Giao thông kết nối, đô thị nâng cấp
Cùng với những bước đột phá về hạ tầng giao thông kết nối, Bình Dương đang tiếp tục xây dựng và phát triển đô thị theo hướng thông minh, hiện đại trong giai đoạn mới.
Thành phố mới Bình Dương, vùng lõi của thành phố thông minh đang thể hiện sức phát triển mạnh mẽ
Hoàn chỉnh hạ tầng
Với quan điểm “hạ tầng giao thông đi trước, mở đường”, hơn 1/4 thế kỷ qua, Bình Dương đã chủ động đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, xuyên suốt, tạo bước đột phá với nhiều thành tựu trong thu hút đầu tư và phát triển kinh tế. Nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, đường vành đai, trục xuyên tâm được hoàn thành đưa vào sử dụng, đã và đang phát huy hiệu quả.
Quốc lộ 13 là trục giao thông “xương sống” đi qua nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, kết nối Bình Dương, Bình Phước, các tỉnh Tây Nguyên với TP.HồChí Minh hiện đang được đầu tư mở rộng. Hai bên Quốc lộ 13 được quy hoạch trung tâm dịch vụ, tài chính, thương mại, mở rộng giao thương hàng hóa, trở thành “lực đẩy” phát triển đô thị, công nghiệp, có vai trò đặc biệt trong phát triển kinh tế - xã hội của Bình Dương. Cùng với Quốc lộ 13, đường Mỹ Phước - Tân Vạn xuyên qua các địa phương trong tỉnh, kết nối các khu công nghiệp trở thành tuyến đường huyết mạch trong vận tải hàng hóa của Bình Dương vươn xa.
Tiếp tục tạo đột phá, Bình Dương đang quyết liệt, dốc lực tập trung đầu tư, triển khai các dự án giao thông trọng điểm, huyết mạch của tỉnh, của vùng như đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh, Vành đai 4 TP.HồChí Minh, cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Chơn Thành, tuyến đường sắt Bàu Bàng - Thị Vải - Cái Mép… nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững theo hướng công nghiệp hóa, đô thị hóa. Các dự án này sau khi được hoàn thành sẽ tạo ra hệ thống giao thông đồng bộ, tạo cảnh quan đô thị thông thoáng.
Ông Trịnh Hoàng Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: “Để tạo đà cho sự bứt phá, thời gian qua tỉnh đã tích cực phối hợp với các tỉnh, thành giáp ranh xây dựng, nâng cấp hạ tầng giao thông, thúc đẩy liên kết vùng. Bên cạnh hai trục kinh tế động lực Quốc lộ 13, đường Mỹ Phước - Tân Vạn, các tuyến giao thông kết nối liên vùng như Quốc lộ 14, Vành đai 3 TP.HồChí Minh, Vành đai 4 TP.HồChí Minh, tỉnh đang xúc tiến đầu tư thêm nhiều công trình trọng điểm ở khu vực phía bắc”.
Hai tuyến đường Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh và Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng đang được tỉnh nỗ lực đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thành. Sau khi 2 tuyến đường này hoàn thành, cùng với các tuyến ĐT746, ĐT744 sẽ “đưa” các huyện Dầu Tiếng, Bắc Tân Uyên, Phú Giáo, vốn là những địa bàn vùng xa của tỉnh “xích lại gần hơn” với các đô thị trung tâm, đồng thời tạo hệ thống hạ tầng kết nối liên hoàn, đồng bộ, thúc đẩy kinh tế thương mại, dịch vụ, “thay da đổi thịt” những vùng nông thôn.
Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 không chỉ đáp ứng nhu cầu vận tải mà còn giúp Bình Dương phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ, thu hút đầu tư
Bình Dương tập trung toàn lực cho đầu tư, phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hoàn thiện một số tuyến cao tốc trên địa bàn tỉnh và đến năm 2030 phát triển đồng bộ hệ thống giao thông nội tỉnh và kết nối vùng, với đa dạng các loại hình đường bộ, đường thủy, đường sắt. Đặc biệt, một trong những ưu tiên của Bình Dương là phát triển hệ thống hạ tầng giao thông với mục tiêu chuyển đổi thành đô thị hiện đại và thông minh.
PGS-TS. Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ: Thực tiễn cho thấy Bình Dương đã xác lập kỳ tích nhờ công thức phát triển đã tạo được đột phá chiến lược, bứt phá thành công trên nhiều lĩnh vực. Đó là duy trì tốc độ tăng trưởng cao liên tục nhiều năm, thay đổi căn bản cơ cấu kinh tế, nhảy vọt đẳng cấp phát triển. Kết quả này nhờ tỉnh đã kiên trì theo đuổi một chiến lược phát triển thông minh, dựa chủ yếu vào cách tiếp cận đột phá, hướng tới đổi mới sáng tạo không ngừng.
Vươn tầm phát triển
Nhằm đáp ứng những yêu cầu mới của thời đại, Bình Dương tiếp tục chủ động đột phá mạnh mẽ và cụ thể hơn. Với khát vọng trở thành thành phốthông minh, tỉnh đã triển khai dự án “Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương”. Đây là nội dung trọng tâm của Đề án Thành phố Bình Dương giai đoạn 2021-2025.
“Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương” phát triển dựa trên quy hoạch tích hợp, bao gồm chiến lược phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật, giao thông kết nối với TP.HồChí Minh và tỉnh Đồng Nai. Qua đó kích thích sự đổi mới sáng tạo, tạo tiền đề xây dựng một môi trường đầu tư hấp dẫn cho các nhà khởi nghiệp, công ty công nghệ... Cùng với đó, hoạt động chuyển đổi số được thúc đẩy với việc hoàn thiện hệ thống chính quyền điện tử cấp tỉnh, phát triển kinh tế số, chuyển đổi sốtrong sản xuất với các nhà máy thông minh. Nâng cấp nền sản xuất hiện tại để tạo ra các công cụ sản xuất mới, phát triển đồng đều trên tất cả các mặt, dần tăng tỷ trọng kinh tế số.
Chính tầm nhìn đó đã giúp tỉnh Bình Dương được Diễn đàn Cộng đồng Thông minh thế giới (ICF) vinh danh 5 lần liên tiếp là Smart21, 3 năm (2021, 2022, 2023), Bình Dương lọt vào danh sách Top7 cộng đồng có chiến lược phát triển thành phốthông minh tiêu biểu. Năm 2023, Bình Dương đã được ICF vinh danh giải thưởng cao nhất của năm - Top 1 ICF - khẳng định thương hiệu, uy tín, vươn tầm phát triển của Bình Dương.
Ông Louis Zacharilla, đồng sáng lập ICF, chia sẻ: “Chúng tôi được chứng kiến những nỗ lực, tận tâm và cống hiến của cả chính quyền và người dân Bình Dương hướng đến thành phốthông minh và hiện đại. Bình Dương có chiến lược phát triển thành phố thông minh rất tốt và đang nỗ lực để ngày càng thịnh vượng. Chúng ta có nhiều hy vọng sẽ thấy sự thành công hơn của tỉnh Bình Dương trong thời gian tới”.
Năm 2024, Bình Dương xác định mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục tận tâm, tận lực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh; khơi thông và huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối vùng. Đồng thời tập trung phát triển vành đai công nghiệp thế hệ mới, phát triển công nghiệp xanh, đô thị thông minh; xây dựng vùng đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Phát triển cân bằng giữa kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo vệ môi trường để tiến tới xây dựng Bình Dương thành một đô thị thông minh, văn minh, hiện đại, nghĩa tình và thật sự là nơi đáng sống.
Nỗ lực vươn mình phát triển, kiến tạo đô thị, đến nay Bình Dương có 5 thành phố (Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên, Bến Cát) và 4 huyện (Phú Giáo, Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên) với 47 phường, 5 thị trấn và 39 xã. Theo phân loại đô thị, Bình Dương có 1 đô thị loại I (Thủ Dầu Một), 2 đô thị loại II (Thuận An, Dĩ An), 2 đô thị loại III (Bến Cát, Tân Uyên), 5 đô thị loại V thuộc huyện (thị trấn Dầu Tiếng, Phước Vĩnh, Lai Uyên, Tân Bình, Tân Thành).
Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/giao-thong-ket-noi-do-thi-nang-cap-a321179.html