Giáo sư Tô Ngọc Thanh cả đời đi tìm kho vàng trong văn hóa dân gian
Luôn xác định rõ 'đường ngàn dặm bắt đầu từ dưới chân mình', nên Giáo sư Tô Ngọc Thanh dành cả đời đi tìm kho vàng trong văn hóa dân gian của Việt Nam.
Bà Trinh - vợ Giáo sư Tô Ngọc Thanh xác nhận với VietNamNet ông qua đời sáng 24/4. Khi biết tin, nhiều học trò đã tỏ lòng thương tiếc một tài năng hiếm có như ông.
GS.TSKH Tô Ngọc Thanh là con trai trưởng của danh họa Tô Ngọc Vân, từ bé được định hướng theo nghề vẽ nhưng lại rất thích nghe nhạc.
Ông từng kể, bố là người sống theo lối cổ, quan niệm con cả phải nối dõi về nghề nghiệp để tiếp tục truyền thống gia đình. Với việc học ở trường, danh họa Tô Ngọc Vân luôn nhắc Tô Ngọc Thanh không nhất lớp sẽ không ký sổ liên lạc.
Từ bé, Tô Ngọc Thanh thừa hưởng gen thông minh của bố mẹ, học trường Tây nên được vượt cấp, chỉ học 2 năm tiểu học.
Tô Ngọc Thanh được bố dạy vẽ từ khi 6 tuổi nhưng ông không thích mà yêu âm nhạc hơn. Ông thường trốn nhà đi nghe hát xẩm ở đầu phố Khâm Thiên (Hà Nội) hay đến nhà nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát - bạn của bố để nghe lỏm hát ả đào.
Tô Ngọc Thanh thường hay lên Bờ Hồ, nghe tiếng sáo của mấy người bán sáo dạo. Sau đó ông tiết kiệm được 15 xu mua một cây sáo về tự học thổi. Sợ ồn ào lúc bố vẽ, Tô Ngọc Thanh phải ra vườn hoa tập luyện.
Năm 12 tuổi, ông thật thà tâm sự với bố không thích học vẽ. Danh họa Tô Ngọc Vân khi ấy nói sẽ không bắt con trai theo học nữa vì “trong nghệ thuật không có năng khiếu thì đừng đứng vào đó cho chật chỗ của người khác”. Cả đời Tô Ngọc Thanh sau này, lấy câu nói đó làm châm ngôn sống.
Năm 1956, Tô Ngọc Thanh học Khoa Sáng tác của Trường Trung cấp âm nhạc Việt Nam khóa đầu tiên, tiền thân của Nhạc viện Hà Nội (giờ là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Trường nhạc ngày ấy chỉ dạy nhạc cổ điển phương Tây. Ông không thích những thứ đó mà chỉ ham tìm hiểu về dòng âm nhạc dân gian của Việt Nam.
Vì yêu thích, Tô Ngọc Thanh lặn lội khắp các vùng, từ Tây Bắc, Việt Bắc đến Tây Nguyên để sống cùng đồng bào và hiểu thứ âm nhạc mà họ đang sở hữu.
Ông quan niệm, làm nghiên cứu mà không nói được tiếng dân tộc, không sống với họ, không hiểu được họ rất khó thành công. Vì thế, Tô Ngọc Thanh học tiếng của đồng bào để giao tiếp với họ, tuyệt nhiên không nghiên cứu qua tài liệu, giấy tờ. Ông mất ít nhất 3 năm sống chung với người dân địa phương. Cuộc đời Tô Ngọc Thanh trải qua phần lớn thời gian sống với đồng bào dân tộc nhiều hơn ở nhà.
Những chuyến điền dã, sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian, Giáo sư Tô Ngọc Thanh đã cho ra đời nhiều công trình nghiên cứu xuất sắc, công bố rộng rãi ở trong nước và quốc tế.
Tiêu biểu như: Công trình Âm nhạc dân gian Thái Tây Bắc (1969); Tác phẩm Âm nhạc dân gian Mường (1971); Âm nhạc dân gian nhóm tộc người Nam Á ở Việt Nam (1979); Tìm hiểu âm nhạc cổ truyền - viết chung với nhạc sĩ Hồng Thao (1982); Fonclo Bahna, do ông Chủ biên (1988); Nhạc cụ các dân tộc thiểu số Việt Nam (1995); Tư liệu Âm nhạc cung đình Việt Nam (2000); Ghi chép về văn hóa và âm nhạc - công trình đồ sộ, dày hơn 900 trang, với 43 bài nghiên cứu sâu rộng, sâu sắc về văn hóa và 30 bài nghiên cứu sâu sắc về âm nhạc.
GS.TSKH Tô Ngọc Thanh được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì (2019), Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhất (2001) và nhiều huy chương các loại. Ông nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2001.
Luôn xác định rõ "đường ngàn dặm bắt đầu từ dưới chân mình" nên mỗi việc GS.TSKH Tô Ngọc Thanh làm đều kiên định với ý chí bảo tồn, phát huy văn hóa dân gian, dân tộc Việt Nam. Tâm, Đức và Nhẫn trong cuộc hành trình của đời ông, đã chảy như một dòng sông, thanh khiết từ cội nguồn, qua bao thác ghềnh, để về biển cả vừa thăm thẳm vừa quyết liệt những đợt sóng trắng bạc đầu, khôn nguôi…
“Tôi luôn kính trọng thầy tôi - GS. TSKH Tô Ngọc Thanh bởi tầm nhìn, sự hiểu biết về những vấn đề của di sản văn hóa dân tộc. Ông không chỉ là người thầy mà còn như một người cha, người chú, người bạn vong niên, tôi có thể chia sẻ, tranh cãi với sư phụ về mọi thứ mà không bao giờ có khoảng cách giữa thầy và trò”, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền bày tỏ.
Ông Hiền là người đã ghi lại thang âm của cồng chiêng Tây Nguyên, góp phần không nhỏ vào việc làm hồ sơ đưa không gian cồng chiêng trở thành di sản văn hóa thế giới. Ông cũng cho biết, cách thức ghi lại thang âm này chính là do Giáo sư Tô Ngọc Thanh gợi ý cho ông để tôn vinh âm nhạc cồng chiêng.