Giáo sư về công tác tại Trường Đại học Hải Phòng được hỗ trợ 500 triệu đồng

Từ năm 2024-2030, ĐH Hải Phòng dự kiến thu hút 85 giảng viên là Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sĩ với mức hỗ trợ một lần dao động từ 300-500 triệu đồng/người.

Tháng 6/2024, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng ban hành Quyết định số 1869 về việc Phê duyệt Đề án “Đổi mới và phát triển Trường Đại học Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Theo đó, mục tiêu tổng quát của đề là đổi mới và phát triển Trường Đại học Hải Phòng đến năm 2045 trở thành Đại học Hải Phòng (đại học vùng), là một trong các cơ sở giáo dục đại học hàng đầu của Việt Nam và ngang tầm các trường đại học trung bình khá của khu vực Đông Nam Á, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố và đất nước.

 Mục tiêu phát triển Trường Đại học Hải Phòng đến năm 2045 trở thành Đại học Hải Phòng (đại học vùng) (Ảnh: LT)

Mục tiêu phát triển Trường Đại học Hải Phòng đến năm 2045 trở thành Đại học Hải Phòng (đại học vùng) (Ảnh: LT)

Để thực hiện được mục tiêu trên, Trường Đại học Hải Phòng đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để thực hiện theo lộ trình, trong đó chú trọng vào cơ cấu tổ chức bộ máy và xây dựng đội ngũ.

Cơ cấu tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả

Theo đó, Trường Đại học Hải Phòng đổi mới mô hình trong quản trị, quản lý mọi hoạt động của nhà trường:

Rà soát, sửa đổi, bổ sung xây dựng và ban hành các quy chế, quy định phục vụ công tác quản lý điều hành của Trường; phân cấp, phân quyền và trách nhiệm giải trình đến từng tổ chức, đơn vị, cá nhân theo Quy định số 125- QĐ/TW ngày 10/10/2023 của Ban Chấp hành Trung ương quy định chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong các đơn vị sự nghiệp công lập, quy định của Luật Giáo dục đại học và Quy chế tổ chức và hoạt động của Trường Đại học Hải Phòng; đảm bảo xác định rõ và thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Đảng ủy, Hội đồng trường, Ban Giám hiệu nhà trường theo quy định của Đảng và nhà nước.

Xây dựng, thực hiện mô hình quản trị đại học tiên tiến, phù hợp với tình hình thực tế của Nhà trường theo hướng chuyển từ mô hình quản trị lãnh đạo, kiểm soát sang mô hình trao quyền và giám sát, đề cao tính minh bạch, công khai và trách nhiệm giải trình của nhà trường đối với cơ quan có thẩm quyền và xã hội.

Nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động quản trị của Hội đồng trường, quản lý điều hành của Ban Giám hiệu; phát huy tính chủ động, sáng tạo, đổi mới, đề cao tính tự chủ của các tổ chức, đơn vị và toàn thể viên chức, người lao động trong toàn trường.

 Để thực hiện thành công đề án, nhà trường phải cơ cấu lại tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả (Ảnh: LT)

Để thực hiện thành công đề án, nhà trường phải cơ cấu lại tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả (Ảnh: LT)

Trường Đại học Hải Phòng sẽ cơ cấu lại tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả hiệu lực cao, phù với mô hình trường đại học thông minh và đổi mới sáng tạo.

Cụ thể, giai đoạn 2024-2025, trường sắp xếp giảm 07/32 đơn vị: Sáp nhập phòng Hợp tác và Đào tạo quốc tế và Phòng Khoa học - Công nghệ; sáp nhập Khoa Xây dựng và Khoa Điện - Cơ; sáp nhập Khoa Lý luận chính trị và Khoa Tâm lý giáo dục học; Sáp nhập Trung tâm Ngoại ngữ, Tin học và Đào tạo thường xuyên và Trung tâm Đào tạo Bồi dưỡng cán bộ; chuyển giao 03 trường thực hành về Ủy ban nhân dân quận Kiến An (Trường Tiểu học Thực hành và Trường Mầm non Thực hành) và Sở Giáo dục và Đào tạo (Trường Phổ thông Phan Đăng Lưu) quản lý.

