Giáo sư Nguyễn Thị Doan: Đội ngũ cán bộ khuyến học miệt mài, đam mê công việc vì sự học của nước nhà

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan nhận định, với tinh thần quyết tâm cao độ, đội ngũ cán bộ từ Trung ương đến xã, phường, thị trấn của hệ thống Hội Khuyến học Việt Nam đã miệt mài, đam mê công việc vì sự học của nước nhà, đóng góp đáng kể vào thành công trong sự phát triển toàn diện kinh tế, xã hội.

Chiều ngày 11/7, Hội Khuyến học Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Ban Thường vụ Hội Khuyến học Việt Nam lần thứ 6, khóa VI, nhiệm kỳ 2021-2026.

Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức Hội nghị Ban Thường vụ Hội Khuyến học Việt Nam lần thứ 6, khóa VI, nhiệm kỳ 2021-2026. Ảnh: Thành Văn

Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức Hội nghị Ban Thường vụ Hội Khuyến học Việt Nam lần thứ 6, khóa VI, nhiệm kỳ 2021-2026. Ảnh: Thành Văn

Hội Khuyến học đóng góp vào sự phát triển toàn diện của đất nước

Phát biểu tại hội nghị, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nhận định, nhìn lại 6 tháng đầu năm 2024, hội khuyến học tự hào vì những đóng góp vào thành quả chung trong sự phát triển toàn diện của đất nước.

"Vui mừng nhất là đi đến đâu, từ lãnh đạo các cấp đến nhân dân, các gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị đều nhắc đến sự học, đều nhắc đến công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập và thi đua thực hiện tốt các mô hình học tập. Điều đó đã tạo nên khí thế sôi nổi trong phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập", Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Thành Văn

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Thành Văn

Theo Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, hiện nay, có một số tỉnh còn gặp nhiều khó khăn trong hoạt động bởi thiếu sự quan tâm của các cấp và đặc biệt là thiếu kinh phí để hoạt động.

Song, với tinh thần quyết tâm cao độ cùng truyền thống hiếu học, chăm lo cho thế hệ tương lai, đội ngũ cán bộ từ Trung ương đến xã, phường, thị trấn của hệ thống Hội Khuyến học Việt Nam đã miệt mài đam mê công việc vì sự học của nước nhà. Họ thực sự là những người "vác tù và" đã có đóng góp đáng kể vào thành công trong sự phát triển toàn diện kinh tế, xã hội, an sinh xã hội, an ninh của quê hương đất nước.

"Sau 6 tháng đầu năm 2024 triển khai tiếp tục thực hiện Kết luận số 49-KL/TW của Ban Bí thư về "Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 13/4/2007 của Bộ Chính trị (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập" và các Quyết định 1373, 387, 677/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chúng ta gặp nhau trong niềm vui riêng của gia đình khuyến học, trong niềm vui chung vì đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo đà cho sự thành công của 6 tháng tiếp theo với hy vọng kết thúc năm 2024, chúng ta sẽ có nhiều thành tích vượt trội so với năm 2023", Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan chia sẻ.

Công tác tuyên truyền có nhiều nổi bật

Báo cáo kết quả công tác của Hội Khuyến học 6 tháng đầu năm 2024, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam Lê Mạnh Hùng cho biết, 6 tháng đầu năm 2024, tuy còn một số khó khăn, hạn chế nhưng các cấp hội từ Trung ương đến cơ sở triển khai tích cực, thường xuyên 10 nhiệm vụ do Nghị quyết Đại hội VI nhiệm kỳ 2021-2026 đề ra, đạt kết quả tương đối.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam Lê Mạnh Hùng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Thành Văn

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam Lê Mạnh Hùng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Thành Văn

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền có nhiều điểm nổi bật, động viên kịp thời nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu, các điển hình nhân tố mới, động viên phong trào thi đua, xây dựng xã hội học tập có sức lan tỏa trong toàn xã hội.

Theo báo cáo của hội khuyến học các tỉnh, thành phố, đến nay số hội viên khuyến học cả nước là 26.243.211 người, tỉ lệ 26,69% (thấp hơn cùng kỳ năm 2023 là 1,2%); Số hội khuyến học cơ sở là 10.413 (giảm 524 hội khuyến học cơ sở so với cùng kỳ năm 2023); Số chi hội khuyến học là 128.012 (giảm 7.204 chi hội khuyến học so với cùng kỳ năm 2023); Số ban khuyến học là 129.180 (giảm 7.132 ban khuyến học so với cùng kỳ năm 2023); Số hội viên là đảng viên là 1.778.083.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam Lê Mạnh Hùng cho biết, chương trình Khuyến học - hành trình tri thức và Tạp chí Công dân và Khuyến học đã giới thiệu các tấm gương điển hình, kết nối với hầu hết hội khuyến học của các tỉnh, thành phố để cung cấp tin, bài, các hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Đồng thời, công tác phối hợp với các bộ, cơ quan ban, ngành ở Trung ương và các sở ban, ngành, đoàn thể chính trị ở địa phương về đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập tiếp tục được quan tâm và mở rộng đến các lực lượng vũ trang, đảng ủy khối cơ quan cấp tỉnh, đảng ủy khối doanh nghiệp tỉnh... nên uy tín của hội khuyến học ngày càng được nâng cao trong xã hội, được chính quyền các cấp ngày càng tạo điều kiện để hội hoạt động tốt hơn.

