Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Hy vọng tân tư lệnh ngành giáo dục hãy lắng nghe ý kiến đóng góp
Chia sẻ với báo Thế giới & Việt Nam, GS. NGND. Nguyễn Lân Dũng hy vọng tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo hãy lắng nghe ý kiến đóng góp của các vụ chuyên môn, của các thành viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và phát triển nhân lực...
Ngay khi PGS. TS. Nguyễn Kim Sơn được Quốc hội phê chuẩn chức danh Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT), có không ít chuyên gia, nhà giáo đã gửi gắm tâm tư, kỳ vọng vào tư lệnh mới của ngành giáo dục.
Với uy tín và năng lực của PGS. Nguyễn Kim Sơn, tôi hoàn toàn kỳ vọng vào ông trong việc tiếp quản công việc lãnh đạo ở Bộ GD&ĐT, tích cực góp phần nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo trong quá trình đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà.
Như chia sẻ của PGS. Nguyễn Kim Sơn, giáo dục đã và đang được Đảng, Nhà nước, Chính phủ đặc biệt quan tâm. Từ nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đến nay, qua nhiều nhiệm kỳ, giáo dục luôn là vấn đề được ưu tiên, là một trong những hướng đột phá nằm trong các trụ cột chiến lược.
Trong một phát biểu, tân Bộ trưởng nói: “Tôi rất mong muốn đời sống, thu nhập của người thầy được cải thiện. Trình độ của người thầy tiếp tục được nâng cao tương ứng với yêu cầu thời đại. Song việc này không chỉ mình Bộ GD&ĐT giải quyết được.
Điều quan trọng hơn nữa là cải thiện, củng cố vị thế người thầy trong xã hội, trong nhà trường. Tiếng nói của người thầy, sự tôn trọng, đánh giá, ghi nhận với người thầy cần được nâng lên xứng với nghề và đáng với những gì họ phải được hưởng”.
Có thể nói, nhận nhiệm vụ mới tại thời điểm này là một thách thức lớn đối với Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn. Lĩnh vực giáo dục - đào tạo thời gian qua mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể tuy nhiên vẫn còn không ít vấn đề bất cập.
Cụ thể, chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Hiệu quả giáo dục và đào tạo còn hạn chế, nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành, chưa quan tâm đúng mức các kỹ năng xã hội, kỹ năng sống, kỹ năng sáng tạo, khả năng tự học…
Đồng thời, cơ cấu đào tạo chưa thực sự gắn với nhu cầu của thị trường và chưa đáp ứng kịp thời cho Cách mạng công nghiệp 4.0. Nguồn nhân lực chất lượng cao tăng chậm, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng lao động; thiếu nhân lực chất lượng cao ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề.
Đặc biệt, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có nơi còn thiếu; chưa gắn kết chặt chẽ, toàn diện giữa phát triển nguồn nhân lực với phát triển, ứng dụng khoa học - công nghệ.
Cần nói thêm, giáo dục phổ thông đang còn lúng túng khi thực hiện các bộ sách giáo khoa mới, về tích hợp ba môn học với người dạy, về chất lượng thầy cô giáo và về một số hạnh kiểm xấu trong học sinh, bạo lực học đường...
Tôi rất tâm đắc hai câu hỏi của nhà báo Xuân Dương, đó là: Nền tảng của giáo dục Việt Nam là gì và mục tiêu của giáo dục Việt Nam trong thế kỷ XXI là gì? Theo tôi, tìm cách khắc phục những yếu kém và tồn tại trong giáo dục hiện nay chính là những thách thức đối mặt với tân Bộ trưởng GD& ĐT.
Có nhiều ý kiến kỳ vọng ngành giáo dục cần chú trọng phát triển khoa học - công nghệ, triển khai chương trình sách giáo khoa mới, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên.
Với cá nhân tôi, chỉ xin trình bày một sáng kiến với hy vọng có thể góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy của giáo viên ở bậc phổ thông. Đó là, để bồi dưỡng thiết thực cho việc giảng dạy của giáo viên sao cho phong phú hơn, hay hơn, chính xác hơn; để bồi dưỡng cho các học sinh chuyên ban (sẽ thi vào các trường có yêu cầu điểm số cao hay sẽ thi Olympic quốc tế hay khu vực), tôi đã cố gắng phối hợp với hai giáo viên bậc trung học phổ thông để phát hành cuốn Sinh học (Khoa học về sự sống) in màu, dày 266 trang.
Tôi mong sao các bộ môn khác cũng có những cuốn sách như vậy để thiết thực bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và các học sinh chuyên ban. Tôi đã trình bày mong muốn này với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, GS. Phan Xuân Dũng (Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học & kỹ thuật Việt Nam) và được lãnh đạo quan tâm.
Đảm nhiệm một trách nhiệm mới với không ít khó khăn vì chưa tiếp cận nhiều với giáo dục phổ thông, giáo dục mẫu giáo và giáo dục dạy nghề, tôi hy vọng tân Bộ trưởng hãy lắng nghe ý kiến đóng góp của các vụ chuyên môn trong Bộ, của các thành viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và phát triển nhân lực, của các trí thức lão thành trong ngành giáo dục, của các thầy cô giáo.
Không riêng gì tôi, có lẽ mọi người đều mong muốn được cộng sự với tân Bộ trưởng nhằm thúc đẩy sự đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà.