Giao thoa tín ngưỡng dân gian

Văn hóa dân gian, trong đó có tín ngưỡng dân gian từ bao đời nay như những mạch nguồn dồi dào trong dòng chảy không ngừng của văn hóa. Nó có sức sống và đầy hấp dẫn. Do tồn tại trong những điều kiện lịch sử cụ thể, từng thời điểm, từng địa phương cũng có những khác biệt khó lẫn lộn, cũng như từ sự phong phú đó đã dựng nên những màu sắc đặc thù gắn liền với vùng đất được khai phá và xây dựng.

Vùng đất Cà Mau có sự cộng cư của nhiều dân tộc, trong đó có 3 dân tộc chiếm số đông là Kinh - Khmer - Hoa, vì vậy tín ngưỡng dân gian của 3 dân tộc này cũng rõ nét, nổi trội. Có thể nhận diện một số hình thức tín ngưỡng chung của các dân tộc như: thờ cúng tổ tiên, các nghi lễ theo vòng đời, tín ngưỡng thờ nhiên thần và nhân thần... Về tín ngưỡng riêng của từng dân tộc, người Kinh có tín ngưỡng thờ Lạc Long Quân, Vua Hùng, Âu Cơ, thờ Bác Hồ, thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh, thờ Bà Chúa Xứ, thờ Ngũ Hành, thờ Cá Ông, thờ Thần Hổ, thờ cúng gia tiên, thờ thông thiên...; người Khmer có tín ngưỡng thờ Neak Ta, thờ các vị Arak...; người Hoa có tín ngưỡng thờ Bà Thiên Hậu, Quan Thánh Ðế Quân, Ông Bổn, Thần Tài...

Ông Nguyễn Văn Quynh, hội viên Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, chia sẻ: "Quay ngược về lịch sử hình thành, Cà Mau, vùng đất tuy được khai phá muộn hơn so với các địa phương khác trong cả nước, nhưng cũng đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử. Ðặc biệt, trong buổi đầu khai phá, định cư, xây làng, lập ấp, cộng đồng các dân tộc Kinh - Khmer - Hoa đã cùng chung sống, đoàn kết và tương trợ lẫn nhau, từ đó hình thành nên tính cách chung của người Cà Mau là hiếu khách, trượng nghĩa, dễ tiếp thu cái mới, trong đó có tiếp thu các tín ngưỡng dân gian".

Quá trình giao lưu văn hóa qua hàng trăm năm đã làm cho nhiều tín ngưỡng dân gian của dân tộc này lại có sự tham gia của dân tộc khác. Tín ngưỡng dân gian từ đó cũng được giao thoa, lan tỏa trong cộng đồng. Một số tín ngưỡng dân gian đã có sự tham gia của nhiều dân tộc, tiêu biểu như tại các lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, lễ hội Nghinh Ông Sông Ðốc, lễ hội Kỳ Yên, lễ vía Bà Thiên Hậu... đều có sự tham gia của đồng bào các dân tộc Kinh - Khmer - Hoa.

Lễ vía Bà Thiên Hậu là lễ lớn của cộng đồng người Hoa tại Cà Mau, được tổ chức vào ngày 23/3 âm lịch hằng năm. Thông qua lễ, người dân cầu mong cuộc sống yên lành, sung túc, gặp nhiều may mắn. Ảnh: QUỐC BÌNH

Lễ vía Bà Thiên Hậu là lễ lớn của cộng đồng người Hoa tại Cà Mau, được tổ chức vào ngày 23/3 âm lịch hằng năm. Thông qua lễ, người dân cầu mong cuộc sống yên lành, sung túc, gặp nhiều may mắn. Ảnh: QUỐC BÌNH

Nét đặc trưng của dân tộc Khmer qua kiến trúc các ngôi chùa, nơi đây cũng là điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng của đồng bào dân tộc Khmer tại địa phương. (Trong ảnh: Chùa Monivongsa Bopharam, Phường 1, TP Cà Mau).

