới (chương trình giáo dục phổ thông 2018 - CT GDPT 2018). Là tỉnh có nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), học sinh tiểu học là người DTTS chiếm tỷ lệ trên 29%, Lâm Đồng càng tích cực đổi mới phương pháp tổ chức dạy học và quản trị nhà trường.
Phương pháp dạy học mới
Đầu năm học 2020 - 2021, áp dụng sách giáo khoa lớp 1 CT GDPT 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã ban hành Công văn số 3977 ngày 5/10/2020, gửi các Sở GDĐT yêu cầu chỉ đạo các trường học thực hiện nghiêm 3 nhiệm vụ. (1) Xây dựng kế hoạch giáo dục thực hiện chương trình lớp 1 theo hướng phân bổ hợp lý về nội dung và thời lượng dạy học giữa các môn học/hoạt động giáo dục. Kế hoạch này không gây quá tải, đáp ứng yêu cầu của chương trình mới được xây dựng theo hướng mở, giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập ngay tại lớp học… (2) Tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực người học… (3) Tăng cường dự giờ, thăm lớp, hỗ trợ thường xuyên cho giáo viên trong quá trình triển khai thực hiện chương trình.
Để thực hiện những nhiệm vụ trên, Sở GDĐT Lâm Đồng đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng các chuyên đề cho 514 cán bộ quản lý và hơn 175 tổ trưởng chuyên môn với 1.654 giáo viên lớp 1 tham gia. Tiếp tục năm học 2021 - 2022, tỉnh Lâm Đồng đã chọn sách giáo khoa lớp 2 với 2 bộ, gồm “Kết nối tri thức với cuộc sống” và “Chân trời sáng tạo”. Có khoảng 300 cán bộ quản lý và trên 1.700 giáo viên được tham gia bồi dưỡng. Công tác triển khai CT GDPT 2018 ở Lâm Đồng tổ chức bài bản, chu đáo, chặt chẽ có chất lượng. Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở GDĐT Trần Đức Lợi: “Do tác động của dịch COVID -19 đã làm ảnh hưởng tới chất lượng dạy học tại một số trường vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào DTTS vẫn còn hạn chế; một số giáo viên lớn tuổi kĩ năng sư phạm chưa đáp ứng đổi mới phương pháp dạy học và yêu cầu của CT GDPT 2018”.
Qua thực tế giảng dạy ở vùng DTTS, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Mai, giáo viên lớp 1 ở điểm trường Đạ Nhar, Trường Tiểu học Quốc Oai, huyện Đạ Tẻh cho rằng, một trong những điểm mới của CT GDPT 2018 là phát triển các phẩm chất năng lực người học và coi trọng trải nghiệm sáng tạo đã khắc phục rất nhiều khó khăn đối với học sinh về tính rụt rè, ngại giao tiếp và đặc biệt là thiếu vốn từ. “Các em được giao tiếp, được tự đặt câu hỏi nhiều hơn trong môn tiếng Việt, được tham gia vào nhiều hoạt động trải nghiệm bổ ích, giúp các em mạnh dạn hơn, được học nhiều kỹ năng sống hữu ích mà cuộc sống hằng ngày ở vùng sâu, vùng xa các em ít gặp phải”, cô Thanh Mai nhận xét.
Tiếng Việt là phương tiện, là chìa khóa
Tuy nhiên, trở ngại trong áp dụng CT GDPT 2018 đối với học sinh DTTS trước hết cũng chính là trang bị vốn tiếng Việt cho học sinh. Tiếp tục năm học 2021 - 2022, ngày 13/5/2021, Bộ GDĐT ban hành Công văn số 1949 về triển khai thực hiện các hoạt động và giải pháp tăng cường tiếng Việt cho học sinh tiểu học vùng DTTS. Bộ đề nghị các Sở GDĐT tổ chức thực hiện nhiều nội dung như tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý và giáo viên về tăng cường tiếng Việt cho học sinh lớp 1, lớp 2, lớp 3 vùng DTTS; triển khai dạy học tăng cường tiếng Việt lớp 1, lớp 2, lớp 3 vùng DTTS. Rà soát kết quả thực hiện các mục tiêu đề ra trong Kế hoạch thực hiện Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025” đã được UBND tỉnh phê duyệt để điều chỉnh kế hoạch phù hợp với thực tế. Sở GDĐT tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí tổ chức triển khai các hoạt động tăng cường tiếng Việt cho học sinh tiểu học vùng DTTS hàng năm, trong đó cần quan tâm bố trí nguồn kinh phí để hỗ trợ, cấp phát miễn phí các bộ tài liệu tăng cường tiếng Việt cho học sinh tiểu học vùng DTTS được Bộ GDĐT tổ chức biên soạn, thẩm định và phê duyệt để các trường có đủ điều kiện triển khai thực hiện theo đúng quy định.
Mặt khác, tỉnh cần bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ thêm cho những giáo viên dạy các lớp chuẩn bị, tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS, học sinh chưa qua mẫu giáo 5 tuổi trước khi vào lớp 1 trong thời gian giáo viên được nghỉ hè theo quy định và những giáo viên dạy các tiết tăng cường tiếng Việt cho học sinh tiểu học vùng DTTS trong suốt năm học phù hợp với điều kiện của địa phương. Tiếp tục thực hiện các giải pháp tăng cường tiếng Việt cho học sinh tiểu học vùng DTTS linh hoạt, phù hợp với điều kiện của từng địa phương như: chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ trước khi vào lớp 1; xây dựng môi trường giao tiếp tiếng Việt trong và ngoài nhà trường; tích hợp rèn luyện kĩ năng sử dụng tiếng Việt trong các môn học/hoạt động giáo dục khác; dạy học theo hướng tăng thời lượng môn tiếng Việt; xây dựng thói quen đọc sách cho học sinh thông qua việc tổ chức các hoạt động thư viện; tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành, cha mẹ học sinh và cộng đồng về việc tăng cường tiếng Việt cho học sinh tiểu học vùng DTTS; xây dựng các cơ sở giáo dục tiểu học điển hình về tăng cường tiếng Việt giúp giáo viên có cơ hội chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm; thực hiện các giải pháp khác: tổ chức thực hiện linh hoạt các hoạt động trải nghiệm, trò chơi học tập, giao lưu tiếng Việt,... nhằm giúp học sinh có cơ hội giao lưu và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Việt. Tăng cường kiểm tra, giám sát, tư vấn, hỗ trợ việc triển khai các hoạt động tăng cường tiếng Việt cho học sinh tiểu học vùng DTTS.
CÒN NỮA