Nhà trường xúc tiến thành lập đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư có chức năng nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

Giai đoạn 2026-2030: Nhà trường tiếp tục sắp xếp giảm 02 đơn vị so với giai đoạn 2024-2025: Thành lập Khoa Sư phạm trên cơ sở sáp nhập các khoa đào tạo giáo viên (Khoa Ngữ văn và Khoa học xã hội, Khoa Toán và Khoa học tự nhiên, Khoa Giáo dục Tiểu học và Mầm non).

Giai đoạn 2031-2045: Phát triển Trường Đại học Hải Phòng thành Đại học Hải Phòng; thành lập 03 trường đại học trong Đại học Hải Phòng (trên cơ sở các khoa đào tạo); thành lập các trung tâm theo mô hình doanh nghiệp thuộc Trường, các Viện nghiên cứu và ứng dụng.

Cùng với đó, nhà trường tiếp tục sửa đổi, điều chỉnh, hoàn thiện các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức, đơn vị; quy chế hoạt động, quy trình giải quyết công việc, nguyên tắc phối hợp giữa bộ máy quản trị, quản lý và các đơn vị để tạo sự năng động, đồng bộ trong điều hành, quản lý của trường.

Hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên

Theo Đề án “Đổi mới và phát triển Trường Đại học Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, nhà trường chú trọng xây dựng đội ngũ bằng việc hoàn thiện đề án vị trí việc làm phù hợp với cơ cấu tổ chức bộ máy và định hướng phát triển nhà trường.

Cụ thể, nhà trường xây dựng vị trí việc làm theo hướng nâng cao tỷ lệ giảng viên (65 - 70%), giảm tỷ lệ viên chức hành chính và phục vụ (tối đa 30 - 35%), đảm bảo tăng năng suất và hiệu quả lao động, nâng cao thu nhập cho người lao động.

Điều đáng nói là, trong Đề án “Đổi mới và phát triển Trường Đại học Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, nhà trường xây dựng chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên.

Ngân sách thành phố Hải Phòng hỗ trợ kinh phí đào tạo cho giảng viên đạt trình độ tiến sĩ; giảng viên đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư; hỗ trợ kinh phí bồi dưỡng nâng cao trình độ ngoại ngữ (chứng chỉ quốc tế). Đối tượng là giảng viên Trường Đại học Hải Phòng được tuyển dụng trước năm 2023.

Điều kiện: giảng viên có ít nhất 01 năm công tác tại đơn vị (không kể thời gian tập sự) tính đến thời điểm cử đi học. Có ngành đào tạo phù hợp; ưu tiên đội ngũ giảng viên đi học tiến sĩ ngành ngôn ngữ Nhật, Hàn Quốc.

Đối với Tiến sĩ: giảng viên phải cam kết tiếp tục làm việc tại Trường Đại học Hải Phòng ít nhất 06 năm sau khi hoàn thành khóa học. Đối với giáo sư, phó giáo sư: Cam kết làm việc ít nhất 5 năm sau khi nhận hỗ trợ.

Đối với giảng viên được cử đi bồi dưỡng nâng cao trình độ ngoại ngữ: Cam kết tiếp tục làm việc tại Trường Đại học Hải Phòng ít nhất 03 năm sau khi hoàn thành khóa học.

Việc bồi dưỡng và thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ phải được thực hiện tại các cơ sở đào tạo ngoại ngữ đủ điều kiện tổ chức thi cấp chứng chỉ quốc tế theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Mức hỗ trợ toàn khóa từ 40 triệu đồng đến dưới 65 triệu đồng/học viên/khóa đối với trường hợp đạt trình độ ngoại ngữ (TOEFL, IELTS, HSK, Topik, JLPT...) tương đương từ 5.0 LETLS trở lên.

