Giao Sở GD&ĐT thực hiện tuyển dụng toàn bộ giáo viên sẽ đảm bảo thống nhất, kịp thời

Giao Sở Giáo dục và Đào tạo tuyển dụng giáo viên các cấp sẽ đảm bảo tính đồng bộ, rút ngắn thủ tục hành chính giúp bổ sung giáo viên được nhanh chóng.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo Thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Giáo dục và Đào tạo thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và lĩnh vực giáo dục - đào tạo của phòng chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân xã, phường, đặc khu thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Trong đó, Sở Giáo dục và Đào tạo được giao nhiệm vụ thực hiện toàn bộ việc tuyển dụng, quản lý, sử dụng, tiếp nhận, điều động, biệt phái, thuyên chuyển, bổ nhiệm, thăng hạng chức danh nghề nghiệp, thay đổi chức danh nghề nghiệp, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá đối với đội ngũ nhà giáo, nhân sự quản lý, viên chức và người lao động trong tất cả các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Nghị định số 142/2025/NĐ-CP.

Sở Giáo dục và Đào tạo tuyển dụng giáo viên sẽ đảm bảo tính kịp thời

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Thu - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghĩa Hòa (xã Tiên Lục, Bắc Ninh) cho biết: “Hiện tại nhà trường đang chờ đợt tuyển dụng mới để bổ sung thêm 2 - 3 giáo viên dạy môn Tin học và Tiếng Anh.

Khi Sở Giáo dục và Đào tạo được giao quyền thực hiện tuyển dụng giáo viên tất cả các cấp sẽ đảm bảo cân đối đội ngũ, khả năng nhìn nhận tình trạng thiếu giáo viên được mở rộng, bao quát hơn. Nhà trường rất mong muốn Sở Giáo dục và Đào tạo căn cứ vào tình hình thực tế để tuyển dụng, điều động giáo viên sao cho phù hợp, đầy đủ để đảm bảo công tác dạy học”.

Để đảm bảo chất lượng và số lượng giáo viên cho các cơ sở giáo dục công lập, cô Thu bày tỏ, số lượng sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm hiện nay không ít, vấn đề là làm sao để tận dụng nguồn lực này một cách hiệu quả.

Cơ quan liên quan nên tiến hành thống kê chi tiết về nhu cầu giáo viên trên toàn tỉnh, từ đó xây dựng kế hoạch tuyển dụng khoa học, hợp lý. Điều này không chỉ giúp đảm bảo đủ số lượng giáo viên mà còn chú trọng đến chất lượng.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghĩa Hòa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc dự báo nhu cầu, tiến hành đặt hàng đào tạo với các cơ sở giáo dục. Khi Sở Giáo dục và Đào tạo trực tiếp tuyển dụng sẽ tránh tình trạng đặt hàng đào tạo nhưng sau đó sinh viên tốt nghiệp không có việc làm.

Cùng chia sẻ về vấn đề này, thầy Dương Đăng Đoan - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đại Lâm (xã Tân Dĩnh, Bắc Ninh) thông tin, hiện tại nhà trường đang có hơn 800 học sinh và vẫn thiếu giáo viên, tình hình cũng đã kéo dài nhiều năm vì vậy cơ sở phải tiến hành dồn lớp, mỗi lớp 40 học sinh mới có thể đủ giáo viên để giảng dạy. Năm học 2025-2026 khi học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày, nhà trường sẽ có thể tiếp tục gặp khó về vấn đề này. Chúng tôi mong muốn được tiếp nhận đủ giáo viên để đảm bảo công tác dạy học.

Theo thầy Đoan: "Việc giao Sở Giáo dục và Đào tạo tuyển dụng giáo viên tất cả các cấp sẽ đảm bảo tính đồng bộ giữa các cơ sở giáo dục, rút ngắn thủ tục hành chính giúp việc bổ sung giáo viên được nhanh chóng, kịp thời. Tuy nhiên, tôi cũng băn khoăn rằng, liệu việc này có gây quá tải cho Sở vì chỉ tính riêng cấp tiểu học tại Bắc Ninh đã có hơn 400 cơ sở giáo dục.