Nét đặc trưng của dân tộc Khmer qua kiến trúc các ngôi chùa, nơi đây cũng là điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng của đồng bào dân tộc Khmer tại địa phương. (Trong ảnh: Chùa Monivongsa Bopharam, Phường 1, TP Cà Mau).

“Cũng do quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa nên chúng ta dễ dàng nhận thấy trong bất cứ miếu thờ cộng đồng nào cũng hiện diện nhiều vị thần của các dân tộc khác nhau. Ví dụ: Trong miếu thờ Bà Thiên Hậu cũng có phối thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh, Phước Ðức Chánh Thần, Hỏa Ðức Nương Nương... Trong các Ðình Thần cũng có phối thờ Thần Nông, Tiền Hiền, Hậu Hiền, Tiên Sư, Tổ Sư, Tả Ban, Hữu Ban, Thần Tài, Thổ Ðịa... Ðiều này tạo thành đặc điểm hỗn dung trong tín ngưỡng dân gian của người Cà Mau”, ông Quynh thông tin thêm.

Tục thờ “Ông Thiên” hiện tại vẫn được nhiều hộ gia đình duy trì.

Tục thờ “Ông Thiên” hiện tại vẫn được nhiều hộ gia đình duy trì.

Thờ cúng tổ tiên thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn - một tín ngưỡng dân gian rõ nét hiện nay.

Thờ cúng tổ tiên thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn - một tín ngưỡng dân gian rõ nét hiện nay.

Ông Trần Văn Huy, Phường 2, TP Cà Mau, cho biết: "Trong cộng đồng người Hoa, tín ngưỡng dân gian chiếm giữ một vị trí khá quan trọng trong đời sống tinh thần của họ. Ðối với các địa điểm tín ngưỡng cộng đồng như nơi thờ Bà Thiên Hậu, Quan Thánh Ðế Quân, Ông Bổn... đều có sự đóng góp xây dựng, tôn tạo từ cộng đồng người Hoa. Tại gia đình hầu như nhà nào của người Hoa đều có thờ bàn Ông Thiên và được thắp nhang hằng ngày. Tất cả đều mang một ý nghĩa là cầu mong cho cuộc sống được nhiều may mắn, sức khỏe cho người thân trong gia đình".

Theo ông Nguyễn Văn Quynh: Xét ở góc độ địa văn hóa thì có thể thấy yếu tố sông nước có ảnh hưởng mạnh mẽ trong tín ngưỡng dân gian ở Cà Mau, bằng chứng là tín ngưỡng thờ thủy thần rất nổi trội. Trong 5 bà của Ngũ Hành thì bà Thủy Long Thần Nữ (Thủy Ðức Nương Nương) được thờ phổ biến ở Cà Mau; lễ hội vía Bà Thủy Long Thần Nữ cũng đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Bên cạnh đó, các miếu thờ dân gian cũng được phân bố chủ yếu ở ven sông, khu vực ngã ba, ngã tư của các dòng sông.

Về nguồn gốc dân cư, cộng đồng các dân tộc thường mang theo hành trang là các tín ngưỡng từ quê hương xứ sở để đến thực hành tín ngưỡng trên vùng đất mới. Từ đó, các tín ngưỡng dân gian tiếp tục được lưu truyền và giao lưu, tiếp biến trở thành nét văn hóa riêng về tín ngưỡng dân gian.

Tín ngưỡng dân gian trải qua một giai đoạn dài hình thành và lưu giữ, trở thành nét văn hóa chiếm giữ vị trí quan trọng trong đời sống thường nhật của người dân. Thông qua những tín ngưỡng này hình thành một năng lượng sống tích cực trong cộng đồng dân cư, giúp mỗi cá nhân xích lại gần nhau. Chính vì thế, dù có những biến động nhất định, tín ngưỡng dân gian vẫn được duy trì và phát triển./.

Văn Ðum thực hiện

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/giao-thoa-tin-nguong-dan-gian-a36771.html