Giáo dục văn hóa truyền thống: Trở về nguồn cội

Thay vì dạy kiến thức lý thuyết, răn dạy, nhà trường linh hoạt, đa dạng phương pháp, hình thức giáo dục học sinh...

Thiếu tướng Lưu Xuân Cải kể chuyện về Thành cổ Quảng Trị cho học sinh Trường THPT Hồng Bàng.

Thiếu tướng Lưu Xuân Cải kể chuyện về Thành cổ Quảng Trị cho học sinh Trường THPT Hồng Bàng.

Giáo dục đạo đức, lối sống, truyền thống cách mạng, bồi đắp tình yêu quê hương đất nước từ những câu chuyện xúc động của nhân chứng lịch sử, trải nghiệm bảo tàng, di tích địa phương… là cách làm hiệu quả mà các nhà trường tại Hải Phòng đang thực hiện.

Giáo dục từ câu chuyện lịch sử

Thầy Phạm Hoàng Hưng - Hiệu trưởng Trường THPT Hồng Bàng (Hồng Bàng, Hải Phòng) cho hay, giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của nhà trường. Thay vì dạy kiến thức lý thuyết, răn dạy, nhà trường linh hoạt, đa dạng phương pháp, hình thức giáo dục học sinh. Trong đó, mời nhân chứng lịch sử gặp gỡ, giao lưu và kể chuyện là cách đưa các em “về nguồn” tốt nhất.

Cuối tháng 12/2024, Trường THPT Hồng Bàng vinh dự đón tiếp Thiếu tướng Lưu Xuân Cải - nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân khu 3, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố Hải Phòng về trường, nói chuyện với gần 2.000 cán bộ, giáo viên, học sinh.

Người dân Việt Nam từng đọc, học môn Lịch sử sẽ không thể quên sự kiện 81 ngày đêm tại Thành cổ Quảng Trị - đây được xem như thiên sử vàng dân tộc về chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thế kỷ XX.

Không một trang sách, câu chuyện hay áng văn thơ nào có thể kể hết hình ảnh một thế hệ thanh niên đã dâng hiến cả tuổi thanh xuân đẹp nhất để bảo vệ Tổ quốc trước sự xâm lược của kẻ thù… Họ đã viết nên “Khúc tráng ca Thành cổ”. Và một nhân chứng sống - người từng tham gia chiến đấu trực tiếp 81 ngày đêm để bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 là Thiếu tướng Lưu Xuân Cải.

Ngược dòng lịch sử, Thiếu tướng Lưu Xuân Cải nhớ lại: “Để vào đến Thành cổ Quảng Trị, chúng tôi phải vượt sông Thạch Hãn trong bối cảnh trực thăng địch ngày đêm quần thảo. Anh em phải chờ khoảng 2 giờ sáng, lúc đó trực thăng hạn chế bay, pháo sáng bớt đi, địch đỡ tuần tra thì nhanh chóng vượt sông.

Vậy mà có những trung đội 20 - 30 người, ra đến giữa dòng thì trực thăng địch phát hiện, bắn xối xả, sang đến bờ kia chỉ còn lại 10 người; nhiều người đã vĩnh viễn nằm lại dưới lòng sông sâu thẳm... Đò lên Thạch Hãn ơi… chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm”.

Câu chuyện của Thiếu tướng Lưu Xuân Cải đã đưa thầy trò Trường THPT Hồng Bàng về với lịch sử dân tộc, dòng sông Thạch Hãn với bao cảm xúc trào dâng. Có biết bao giọt nước mắt lặng lẽ rơi, những nắm tay, cái ôm thật chặt và cả ánh mắt đầy tự hào hướng về hình ảnh người cựu chiến binh.

Hoàng Đăng Trường Hải - học sinh lớp 10C1 chia sẻ, năm đầu tiên bước vào trường, em được nghe những câu chuyện đầy cảm xúc về Thành cổ Quảng Trị qua “nhân chứng sống”. Nếu chỉ thăm di tích lịch sử, đọc qua sách báo, em và các bạn không thể hình dung hết cuộc chiến “sinh - tử” nơi đây. Qua chia sẻ của bác Lưu Xuân Cải, em thấy mình thật may mắn, hạnh phúc khi được sinh ra và lớn lên trong thời bình.

Với Đỗ Hoàng Long - lớp 12A7, khi xem video về Quảng Trị, nghe câu chuyện về người lính đánh Mỹ, dòng cảm xúc tràn về và nghẹn đắng trong cổ họng. Cuộc chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị của quân và dân ta thật đáng tự hào. Long đã tự tìm thêm tư liệu trên Internet để hiểu hơn về một giai đoạn lịch sử, truyền thống kiên cường, anh dũng của cha ông.

