Giáo sư Trịnh Xuân Thuận ra mắt cuốn từ điển đặc biệt về bầu trời và những vì sao

Cuốn 'Từ điển yêu thích bầu trời và các vì sao' của Giáo sư (GS) Trịnh Xuân Thuận trước hết chứa các mục từ mô tả cái thế giới lạ lùng và kỳ diệu của vật lý thiên văn, cái thế giới chứa đầy các thực thể kỳ dị và huyền ảo được nhào nặn bởi lực hấp dẫn.

Viện Pháp tại Hà Nội và Nhà xuất bản Tri thức vừa tổ chức buổi giới thiệu sách Từ điển yêu thích bầu trời và các vì sao của GS. Trịnh Xuân Thuận.

Nói về bầu trời, những ngôi sao và vũ trụ là một việc hết sức khó khăn. Vì theo định nghĩa vũ trụ là tập hợp của tất cả những gì tồn tại, một thực thể chứa đựng tất cả...

Thiên văn học không chỉ đơn giản là nghiên cứu các thiên thể và các hiện tượng của vũ trụ, nó còn giúp chúng ta nhìn và cả suy ngẫm nữa. Ngoài các vấn đề thuần túy khoa học ra còn có những nghi vấn thuộc loại siêu hình động chạm đến triết học và tâm linh.

Hơn nữa vũ trụ học hiện đại đã làm thay đổi sâu sắc các quan niệm của chúng ta về bản chất của thời gian và không gian, về nguồn gốc của vật chất, về sự phát triển của sự sống và ý thức, về trật tự và phi trật tự, về hỗn độn và hài hòa, về quan hệ nhân quả và quyết định luận…

Các diễn giả tại buổi giới thiệu sách.

Các diễn giả tại buổi giới thiệu sách.

Theo chia sẻ của Tiến sĩ, dịch giả Phạm Văn Thiều thì với dung lượng đồ sộ, gần 800 trang, Từ điển yêu thích bầu trời và các vì sao là cuốn sách dành cho những người muốn khám phá bầu trời và các vì sao, nhưng không nhất thiết phải có hành trang khoa học của một chuyên gia. Các mục từ được biên soạn một ngôn ngữ rõ ràng, đơn giản, giàu hình ảnh ẩn dụ nhưng không vì thế mà mất đi tính chính xác và khoa học.

Cuốn từ điển này trước hết chứa các mục từ mô tả thế giới lạ lùng và kỳ diệu của vật lý thiên văn, cái thế giới chứa đựng đầy các thực thể kỳ dị và huyền ảo được nhào nặn bởi lực hấp dẫn: các “sao lùn trắng”, pulsar – ngọn đèn pha của vũ trụ, “lỗ đen”, chuẩn tinh (quasar)… Bên cạnh đó là các mục từ nói về nguồn gốc của con người.

Như tác giả cuốn sách - GS. Trịnh Xuân Thuận lý giải, thì "vũ trụ có một lịch sử, và lịch sử này liên quan chặt chẽ với chúng ta, bởi vì nó dẫn đến đích là chúng ta, những ‘hạt bụi’ của các vì sao”. Vì vậy sẽ có những mục từ kể về thiên sử thi hùng tráng của vũ trụ, và bức họa tráng lệ này không ngừng được tô điểm bởi tất cả các khoa học, trải dài trong một khoảng thời gian cỡ 14 tỷ năm.

Những gì được tái hiện lại, không chỉ là Big Bang mà còn là những truyền thuyết được con người xây dựng qua các nền văn hóa và các thời đại nhằm giải thích thế giới xung quanh. Chúng nói về nguồn gốc của thiên hà, thuật lại quá trình sinh ra, tồn tại và chết đi của các vì sao, về sự sống và những biến cố xảy ra trong cuộc đại phiêu lưu của sự sống trên Trái đất…

Nhiều mục từ ngợi ca Mặt trời, nguồn sống và nguồn năng lượng trên Trái đất, chúng cũng ngợi ca vẻ đẹp của Trái đất: màu trong xanh của bầu trời không một gợn mây hay màu xanh thẳm của đại dương. Nhưng một số mục từ khác cũng nói về mặt trái của tấm huy chương. Đó là việc con người đang hủy hoại môi trường sống của chính mình, trở thành mối đe dọa của hành tinh mình và các loài sinh vật khác. Các mục từ khác lại kể về lịch sử của những con người đặc biệt, những nhà khoa học vĩ đại như: Einstein, Newton, Galileo, Cupernicus, Aristotle, Kepler…

Bìa cuốn sách Từ điển yêu thích bầu trời và những vì sao.

Bìa cuốn sách Từ điển yêu thích bầu trời và những vì sao.

GS. Chu Hảo, đại diện Nhà xuất bản Tri Thức, đơn vị thực hiện cuốn sách, đã từng nhận định các tác phẩm của GS. Trịnh Xuân Thuận đều được viết tuân theo một quy tắc gồm ba tiêu chí: chính xác, dễ hiểu và hấp dẫn. Viết sách phổ biến tri thức ở trình độ cao về những vấn đề khoa học phức tạp và đang phát triển sôi động, như thiên văn – vũ trụ - lượng tử, mà đảm bảo được cả ba tiêu chí ấy là điều vô cùng khó khăn.

Đã dễ hiểu thì khó chính xác, đã chính xác thì khó hấp dẫn. Ấy vậy mà Trịnh Xuân Thuận đã viết về những phát hiện mới kỳ lạ nhất của khoa học thế kỷ XX và cả những hệ quả triết học và thần học của những thành tựu ấy một cách chính xác, hết sức dễ hiểu và hấp dẫn như một tác phẩm văn học.

Đồng thời, khi đọc cuốn sách, công chúng, đặc biệt là giới trẻ sẽ có cái nhìn gần gũi hơn về thiên văn học cũng như những suy nghĩ về bản thân mình trước thế giới và vũ trụ rộng lớn.

GS. Trịnh Xuân Thuận (sinh năm 1948) là một nhà khoa học người Mỹ gốc Việt trong lĩnh vực vật lý thiên văn, một nhà văn đã viết nhiều quyển sách có giá trị cao về vũ trụ học và về những suy nghĩ của ông trong tương quan giữa khoa học và Phật giáo. Ông còn là một nhà thơ, một triết gia, một Phật tử và một nhà hoạt động cho môi trường và hòa bình.

GS. Trịnh Xuân Thuận. Ảnh: Zing

GS. Trịnh Xuân Thuận. Ảnh: Zing

Ông đã cho ra mắt nhiều đầu sách có giá trị về vũ trụ học và mối tương quan giữa khoa học và Phật giáo như: Giai điệu bí ẩn (1988), Big Bang và sau đó (1992), Hỗn độn và hài hòa (1998)...

Ông đã nhận được nhiều giải thưởng trong lĩnh vực thiên văn và trong lĩnh vực văn hóa xã hội. Năm 2007, ông vinh dự được Viện hàn lâm Pháp trao tặng giải thưởng lớn Moron. Năm 2009, ông nhận giải Kalinga của UNESCO về phổ biến kiến thức khoa học.

Bài và ảnh: Mộc Trà

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/giao-su-trinh-xuan-thuan-ra-mat-cuon-tu-dien-dac-biet-ve-bau-troi-va-nhung-vi-sao-40255.html