Giáo dục Tin tức giáo dục Thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp
TTH - Thời gian qua, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn tỉnh chủ động đổi mới, tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số (CĐS) nhằm xây dựng, hình thành hệ sinh thái số GDNN, đáp ứng nhu cầu của người học trong nền kinh tế số, xã hội số.
“Điểm sáng” chuyển đổi số
Sự bùng nổ về công nghệ đang mở ra một kỷ nguyên mới cho ngành giáo dục. Để đáp ứng nhu cầu nhân lực, đảm bảo chất lượng đào tạo, các cơ sở GDNN đang từng bước “số hóa” hoạt động nhằm thích ứng với xu thế mới.
Là một trong 36 cơ sở GDNN của tỉnh Thừa Thiên Huế, Trường cao đẳng Công nghiệp Huế (HueIC) được đánh giá là một “điểm sáng” trong các cơ sở GDNN trong việc ứng dụng công nghệ và CĐS.
Thời gian qua, Trường cao đẳng Công nghiệp Huế không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo thông qua đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác giảng dạy và quản trị, tạo môi trường số kết nối. Với các nền tảng số mà nhà trường đang sử dụng, giảng viên và sinh viên hoàn toàn có thể tương tác trực tuyến với nhau, tích hợp các bài giảng đa phương tiện để làm phong phú thêm bài học. Giảng viên và bộ phận quản lý có thể giám sát quá trình học tập của sinh viên, giao bài tập và đánh giá quá trình học tập của sinh viên một cách thuận tiện và chính xác.
Nguyễn Thanh Hòa, sinh viên HueIC cho biết: Các giảng viên đã áp dụng bài giảng điện tử, sử dụng nhiều hình ảnh, video minh họa sinh động vào quá trình giảng dạy giúp em có thêm hứng thú học tập, tiếp thu bài nhanh hơn.
Theo TS. Phạm Văn Quân - Hiệu trưởng nhà trường, để tạo ra sự thay đổi đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhà trường xác định trọng tâm đào tạo của mình, không chỉ là kiến thức hàn lâm, mà là kỹ năng giao tiếp và thương lượng, kỹ năng xây dựng nhóm, sử dụng con người; kỹ năng giải quyết vấn đề, xử lý khủng hoảng; kỹ năng lãnh đạo và tư duy chiến lược; kể cả những kỹ năng cụ thể như lập kế hoạch tài chính và quản lý dòng tiền, sáng tạo giá trị mới và quản lý quan hệ khách hàng. Song song với cách dạy lý thuyết truyền thống, nhà trường chuyển sang dạy học thông qua trải nghiệm, mục đích là để giúp người học hiểu cách tư duy của những người khởi nghiệp và có khả năng lựa chọn những quyết định tốt nhất trong một bối cảnh cụ thể.
Nhà trường còn kết nối, quan hệ hợp tác chặt chẽ với hơn 500 doanh nghiệp, trong đó có nhiều tập đoàn lớn để đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề, có kỹ năng đáp ứng yêu cầu phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp nền tảng, thương mại điện tử và kinh tế số.
Hướng tới môi trường giáo dục thông minh
Thực hiện Quyết định số 2222/QĐ-TTg ngày 30/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình CĐS trong GDNN đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo, giao Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý, nhà giáo tại các cơ sở GDNN về tầm quan trọng của việc CĐS trong hệ thống GDNN nhằm xây dựng, hình thành hệ sinh thái số GDNN, đáp ứng nhu cầu của người học trong nền kinh tế số, xã hội số.
Với việc triển khai đồng bộ đến các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh về việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT, CĐS đã mang lại những kết quả bước đầu. Cụ thể, về quản lý giáo dục đã triển khai xử lý hồ sơ trên môi trường mạng; tích hợp liên thông cơ sở dữ liệu trên nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh. Trong quản trị nhà trường, hồ sơ HS-SV, hồ sơ nhân sự và hồ sơ về cơ sở vật chất, thiết bị đã được quản lý bằng hồ sơ số với định danh thống nhất toàn tỉnh; hồ sơ giảng dạy đã chuyển đổi sang hồ sơ điện tử, dần thay thế hồ sơ giấy.
Đối với công tác chức dạy học, đã tăng cường sử dụng các ứng dụng: Zoom Cloud Meeting, Microsoft Teams, Google Meet, Moodle, Google Classroom để phục vụ việc đổi mới phương pháp dạy học; hoặc lồng ghép tổ chức dạy học trực tuyến và trực tiếp. Tăng cường CĐS và đào tạo trực tuyến, đẩy mạnh liên kết đào tạo, chú trọng đào tạo lại và đào tạo thường xuyên lực lượng lao động để tạo chuyển biến mạnh mẽ về quy mô, chất lượng và hiệu quả của GDNN; bảo đảm người học có kỹ năng chuyên môn, kỹ năng số, kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình chia sẻ: Tỉnh rất quyết liệt trong công tác CĐS trên địa bàn nói chung và CĐS trong GDNN nói riêng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai CĐS trong GDNN hiện vẫn gặp một số khó khăn, như: hạ tầng CNTT phục vụ còn thiếu đồng bộ; hệ thống thiết bị CNTT cấu hình thấp; hệ thống bảo đảm an toàn, an ninh thông tin còn hạn chế; nhân sự phụ trách công tác CNTT và CĐS tại các đơn vị phần lớn phải kiêm nhiệm thêm các công việc khác nên việc ứng dụng CNTT, CĐS còn chưa mạnh.
“Thời gian tới, tỉnh tập trung xây dựng hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách phục vụ CĐS trong lĩnh vực GDNN; phát triển chương trình, nội dung đào tạo các cấp phù hợp với yêu cầu của CĐS trong nền kinh tế và hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, sẽ quan tâm phát triển hạ tầng, nền tảng, thiết bị và học liệu số; phát triển năng lực số cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý GDNN và đổi mới phương pháp dạy học. Tăng cường CĐS trong hoạt động quản lý nhà nước và quản trị nhà trường. Triển khai các giải pháp để huy động nguồn lực cho quá trình CĐS tại các cơ sở GDNN. Bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin và bảo mật dữ liệu”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình nói.
Bài, ảnh: LIÊN MINH