Giáo dục truyền thống qua trải nghiệm: Những bài học không bao giờ cũ

Các hoạt động trải nghiệm tại địa chỉ đỏ không chỉ là sân chơi, mà còn khơi dậy tinh thần tự tôn dân tộc, giúp học sinh kế thừa, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn trải nghiệm tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn trải nghiệm tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Hướng về cội nguồn

Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (TP Điện Biên Phủ, Điện Biên) được xây dựng từ năm 2012 và khánh thành, đưa vào phục vụ khách tham quan ngày 5/5/2014 nhân dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Không chỉ là thiết chế, công trình văn hóa trọng điểm, nơi lưu giữ, trưng bày phát huy những giá trị của các tài liệu, hiện vật liên quan đến Chiến thắng Điện Biên Phủ…, đây còn là công trình văn hóa tiêu biểu, địa chỉ đỏ để tổ chức các sự kiện, hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử, điểm du lịch của tỉnh Điện Biên.

Tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ, việc phối hợp cùng các trường học, tổ chức hoạt động trải nghiệm “Chúng em làm chiến sĩ Điện Biên” diễn ra thường xuyên. Học sinh được hóa thân làm người lính Điện Biên năm xưa, từ đó, giúp các em hiểu sâu sắc hơn lịch sử hào hùng dân tộc, sự hy sinh, gian khổ và công lao to lớn của thế hệ cha ông trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam.

Cô Bùi Thị Tiệp - Trường PTDTNT tỉnh Điện Biên chia sẻ: “Lịch sử không chỉ là quá khứ, mà còn chứa đựng những giá trị quý báu cha ông để lại, cần được phát huy, trao truyền qua nhiều thế hệ. Nhận thức rõ ý nghĩa, vai trò của lịch sử trong việc hình thành nhân cách, phẩm chất và lòng yêu nước của mỗi học sinh, Trường PTDTNT tỉnh Điện Biên đã tổ chức buổi học tập trải nghiệm tại Hầm chỉ huy Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại xã Mường Phăng, thành phố Điện Biên Phủ”.

Theo cô Tiệp, chuyến đi không những mang lại kiến thức bổ ích, hỗ trợ các môn học như Lịch sử, Ngữ văn trong chương trình học tại nhà trường, mà còn giúp học sinh hướng tới cội nguồn, biết ơn công lao to lớn của các anh hùng dân tộc. Từ đó, tích lũy cho mình nhiều bài học cuộc sống, rèn luyện tính tự lập, tinh thần trách nhiệm.

“Đây là bước khởi đầu quá trình hình thành tính cách và định hướng nghề nghiệp trong tương lai, tạo động lực cho các em phấn đấu học tập tốt để hiện thực hóa những ước mơ, hoài bão của bản thân”, cô Tiệp chia sẻ.

Thêm yêu lịch sử

Bà Vũ Thị Tuyết Nga - Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ cho biết, việc phối hợp tổ chức hoạt động trải nghiệm được thực hiện thường niên qua các năm. Năm 2024 bảo tàng xây dựng kế hoạch, tổ chức chương trình trải nghiệm cho 3 trường học trong và ngoài tỉnh, thu hút gần 500 học sinh và thầy, cô giáo tham gia.

Qua hoạt động, học sinh hiểu thêm kiến thức về lịch sử, đặc biệt là Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, từ đó cổ vũ, động viên thế hệ trẻ tiếp nối, phát huy truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng.

Trong tháng 3/2025, Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ phối hợp tổ chức hoạt động trải nghiệm cho 2 trường: THPT chuyên Lê Quý Đôn (TP Điện Biên Phủ), THPT Thanh Chăn (huyện Điện Biên) có sự tham gia của gần 200 học sinh, thầy cô. Với sự chuẩn bị kỹ càng, khoa học của cán bộ, nhân viên bảo tàng cùng sự tích cực, hứng thú của học sinh, hoạt động trải nghiệm diễn ra trong không khí thi đua sôi nổi, hấp dẫn.

Dưới sự hướng dẫn của cán bộ, nhân viên Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ, học sinh được hóa thân, trải nghiệm đa dạng. Từ làm lễ nhập ngũ, thi rung chuông vàng, nấu cơm bếp Hoàng Cầm, tiếp lương tải đạn… Các hoạt động có sự phối hợp, đoàn kết của tất cả học sinh trong trường và mỗi lớp.

Nguyễn Khánh Linh - lớp 11B2, Trường THPT Thanh Chăn, cho biết: “Qua hoạt động và lời kể của nhân viên bảo tàng, em tự hào hơn về những trang sử hào hùng dân tộc, đồng thời giúp em cùng các bạn có thêm kiến thức về lịch sử, thấu hiểu hơn những khó khăn, gian khổ mà các chiến sĩ thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc đã trải qua. Trong số các trải nghiệm em thích nhất hoạt động tiếp lương tải đạn bởi đòi hỏi sự đoàn kết, phối hợp, phát huy sức mạnh tập thể”.

Ngoài hoạt động trải nghiệm tại bảo tàng, việc giáo dục truyền thống yêu nước còn được lồng ghép, thực hiện trong các ngày hội lớn như Lễ hội Hoa ban. Một số hoạt động: Xe đạp thồ, tải đạn, kéo pháo tại lễ hội không chỉ mang tính thi đấu, mà còn là dịp tái hiện, đưa hình ảnh chiến sĩ Điện Biên thời kỳ kháng chiến tới đông đảo người dân, du khách, đặc biệt các thế hệ trẻ trong và ngoài tỉnh.

Lò Văn Khánh Trường - học sinh Trường THPT Phan Đình Giót (TP Điện Biên Phủ) tham gia nội dung thi đấu đẩy xe đạp thồ tải đạn và kéo pháo. “Qua cuộc thi, em mong muốn hình ảnh chiến sĩ Điện Biên được lan tỏa, nhiều người biết và hiểu hơn sự hy sinh, vượt mọi gian khổ đấu tranh cho độc lập tự do dân tộc của các chiến sĩ Điện Biên”, nam sinh bộc bạch.

Sùng A Tuấn - học sinh Trường PTDTNT tỉnh Điện Biên được trải nghiệm đường hầm xuyên núi dài 69m từ lán Đại tướng Võ Nguyên Giáp sang lán tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái và lán Cố vấn quân sự Vi Quốc Thanh mà bộ đội ta đã đào trong 28 ngày đêm để phục vụ chiến dịch.

Tại đây, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cùng Bộ Chỉ huy chiến dịch đưa ra những chỉ thị, mệnh lệnh tấn công có tính chất quyết định đến thắng lợi từng trận đánh mà đỉnh cao là lệnh tổng công kích trên toàn mặt trận ngày 7/5/1954, làm nên chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Điện Biên là quê hương cách mạng, nơi in dấu những chiến thắng hiển hách của dân tộc. Được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất anh hùng, mỗi học sinh phải biết truyền thống cách mạng và niềm tự hào với quê hương. Buổi tham quan hay hoạt động trải nghiệm thực tế là cơ hội để các em hiểu rõ hơn cuộc kháng chiến trường kỳ của quân và dân ta qua các di tích còn lưu giữ gần như nguyên vẹn. - Cô Bùi Thị Tiệp (Trường PTDTNT tỉnh Điện Biên)

Hà Thuận

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc-truyen-thong-qua-trai-nghiem-nhung-bai-hoc-khong-bao-gio-cu-post731638.html