Giao lưu nghệ sĩ Na Uy-Việt Nam: Sự đồng điệu trong nghệ thuật

Tối 25/11, tại nhà riêng Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Grete Løchen đã diễn ra buổi giao lưu nghệ thuật nhằm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Na Uy-Việt Nam (25/11/1971-25/11/2021).

Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Grete Lochen và họa sĩ Thành Chương. (Ảnh: KT)

Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Grete Lochen và họa sĩ Thành Chương. (Ảnh: KT)

Sự kiện có sự tham gia trực tiếp và trực tuyến của hơn 50 nghệ sĩ, nhà nghiên cứu nghệ thuật, văn hóa, học giả, phê bình nghệ thuật của hai nước Na Uy và Việt Nam.

Theo Đại sứ Na Uy Grete Lochen: “Sự kiện giao lưu văn hóa này vô cùng đặc biệt bởi nó được tổ chức đúng ngày hai nước Na Uy-Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao, 25/11.

Sự kiện là cơ hội tuyệt vời để khán giả và các nghệ sĩ Việt Nam gặp gỡ với các họa sĩ Na Uy, cùng thảo luận về các chủ đề mà hai bên cùng quan tâm, trong đó có khái niệm các thể loại tác phẩm nghệ thuật, khía cạnh chuyên môn và kỹ thuật, cảm hứng sáng tác và các chủ đề rộng hơn như sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực nghệ thuật, những thách thức nói chung và đặc biệt trong thời kỳ đại dịch nói riêng...".

Trong khuôn khổ buổi giao lưu, 6 tác phẩm nghệ thuật của 5 nghệ sĩ Na Uy: Torbjorn Kvasbo, Marit Tingleff, Tyra Tingleff, Marianne Heske, Finn Christensen và họa sĩ Việt Nam-Nguyễn Thành Chương đã được giới thiệu.

Bên cạnh đó, các nghệ sĩ bậc thầy về gốm sứ của Na Uy, ông Torbjorn Kvasbo và bà Marit Tingleff đã giới thiệu cho khán giả Việt Nam quy trình sáng tác của họ và cách tạo ra các tác phẩm gốm sứ mang đậm chất Bắc Âu.

Không gian nghệ thuật tại nhà riêng của Đại sứ Na Uy tại Việt Nam. (Ảnh: KT)

Không gian nghệ thuật tại nhà riêng của Đại sứ Na Uy tại Việt Nam. (Ảnh: KT)

Sự kiện có sự góp mặt của hai cặp mẹ và con gái cùng là nghệ sĩ của Na Uy và Việt Nam: bà Marit Tingleff và chị Tyra Tingleff, bà Lê Kim Mỹ và chị Vũ Kim Thư.

Họ đã cùng nhau đề cập vấn đề truyền thống gia đình và ý nghĩa của nó trong việc nuôi dưỡng tình yêu nghệ thuật của họ, làm thế nào để cân bằng giữa vai trò xã hội và gia đình cũng như tiếp tục đam mê nghệ thuật. Các nghệ sĩ cũng nói về những thuận lợi và thách thức đối với các nghệ sĩ ở Na Uy và Việt Nam.

Bối cảnh nghề nghiệp ở Na Uy và Việt Nam có thể khác nhau, nhưng các nghệ sĩ đều có chung một tình yêu cháy bỏng và sự đam mê mãnh liệt với nghệ thuật cũng như những gì họ đã và đang theo đuổi.

Đặc biệt, tại sự kiện, nghệ sĩ Na Uy Torbjorn Kvasbo, hiện là Chủ tịch của Hiệp hội Gốm sứ Quốc tế (IAC) đã kêu gọi các nghệ sĩ và các chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực gốm sứ của Việt Nam quan tâm và gia nhập Hiệp hội IAC của ông.

Ông Torbjorn Kvasbo chia sẻ: “Gốm sứ Việt Nam có lịch sử lâu đời và đa dạng từ hàng nghìn năm trước. Việt Nam vẫn còn nhiều làng gốm truyền thống như Bát Tràng, Thổ Hà, Phù Lãng, Bồ Bát nhưng trong IAC lại rất khó tìm thấy một bức tranh nghệ thuật gốm đương đại của Việt Nam. Hiệp hội chúng tôi chưa có thành viên nào từ Việt Nam. Chúng tôi đang tích cực làm việc để tuyển dụng các thành viên từ các khu vực ít được đại diện trên thế giới. Chúng tôi muốn kết nối, để biết thêm về các điều kiện cho đồng nghiệp, giáo dục của các nhà gốm sứ, triển lãm và sự kiện, trên toàn thế giới. IAC rất quan tâm đến thông tin về lĩnh vực gốm sứ đương đại tại Việt Nam”.

Đại diện các nghệ sĩ Việt Nam, họa sĩ Nguyễn Thành Chương cho biết, ông rất vui vì được tham gia chương trình giao lưu này. Ông là họa sĩ Việt Nam duy nhất có tác phẩm được trưng bày ở nhà riêng của Đại sứ Na Uy tại Việt Nam từ năm 1996.

Ông Nguyễn Thành Chương chia sẻ: “Bản thân nghệ thuật đã là một chiếc cầu nối văn hóa, cho dù bạn là người Na Uy hay Việt Nam. Qua những bức tranh này, chúng ta sẽ hiểu về văn hóa, con người và đất nước của nhau hơn”.

(Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/giao-luu-nghe-si-na-uy-viet-nam-su-dong-dieu-trong-nghe-thuat-166364.html