Công tác xây dựng và phát triển quỹ khuyến học các cấp tuy gặp khó khăn nhưng vẫn được duy trì và phát triển (nhất là quỹ khuyến học của dòng họ); bình quân năm sau cao hơn năm trước, góp phần đẩy mạnh xã hội hóa công tác xây dựng, phát triển quỹ khuyến học, khuyến tài, tích cực hỗ trợ các học sinh có khó khăn, tuyên dương khuyến khích tài năng trẻ, khen thưởng động viên người lớn tuổi có thành tích trong học tập, lao động sáng tạo góp phần phát triển kinh tế cho gia đình và xã hội.

6 tháng đầu năm 2024, Quỹ Khuyến học Việt Nam đã tiếp nhận trên 2,7 tỉ đồng từ các tổ chức, cá nhân ủng hộ; Quỹ đã chi gần 4 tỉ đồng; trong đó trao học bổng cho các em học sinh, sinh viên vượt khó, tiếp tục nhận đỡ đầu cho 20 học sinh mồ côi cha, mẹ (hoặc cả cha và mẹ) do đại dịch COVID-19 tại thành phố Hồ Chí Minh...

Theo báo cáo của các địa phương đến nay quỹ khuyến học, khuyến tài cả nước đạt số dư gần 4.000 tỉ đồng, bình quân trên 23.000đ/dân. Một số nơi có số tiền quỹ/người dân cao như Nam Định, Thanh Hóa, Phú Thọ, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Hà Nam, thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ, Đồng Tháp, Tây Ninh, Hậu Giang, Quảng Bình, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Hải Dương, Quảng Trị, Bình Thuận...

Tiếp theo chương trình hội nghị, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam đã nêu Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận số 49-KL/TW của Ban Bí thư về "Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 13/4/2007 của Bộ Chính trị (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập".

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam. Ảnh: Thành Văn

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam. Ảnh: Thành Văn

Tại Hội nghị Ban Thường vụ Hội Khuyến học Việt Nam lần thứ 6, khóa VI, Hội Khuyến học Việt Nam cũng đã công bố bầu bổ sung 2 đồng chí vào Ban Thường vụ.

Cụ thể, ông Phạm Ngọc Thưởng - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo làm Phó Chủ tịch không chuyên trách Hội Khuyến học Việt Nam; bà Mai Thu Hương - Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Sơn La làm Ủy viên Ban Thường vụ Hội Khuyến học Việt Nam.

Cũng tại hội nghị, các đại biểu đã nêu ra những vấn đề và bàn luận giải pháp giải quyết bất cập trong quá trình thực hiện công tác khuyến học - khuyến tài, xây dựng xã hội học tập như vấn đề kinh phí hoạt động của các cấp hội, phát triển hội viên…

Các đại biểu nêu ý kiến tại hội nghị. Ảnh: Thành Văn

Kết luận hội nghị, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan nhận định, các ý kiến trong hội nghị đều nhất trí với báo cáo của Hội Khuyến học Việt Nam và đánh giá báo cáo đã bám sát thực tế, nêu cụ thể các vấn đề và phản ánh tình hình tương đối tốt của Hội.

Trong thời gian vừa qua, tuy còn nhiều khó khăn nhưng công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đã thu được kết quả đáng trân trọng, nhận thức của xã hội về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đã được nâng lên.

Song, các điểm nghẽn vẫn cần được tiếp tục tháo gỡ, cụ thể là điểm nghẽn về công nhận hội đặc thù; những vấn đề về xử lý nghiệp vụ, xử lý phần mềm, công tác thống kê, quy trình đánh giá... Đặc biệt, tỉnh nào chưa có quỹ khuyến học cần sớm thành lập quỹ khuyến học.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan, việc thực hiện Kết luận số 49-KL/TW còn thiếu sự thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo trong toàn quốc. Vì vậy, đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương có hướng dẫn cụ thể hơn và đẩy nhanh công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kết luận số 49-KL/TW; đặc biệt thời gian tới sẽ có chỉ đạo cụ thể trong việc triển khai những nội dung chưa thực hiện được thời gian qua.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo bám sát việc kiểm tra hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng... Đồng thời, đề nghị Vụ Giáo dục thường xuyên phối hợp tốt với Hội Khuyến học Việt Nam phát triển tổ chức Hội trong các trường đại học.

"Hội Khuyến học Việt Nam sẽ tiếp thu tất cả ý kiến của các đại biểu trong hội nghị để hoàn thiện và có chỉ đạo tốt hơn trong thời gian tới", Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nhấn mạnh.

Nhóm Phóng viên

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/giao-su-nguyen-thi-doan-doi-ngu-can-bo-khuyen-hoc-miet-mai-dam-me-cong-viec-vi-su-hoc-cua-nuoc-nha-179240711155846453.htm