Sở Giáo dục và Đào tạo bên cạnh việc tuyển dụng sẽ phải đảm nhiệm thêm các công việc khác như quản lý, sử dụng, tiếp nhận, điều động, biệt phái, thuyên chuyển, bổ nhiệm, thăng hạng chức danh nghề nghiệp, thay đổi chức danh nghề nghiệp, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá đối với đội ngũ nhà giáo, nhân sự quản lý, viên chức và người lao động.

Công tác bổ nhiệm quản lý với cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở theo dự thảo giao về Ủy ban nhân dân xã, Sở Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm với các trường trung học phổ thông là hoàn toàn hợp lý".

 Ảnh minh họa: Phương Linh

Ảnh minh họa: Phương Linh

Thông tin về tình hình giáo viên của đơn vị, thầy Phạm Quốc Việt - Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Đắk Sao (xã Đăk Sao, Quảng Ngãi) cho hay, các năm học trước nhà trường có tình trạng thiếu nhiều giáo viên. Hiện tại về cơ bản, đã đầy đủ giáo viên để đáp ứng yêu cầu dạy học, chỉ còn thiếu giáo viên dạy học môn tự chọn (Tiếng dân tộc thiểu số).

Về quy trình tuyển dụng trước đây, nhà trường sẽ đăng ký lên Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Phòng Nội vụ có kế hoạch tuyển bổ sung. Quy trình này đảm bảo nắm bắt được nhu cầu thực tế của các đơn vị giáo dục nhưng lại có vướng mắc về mặt thời gian, có khi đến nửa năm hoặc 1 năm sau mới tuyển dụng được. Việc này khiến không kịp thời đáp ứng yêu cầu.

Khi Sở Giáo dục được quyền tuyển dụng chắc chắn quy trình sẽ nhanh chóng hơn vì không phải qua nhiều cấp. Đồng thời, với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, chuyển đổi số, cơ quan có thẩm quyền có thể rút ngắn thời gian xử lý công việc từ quá trình đề xuất nhu cầu đến việc thẩm định hồ sơ, khiếu nại nếu có vấn đề.

Liên quan đến thẩm quyền bổ nhiệm, biệt phái, thuyên chuyển, kéo dài tuổi nghỉ hưu với người đứng đầu và cấp phó người đứng đầu trường công thuộc quản lý cấp xã, thầy Việt băn khoăn: “Dự thảo Thông tư dự kiến giao thẩm quyền này cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã. Trong khi đó, theo quy định tại Nghị định số 142/2025/NĐ-CP của Chính phủ thì lại thuộc thẩm quyền Sở Giáo dục và Đào tạo.

Thực tế, quy mô, số lượng cơ sở giáo dục của tỉnh hiện nay rất lớn, nếu giao toàn bộ cho Sở Giáo dục và Đào tạo, khối lượng công việc nhiều có thể làm chậm quá trình xử lý. Với việc bổ nhiệm cán bộ quản lý, chính quyền cơ sở sẽ nắm rõ về năng lực quản lý, phẩm chất, đạo đức, còn Sở Giáo dục và Đào tạo chủ yếu quản lý về mặt chuyên môn. Theo tôi, giao quyền bổ nhiệm cán bộ quản lý cho Ủy ban nhân dân xã sẽ hợp lý hơn”.

 Thầy Phạm Quốc Việt - Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Đắk Sao (xã Đắk Sao, Quảng Ngãi). Ảnh: NVCC.

Thầy Phạm Quốc Việt - Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Đắk Sao (xã Đắk Sao, Quảng Ngãi). Ảnh: NVCC.

Tăng cường tính chủ động, trách nhiệm của cơ sở giáo dục

Đề cập thêm đến vấn đề điều động, biệt phái, thuyên chuyển giáo viên, thầy Dương Đăng Đoan nêu, trước đây việc này chỉ diễn ra ở trong khu vực huyện, bây giờ luân chuyển từ xã này sang xã khác trong tỉnh khoảng cách sẽ tương đối xa. Do đó, muốn công tác điều động, biệt phái, thuyên chuyển giáo viên được thực hiện tốt cần đảm bảo nơi ở, điều kiện sinh hoạt cho giáo viên.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đại Lâm còn nhấn mạnh đến tính chủ động và trách nhiệm của các cơ sở giáo dục trong công tác đánh giá đối với đội ngũ nhà giáo, nhân sự quản lý, viên chức và người lao động.

“Bản thân các nhà trường cũng cần làm chặt chẽ để đảm bảo mọi việc thông suốt, giảm bớt gánh nặng cho Sở Giáo dục và Đào tạo. Đối với Trường Tiểu học Đại Lâm, mỗi năm đơn vị đánh giá 2 lần, công tác xét do Hội đồng thi đua nhà trường thực hiện.

Khi đánh giá chúng tôi đều xếp thứ hạng giáo viên từ cao xuống thấp, nghiêm túc, sát với năng lực và kết quả thực hiện công tác thực tế, từ đó công tác khen thưởng cũng được thực hiện minh bạch. Nếu mỗi cơ sở giáo dục đều trách nhiệm với nhiệm vụ của mình, khi Sở Giáo dục tiến hành đánh giá đội ngũ nhà giáo và nhân sự cũng sẽ giảm bớt phần cồng kềnh” - thầy Đoan nói.

Dưới góc nhìn của thầy Phạm Quốc Việt: “Sở Giáo dục và Đào tạo đảm nhận nhiệm vụ điều động, biệt phái, thuyên chuyển giáo viên sẽ đảm bảo tính kịp thời, chủ động bổ sung giáo viên cho trường thiếu, không làm gián đoạn công tác dạy học.

Tuy nhiên, cũng cần phải có những tính toán cụ thể vì quy mô địa bàn đã mở rộng. Ví dụ, tỉnh Quảng Ngãi sau sáp nhập được trải dài từ miền núi giáp Lào, Campuchia tới vùng biển đảo Lý Sơn. Nếu công tác điều động, biệt phái, thuyên chuyển không được thực hiện hợp lý sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của giáo viên. Văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng có những khác biệt so với vùng biển đảo.

Có thể cân nhắc, điều động, biệt phái, thuyên chuyển giáo viên trong một phạm vi khu vực nhất định có sự tương đồng về mặt địa lý cũng như văn hóa của từng vùng. Như vậy, cuộc sống của các thầy cô cũng sẽ ít phần bị xáo trộn, yên tâm công tác”.

Ngoài ra, thầy Phạm Quốc Việt cũng có những băn khoăn với vấn đề đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ. Trước khi sáp nhập, hàng năm, Phòng Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức các buổi bồi dưỡng giáo viên vào hè. Trong năm, giáo viên cũng tham gia bồi dưỡng các mô đun theo chương trình bồi dưỡng thường xuyên.

Hiện nay với mô hình chính quyền hai cấp, rất khó để Sở Giáo dục và Đào tạo triệu tập giáo viên xuống trung tâm tỉnh để tham gia tập huấn trực tiếp. Bởi vậy, có thể xem xét tiến hành tập huấn trực tuyến, đảm bảo hiệu quả. Với cấp trường cũng phải phát huy vai trò trong việc tổ chức bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên.

Các trường ở vùng sâu vùng xa, năng lực của giáo viên còn có những hạn hạn chế nhất định, giáo viên trẻ còn thiếu kinh nghiệm, mong Sở Giáo dục và Đào tạo có thể sát sao hơn, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên theo các cụm trường, nhóm trường.

Cuối cùng, vị Hiệu trưởng mong muốn, phía Sở Giáo dục và Đào tạo có hướng dẫn cụ thể cho chính quyền địa phương các xã trên địa bàn tỉnh để có sự chỉ đạo đồng nhất đối với các cơ sở giáo dục, tránh dẫn đến những thiếu sót, không đồng bộ, xuyên suốt.

Hồng Linh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-so-gddt-thuc-hien-tuyen-dung-toan-bo-giao-vien-se-dam-bao-thong-nhat-kip-thoi-post252751.gd