Ngân sách thành phố hỗ trợ trường hợp đạt trình độ Tiến sĩ: 200 triệu đồng đối với đào tạo trong nước; 300 triệu đồng đối với đào tạo nước ngoài tự túc; Trường hợp đạt học hàm giáo sư, phó giáo sư: 200 triệu đồng.

Trường Đại học Hải Phòng dự kiến từ năm 2024-2030 số lượt giảng viên cử đi đào tạo, bồi dưỡng là 195 lượt. Kinh phí dự kiến chi cho công tác đào tạo, bồi dưỡng giảng viên giai đoạn 2024-2030 từ nguồn ngân sách nhà nước là 24,6 tỷ đồng.

Thu hút giảng viên trình độ cao

Cũng theo Đề án “Đổi mới và phát triển Trường Đại học Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, nhà trường đã xây dựng chính sách thu hút giảng viên trình độ cao là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ đối với các ngành đào tạo mũi nhọn như: công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ cảng biển, logistics, du lịch - thương mại, công nghệ thông tin, phần mềm (trí tuệ nhân tạo, thiết kế chip bán dẫn và AI, thiết kế vi mạch...) và các ngành: ngôn ngữ Nhật, ngôn ngữ Hàn Quốc.

Mức hỗ trợ một lần đối với giảng viên là giáo sư (trong nước, ngoài thành phố) là 500 triệu đồng; Phó giáo sư: 400 triệu đồng đồng; Tiến sĩ: 300 triệu đồng. Hỗ trợ giảng viên trình độ Tiến sĩ tốt nghiệp ở các nước phát triển là 400 triệu đồng.

 Giảng viên là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ khi về Trường Đại học Hải Phòng công tác sẽ được hưởng nhiều đãi ngộ (Ảnh: LT)

Giảng viên là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ khi về Trường Đại học Hải Phòng công tác sẽ được hưởng nhiều đãi ngộ (Ảnh: LT)

Theo đề án, từ năm 2024-2030, nhà trường dự kiến số lượt giảng viên cần thu hút là 85 người. Kinh phí dự kiến chi cho công tác thu hút từ nguồn ngân sách nhà nước là 29,2 tỷ đồng.

Để được nhận mức hỗ trợ trên, các giảng viên trình độ cao phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn và theo nhu cầu tuyển dụng của đơn vị; Có cam kết làm việc tại Trường Đại học Hải Phòng ít nhất 05 năm.

Nếu không thực hiện đúng cam kết sẽ phải thực hiện đền bù, mỗi năm thực hiện cam kết còn thiếu phải đền bù gấp 02 lần chế độ hỗ trợ và nếu vi phạm một trong các trường hợp sau đây: Không chấp hành sự phân công công tác của nhà trường; Liên tục 02 năm liền không hoàn thành nhiệm vụ; Đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời gian cam kết làm việc tại trường; Tự ý bỏ việc; Bị kỷ luật buộc thôi việc.

Ngoài chế độ hỗ trợ như trên, giảng viên trình độ cao được thu hút được hưởng các chính sách đãi ngộ như: được tuyển dụng thông qua hình thức xét tuyển, tiếp nhận.

Đối với giảng viên ngoài thành phố, nhà trường hỗ trợ phòng ở, điện nước sinh hoạt khi lưu trú tại trường hoặc hỗ trợ hàng tháng 05 triệu đồng/tháng.

Ngân sách nhà nước dự kiến bố trí để thực hiện hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng và thu hút giảng viên trong giai đoạn 2024-2030 là 53,8 tỷ đồng; giai đoạn 2031-2045 là hơn 34,8 tỷ đồng.

LÃ TIẾN

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-su-ve-cong-tac-tai-truong-dai-hoc-hai-phong-duoc-ho-tro-500-trieu-dong-post243953.gd