Thầy Phạm Hoàng Hưng sinh ra trong gia đình giàu truyền thống cách mạng. Người thân của thầy đã đổ máu, hy sinh nơi chiến trường. Khi nghe những câu chuyện lịch sử, thầy Hưng vô cùng xúc động, nhớ thương và tự hào. Vì thế, theo thầy Hưng, giáo dục học sinh qua những câu chuyện kể thực tế sẽ hiệu quả và mang lại xúc cảm khó quên cho các em. Đó là hành trang, nền tảng đạo đức để thế hệ trẻ thêm yêu, tự hào và có nghị lực phấn đấu trong học tập, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

Đa dạng hình thức giáo dục

Theo kế hoạch hằng năm, Trường THPT Lương Thế Vinh (Hồng Bàng, Hải Phòng) có nhiều hoạt động để giáo dục đạo đức, lối sống, truyền thống cách mạng, tình yêu đất nước cho học sinh.

Cô Hiệu trưởng Hồ Thị Dinh cho hay: Dịp Tết Nguyên đán 2025, nhà trường đưa học sinh sang Trường Nuôi dạy Trẻ em Khiếm thị Hải Phòng để tham gia các hoạt động đón xuân. Qua trải nghiệm thực tế không chỉ giúp học sinh hiểu ý nghĩa về ngày Tết cổ truyền, mà còn bồi dưỡng tâm hồn, dạy các em biết lắng nghe, sẻ chia và giúp đỡ những em nhỏ kém may mắn trong cuộc sống…

“Trăm nghìn lời nói hay không bằng một hành động đẹp. Chúng tôi thật vui khi học sinh nhà trường đã lớn hơn trong nhận thức, có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội”, cô Dinh bày tỏ và cho biết thêm, để hướng về những sự kiện lịch sử của dân tộc, nhà trường tổ chức nhiều sự kiện thiết thực.

Ví như: Giáo dục STEM qua Cuộc thi thiết kế poster chủ đề “Ngày Giải phóng miền Nam”; các đội chơi hóa thân thành người lính Bộ đội Cụ Hồ, xây cầu bắc qua sông lớn có khả năng chịu tải trọng lớn nhất; thi lắp ráp xe tăng, xe chở vũ khí, xe thiết giáp chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử... các em đã ứng dụng công nghệ thông tin để tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng.

Là giáo viên môn Lịch sử, cô Lâm Thị Kiều - Trường THPT Hồng Bàng cho rằng, giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh qua môn học vô cùng quan trọng. Cô Kiều luôn tìm hiểu các phương pháp mới, ứng dụng công nghệ thông tin để truyền đạt kiến thức.

Những câu chuyện lịch sử đã thu hút học trò hơn lý thuyết suông. Trong giờ dạy của cô Kiều không còn “lối mòn” đọc chép mà thay vào đó là phần trình bày dự án, bài tập nhóm, thuyết trình của học trò về bài tập được giao. Cách học này khiến học sinh ghi nhớ sự kiện đầy chủ động.

Chương trình GDPT 2018 có nhiều điểm đổi mới. Đưa ra nhận định, ông Phạm Quốc Hiệu - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng nhấn mạnh, các trường cần chủ động, linh hoạt với kế hoạch giáo dục.

Hoạt động giáo dục sẽ đa dạng, phong phú và hiệu quả khi thầy, cô tích cực đổi mới hình thức giảng dạy, mạnh dạn ứng dụng công nghệ thông tin. Giáo dục đạo đức, lối sống, tình yêu quê hương đất nước cho các em là xuyên suốt trong các hoạt động. Do đó, cách làm của các nhà trường cần đổi mới, đa dạng và phù hợp, từ đó giúp học sinh tự trải nghiệm, khám phá giá trị cốt lõi, tiếp thu kiến thức dễ dàng.

Theo Thiếu tướng Lưu Xuân Cải, dạy đạo đức, lối sống, truyền thống cách mạng, bồi đắp tình yêu quê hương đất nước, thực tế nhất là qua những câu chuyện từ cuộc sống.

“Tôi kể lại câu chuyện của mình để các bạn trẻ hiểu hơn về chiến tranh, đau thương mất mát của thế hệ cha anh, đồng đội tôi. Từ đó, các em thêm tự hào quê hương, truyền thống dân tộc, trân quý giá trị hòa bình, nỗ lực gìn giữ đất nước mà cha ông đã hy sinh xương máu để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và độc lập Tổ quốc”.

Nguyễn Dịu

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc-van-hoa-truyen-thong-tro-ve-nguon-coi-post719625.html