'Giữ lửa' nghề rèn
Có một thời hầu hết dụng cụ phục vụ đời sống và nông cụ sản xuất được làm từ đôi bàn tay của người thợ rèn. Ngày nay, cùng với sự phát triển của xã hội, những nông cụ truyền thống ấy dần được thay thế bằng máy móc, đẹp và rẻ hơn. Cuộc sống đổi thay, nhưng với nhiều người thì khát vọng, quyết tâm 'giữ lửa' nghề rèn vẫn thôi thúc họ.
Từ lúc mới sinh ra, ông Hoàng Văn Thám ở thôn Thác Dài, xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập đã quen với tiếng đe, tiếng búa. Suốt tuổi thơ ông chứng kiến nỗi cực nhọc, gian khó của nghề rèn, ấy vậy mà lớn lên ông vẫn cứ say mê, không thể tách rời.
Ông Thám quê ở huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, là đời thứ ba nối nghiệp ông cha. Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Thám cho biết, nghề rèn đúc ở quê ông có hàng trăm năm tuổi. Vào thời hoàng kim, nhà làm nghề rèn ngày đêm đỏ lửa, cả năm không hết việc. Khi ông tròn 13 tuổi thì được bố và ông nội truyền nghề, sáng đi học, tối về học rèn, đúc lưỡi cày. Cực nhọc, gian khó nhưng ông vẫn yêu nghề. Sau này chuyển vào miền Nam sinh sống, ông vẫn mang theo “ngọn lửa” nghề rèn.
Ông Thám chia sẻ, rèn được con dao, cái cuốc sắc bén thì quan trọng nhất là nước tôi và kỹ thuật tôi. Đồng thời, người thợ phải biết cách xem loại sắt, thép để chọn cách tôi. Kỹ thuật rèn gồm 3 bước chính: rèn nóng, rèn nguội và tôi sắt. Tùy từng loại thép và sản phẩm tạo ra dày - mỏng mà thời gian nung sẽ khác nhau. Khi phôi thép nung chuyển sang màu đỏ trắng là đến lúc đặt lên đe để quai búa đánh thẳng, dàn đều, tạo hình dáng ban đầu, đánh chuôi dao, rèn thân dao, đánh sống dao và tạo mũi dao, đánh bản dao, tạo lưỡi dao...
Lò rèn nhà ông Thám ngày nào cũng vang tiếng búa, tiếng đe, lửa nghề rèn vẫn đỏ, tuy không huy hoàng như xưa nhưng vẫn ổn định. “Nghề này không giúp gia đình trở nên khá giả nhưng đây là nghề của ông cha để lại nên chúng tôi phải cố gắng gìn giữ. Một con dao có giá 130 ngàn đồng, chi phí nguyên - nhiên liệu đầu vào khoảng 30 ngàn đồng, tiền công chỉ 100 ngàn đồng, 1 ngày vợ chồng tôi có thể làm được 10 con dao. Tuy nhiên, để sống được với nghề phải có thị trường tiêu thụ” - ông Thám bộc bạch.
Cũng bắt đầu học nghề rèn từ năm 13 tuổi, năm 2004, ông Nguyễn Văn Nam mang theo nghề rèn vào xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập lập nghiệp. Mỗi ngày ông miệt mài làm việc hàng chục tiếng đồng hồ và có thu nhập từ 1-1,5 triệu đồng. Ông Nam trụ lại với nghề rèn không đơn thuần vì mục đích mưu sinh, mà niềm mong ước nhất là giữ cho nghề rèn không bị đứt đoạn. Đi đâu ông cũng tự hào và luôn nhớ mình là người làng rèn xứ Thanh.
Để các mặt hàng ngày càng phong phú, chất lượng và đáp ứng nhu cầu thị trường, ông Nam đã đầu tư thêm máy móc hiện đại đưa vào sản xuất, tuy nhiên quan trọng nhất vẫn là kỹ thuật từ người xưa để lại. Theo ông Nam, sản phẩm rèn thủ công làm lâu hơn nhưng bền và bén.
Nếu trước đây, các sản phẩm được làm hoàn toàn bằng thủ công, mỗi ngày, người thợ lâu năm cũng chỉ rèn được 2-3 sản phẩm, thì giờ đây mỗi ngày ông Nam có thể làm 7-8 sản phẩm nhờ máy móc và kỹ thuật hiện đại. Trung bình 1 năm, gia đình ông Nam làm và bán gần 5.000 sản phẩm gồm dao, cuốc, rựa… đem lại nguồn thu ổn định.
Nghề rèn khá vất vả. Người thợ rèn hay thợ phụ quai búa đập đều phải có sức bền, dẻo dai. Để làm ra một sản phẩm, người thợ rèn phải trải qua rất nhiều công đoạn. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Văn cho biết, trên địa bàn xã, đa số người dân làm nông nghiệp nên nhu cầu về dao, cuốc, dao cạo mủ cao su rất nhiều. Toàn xã chỉ có 2 lò rèn, hoạt động không ngơi tay. Do vậy, nghề thủ công này đang mang lại thu nhập ổn định cho người dân.
Cuộc sống đổi thay, mở ra nhiều con đường mưu sinh, vì thế những người theo nghề rèn cũng ít dần. Với những người tâm huyết với nghề như ông Thám, ông Nam thì khát vọng, quyết tâm "giữ lửa" nghề rèn vẫn thôi thúc các ông. Để rồi ngày ngày, các lò rèn ấy đều đều tiếng búa, tiếng đe, lửa nghề rèn vẫn đỏ.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/164810/giu-lua-nghe-ren