Giao lưu với nhà thơ Bảo Ngọc
Mới đây, Thư viện tỉnh Khánh Hòa tổ chức chương trình Ngày hội trang sách hồng năm 2025 với chủ đề “Em và đại dương xanh”. Trong chương trình, các học sinh đã được trò chuyện, giao lưu trực tiếp với nhà thơ Bảo Ngọc - Phó Chủ tịch Hội đồng Văn học thiếu nhi (Hội Nhà văn Việt Nam) về vẻ đẹp và tình yêu dành cho tiếng Việt; những gợi ý để có thể viết một bài thi hay tham gia Cuộc thi viết thư UPU năm 2025…
Nhà thơ Bảo Ngọc có nhiều bài thơ được chọn đưa vào các bộ sách giáo khoa như: Chuyện xây nhà, Nắng hồng (Tiếng Việt lớp 3 tập 1 - bộ sách Chân trời sáng tạo); Vẽ màu, Gặt chữ trên non (Tiếng Việt lớp 4 tập 1 - bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống); Ngôi nhà thiên nhiên (Tiếng Việt lớp 5 tập 2 - bộ sách Cánh diều)… Những bài thơ của chị có ngôn ngữ trong sáng, hồn nhiên, giàu hình ảnh, giúp các em nhỏ phát huy được trí tưởng tượng của bản thân. Đến với chương trình giao lưu cùng học sinh Khánh Hòa, nhà thơ Bảo Ngọc vẫn giữ cho mình phong cách của “một đứa trẻ nhiều tuổi” để trò chuyện, trao đổi với các em. Qua cuộc trò chuyện về vẻ đẹp của tiếng Việt, nhà thơ Bảo Ngọc đã giúp các em nhỏ biết thêm về những điều hay, cái đẹp ẩn chứa trong mỗi con chữ, tiếng nói. Ở đó, tiếng Việt không chỉ thuần túy là một phương tiện giao tiếp, mà còn chứa đựng tình cảm, tâm hồn, giá trị văn hóa, lịch sử, niềm tự hào của biết bao thế hệ người dân Việt Nam. Nhà thơ đã gieo vào lòng các em nhỏ những ý niệm về giá trị của tiếng Việt đối với hành trình phát triển của mỗi người; vai trò to lớn của tiếng Việt trong cuộc sống, lao động, học tập, giao thiệp với bạn bè quốc tế. “Nghe cô Bảo Ngọc chia sẻ về vẻ đẹp của tiếng Việt, em thật sự ấn tượng về cách cô phân tích ý nghĩa của việc vì sao nói tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ. Những điều cô nói thật gần gũi, giản dị đã giúp em dễ hiểu hơn và em thấy bản thân cần phải có trách nhiệm góp phần giữ gìn vẻ đẹp, sự trong sáng của tiếng Việt trong quá trình học tập, giao tiếp thường ngày”, em Nguyễn An Nhiên (học sinh Trường THCS Trưng Vương, TP. Nha Trang) cho biết.
Trong chương trình, nhà thơ Bảo Ngọc cũng đã chia sẻ những thông tin, đưa ra gợi ý để học sinh có thể vận dụng trong việc thực hiện bài viết tham gia Cuộc thi viết thư UPU năm 2025. Với chủ đề cuộc thi năm nay “Tưởng tượng bạn là đại dương. Hãy viết một bức thư cho ai đó giải thích lý do và cách họ nên làm để chăm sóc, bảo vệ bạn thật tốt”, nhà thơ đã trao đổi cùng các em cách tư duy đề tài, gợi ý cụ thể trong việc thể hiện nội dung bài viết, cách thức biểu đạt, hình thức thể hiện bài viết… Bên cạnh đó, nhà thơ Bảo Ngọc còn nhiệt tình giải đáp những câu hỏi, vấn đề các em còn thắc mắc. “Khi quyết định tham gia Cuộc thi viết thư UPU năm 2025, điều em băn khoăn là cách thức mình hóa thân vào nhân vật như thế nào cho ấn tượng, kết cấu bài viết cần phải có những phần nào. Qua trao đổi của cô Bảo Ngọc, em đã hiểu hơn về cách đưa ra thông điệp ý nghĩa trong bài viết của mình”, em Bùi Gia Phúc (học sinh Trường THCS Phan Chu Trinh, huyện Diên Khánh) cho biết.
Với nhà thơ Bảo Ngọc, được gặp gỡ các em học sinh ở Khánh Hòa trong những ngày giáp Tết Nguyên đán Ất Tỵ thực sự là một điều ý nghĩa. Nhà thơ luôn nhận mình là một người nhiều tuổi nhưng mang tâm hồn trẻ thơ. Có lẽ vì thế, được trò chuyện, giao lưu, gặp mặt với các em nhỏ, bản thân chị xem đó như một buổi được vui chơi cùng những người bạn nhỏ tuổi. “Tôi có tuổi thơ được sống nơi thôn quê với rạ rơm, đồng ruộng thấm đẫm gió trời cùng bao bạn nhỏ. Càng lớn, tôi càng nhận ra hồn quê, hồn làng, hồn nước ngấm vào tôi qua những bài thơ có vần có điệu. Tôi yêu quê hương mình, yêu con người dân tộc mình qua thơ văn, âm nhạc, qua những điều đẹp đẽ được neo lại trong tâm hồn mình từ thời thơ bé. Vậy nên, tôi muốn tiếp nối những giá trị ấy bằng các câu chữ, sắp xếp câu chữ sao cho những bài thơ có thể đến thật gần với các em, vui cùng các em, nói cùng các em đúng “cái giọng” mà các em muốn lắng nghe, yêu thích. Những bạn nhỏ ở Khánh Hòa đã dành cho tôi thật nhiều câu hỏi, chia sẻ nhiều điều các em còn băn khoăn trong suy nghĩ. Chính điều đó như tiếp thêm năng lượng cho tôi trên hành trình góp phần nhỏ bé làm đẹp hơn tiếng Việt”, nhà thơ Bảo Ngọc chia sẻ.
Trong nỗ lực thu hút độc giả đến với thư viện, thời gian qua, Thư viện tỉnh đã có những hoạt động giao lưu, trò chuyện với các nhà văn, nhà thơ, cũng như một số hoạt động mang tính chất hướng dẫn kỹ năng sống. Với việc mời nhà thơ Bảo Ngọc đến giao lưu, chia sẻ với các em học sinh về những nội dung rất thiết thực thực sự có ý nghĩa trên nhiều phương diện. “Chúng tôi luôn mong muốn đưa không gian Thư viện tỉnh trở thành điểm sinh hoạt văn hóa, nơi các em học sinh và độc giả các lứa tuổi không chỉ đến mượn và đọc sách, mà còn có thể gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ với nhau về những chủ đề bổ ích. Thời gian tới, chúng tôi sẽ cố gắng kết nối với những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng được bạn đọc yêu mến, tổ chức những buổi sinh hoạt hấp dẫn hơn”, bà Đinh Thị Ninh Trang - Giám đốc Thư viện tỉnh cho biết.
Nhà thơ Bảo Ngọc tên thật là Nguyễn Thị Bích Ngọc, quê gốc ở huyện Khoái Châu (tỉnh Hưng Yên), từng tốt nghiệp Trường Viết văn Nguyễn Du khóa V (1993-1998). Tác phẩm đã in gồm: Hồn thời gian (tản văn); Bến trăng (thơ); Giữ lửa (thơ); Gõ cửa nhà trời (thơ); Lớp học Thung Mây (tập thơ và truyện dài).
Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202501/giao-luu-voi-nha-tho-bao-ngoc-ba24743/