Giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ

Kỷ niệm 79 năm Quốc khánh nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (2/9/1945-2/9/2024), nhiều hoạt động đã được tuổi trẻ tổ chức nhằm ôn lại truyền thống cách mạng hào hùng, bày tỏ lòng biết ơn với các thế hệ cha anh đi trước đã hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân. Đây cũng là dịp để đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, tạo sự đoàn kết trong cộng đồng, nhắc nhở mọi người về giá trị quốc gia và trách nhiệm với Tổ quốc.

Đoàn thanh niên và Hội Phụ nữ Công an tỉnh tổ chức hành trình về địa chỉ đỏ. Ảnh: CTV

Đoàn thanh niên và Hội Phụ nữ Công an tỉnh tổ chức hành trình về địa chỉ đỏ. Ảnh: CTV

Mỗi mái nhà là một lá cờ Tổ quốc

Trào lưu “biến mỗi mái nhà thành một lá cờ Tổ quốc” đang lan tỏa mạnh mẽ trên khắp mọi miền đất nước, trong đó có Phú Yên. Những hình ảnh, video sơn, vẽ quốc kỳ trên mái nhà được đăng tải lên mạng xã hội đã tạo nên một trào lưu thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, đặc biệt vào dịp kỷ niệm 79 năm Quốc khánh nước Cộng hòa XHCN Việt Nam 2/9.

Biết đến trào lưu “biến mỗi mái nhà thành một lá cờ Tổ quốc” thông qua mạng xã hội, thấy trend này ý nghĩa nên chị Lê Thị Hằng, sinh năm 1988, làm nông ở xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân cùng con gái đang học lớp 11 đã bắt tay vào vẽ lá cờ Tổ quốc trên mái nhà của mình. Chiều cuối tuần, hai mẹ con tranh thủ đi mua sơn, dựa vào tỉ lệ trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật để vẽ cho đúng quy định.

“Mẹ con tôi mất 2 tiếng đồng hồ để hoàn thành tác phẩm vẽ cờ Tổ quốc trên mái tôn của gia đình. Khi lá cờ hoàn thành, hai mẹ con rất vui vì đã góp phần lan tỏa hình ảnh quốc kỳ thiêng liêng của Tổ quốc đến những người dân ở xã miền núi này”, chị Hằng cho biết.

Chị Lê Thị Ánh Nguyệt, sinh năm 1995, thợ làm tóc ở phường 9, TP Tuy Hòa cùng chồng cũng đã nhanh chóng bắt trend vẽ lá cờ Tổ quốc trên mái tôn nhà mình. Để có hình ngôi sao vàng 5 cánh đúng tỉ lệ, vợ chồng chị đã cẩn thận tính toán, đo đạc và mất 4 giờ đồng hồ để hoàn thành tác phẩm. Chị Nguyệt chia sẻ: “Nhìn bức ảnh chụp từ trên cao xuống thấy hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng nổi bật trên mái nhà, trong tôi dậy lên niềm xúc động khó tả”.

Chào mừng Quốc khánh 2/9, chị Trần Kiều, sinh năm 1992, ở thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân đã vẽ lá cờ Tổ quốc trên mái nhà của mình. Chị Kiều chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng việc vẽ lá cờ Tổ quốc không chỉ làm đẹp cho ngôi nhà, mà còn lan tỏa tình yêu nước và niềm tự hào dân tộc đến những người xung quanh”.

Theo lãnh đạo Tỉnh đoàn, trào lưu sơn cờ Tổ quốc lên mái, tường, cổng nhà là phong trào yêu nước tự phát đáng trân trọng của người dân, nhất là giới trẻ, song cần tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật liên quan như: quy định về quốc kỳ, kích thước cờ, chú ý lựa chọn loại sơn bền màu, an toàn với môi trường, đặc biệt quan tâm đến việc lựa chọn địa điểm, cách thức sơn và việc bảo quản lá cờ sau khi sơn, bởi đây cũng là cách thể hiện sự trân trọng với quốc kỳ.

Tự hào tiến bước

Đoàn viên, thanh niên, hội viên của Đoàn thanh niên và Hội Phụ nữ Công an tỉnh vừa tổ chức hành trình về địa chỉ đỏ tại Khu di tích lịch sử quốc gia Nhà thờ Bác Hồ (xã Sơn Định, huyện Sơn Hòa) nhân kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2024), 79 năm Quốc khánh nước Cộng hòa XHCN Việt Nam 2/9.

Sau khi tổ chức lễ báo công dâng Bác, đoàn viên, thanh niên, hội viên đã sinh hoạt chính trị “Nhớ về Bác - Lòng ta trong sáng hơn” tại Di tích lịch sử Hội trường Mùa xuân; thi rung chuông vàng tìm hiểu về Di chúc của Bác Hồ; thi hái hoa dân chủ tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh; giao lưu văn nghệ ca ngợi Đảng, Bác Hồ…

Thiếu tá Đỗ Như Đương, Trưởng ban Thanh niên Công an tỉnh cho biết: Đây là đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn giúp cán bộ đoàn, đội, đoàn viên, hội viên nhận thức sâu sắc hơn những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; tiếp tục phát động trong đoàn viên, thanh niên, hội viên học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; từ đó thực hiện có hiệu quả Kết luận 01-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị. Hoạt động này cũng là một hình thức giáo dục truyền thống, bồi đắp cho đoàn viên, hội viên lý tưởng cách mạng, tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào dân tộc.

Thời gian qua, các hoạt động về nguồn như trên thường xuyên được các cấp bộ đoàn, hội, đội trong tỉnh tổ chức để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Trong 6 tháng đầu năm 2024, các cấp bộ đoàn đã tổ chức 61 hoạt động cắm trại, hành quân về nguồn. Công tác giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc được tổ chức đoàn các cấp chú trọng và triển khai thường xuyên, qua đó tổ chức 1.692 hoạt động, thu hút 121.210 lượt đoàn viên, thanh thiếu nhi tham gia.

Theo Bí thư Tỉnh đoàn Lương Minh Tùng, ngày nay, trước yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phát huy truyền thống của thế hệ trẻ Việt Nam qua các giai đoạn cách mạng, thấm nhuần những bài học lịch sử của Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa XHCN Việt Nam 2/9, cùng tuổi trẻ cả nước, tuổi trẻ Phú Yên đã không ngừng rèn đức, luyện tài, dưỡng tâm trong, rèn trí sáng, xây hoài bão lớn. Đoàn viên, thanh niên tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng; sống có trách nhiệm với gia đình, xã hội; có ý chí vươn lên trong học tập, lao động, công tác; khát khao được cống hiến sức trẻ để xây dựng quê hương, đất nước...

HÀ MY

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/160/320245/giao-duc-truyen-thong-lich-su-cho-the-he-tre.html