Giao thông tạo sức mạnh liên kết vùng kinh tế trọng điểm Đông Bắc Bộ

Các địa phương vùng kinh tế trọng điểm Đông Bắc Bộ như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định… đã và đang thực hiện mục tiêu chung, phát triển giao thông phải đi trước một bước tạo nên sức mạnh liên kết vùng.

Theo Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ công bố đầu tháng 5/2024, vùng Đồng bằng sông Hồng trong đó trọng điểm là tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển của đất nước.

Bài 1: Giao thông kết nối vùng - nền tảng phát triển bền vững

Ông Nguyễn Khắc Thận, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình:

Giao thông là một trong ba đột phá tăng trưởng

Theo Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, một trong ba đột phá phát triển then chốt của tỉnh Thái Bình là "tập trung xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông kết nối các trục giao thông đầu mối trong tỉnh với các trung tâm kinh tế của vùng duyên hải Bắc Bộ. Xây dựng và phát triển Khu kinh tế Thái Bình thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh".

Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình cấp có thẩm quyền phê duyệt xác định, trên địa bàn tỉnh trong tương lai sẽ hình thành 3 tuyến cao tốc và sau năm 2030 tỉnh sẽ nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền bổ sung 1 sân bay chuyên dụng ven biển vào quy hoạch hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc phục vụ du lịch, cứu hộ, cứu nạn, bảo đảm an ninh, quốc phòng khu vực biên giới biển…

Hiện bên cạnh tuyến đường bộ ven biển, Thái Bình cũng đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông trọng điểm khác mang tính kết nối như: Tuyến đường từ TP Thái Bình đi cầu Nghìn nối với Hải Phòng, hệ thống đường trục trong Khu kinh tế Thái Bình, tuyến đường tỉnh 454 từ Thái Bình đi cầu Tịnh Xuyên (huyện Hưng Hà) và đi phà Sa Cao (huyện Vũ Thư), đường vành đai phía Nam TP Thái Bình, đường TP Thái Bình đi cồn Vành và một số tuyến giao thông quan trọng khác.

Với hàng loạt nhiệm vụ, giải pháp mà Quy hoạch tỉnh đã đề ra, cộng với quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong triển khai thực hiện sau khi Quy hoạch tỉnh được phê duyệt, tin tưởng rằng trong tương lai không xa Thái Bình sẽ trở thành một cực tăng trưởng mới trong khu vực Đồng bằng sông Hồng, có nền kinh tế phát triển, là nơi đáng sống trên chặng đường hội nhập và phát triển.

Với những cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc thù; sự quyết liệt, sáng tạo trong xúc tiến đầu tư cũng như quyết tâm xây dựng các dự án giao thông, hạ tầng kỹ thuật hiện đại kết nối đồng bộ, vị thế của Khu kinh tế Thái Bình trong mắt các nhà đầu tư ngày càng được nâng lên. Hiện tại, đã có nhiều tập đoàn lớn của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... đến tìm hiểu, nghiên cứu và bày tỏ mong muốn được đầu tư vào Khu kinh tế Thái Bình. Điều này minh chứng cho sức hút mạnh mẽ của Thái Bình với các nhà đầu tư.

Thái Bình giờ đây không còn là "ốc đảo" với ba mặt giáp sông, một mặt giáp biển bởi hệ thống giao thông được đầu tư đồng bộ, hiện đại, kết nối với các tỉnh, thành trong vùng Đồng bằng Bắc Bộ và tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Ông Phạm Đình Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định:

Phát triển hạ tầng giao thông để thu hút đầu tư

Trong hơn 10 năm qua, Nam Định đã chủ động tập trung huy động nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng và phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là hạ tầng giao thông đường bộ ưu tiên cho các tuyến đường trọng điểm, như: Đường nối từ cao tốc Hà Nội - Ninh Bình về khu kinh tế Ninh Cơ; đường kinh tế ven biển nối các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ninh; tuyến đường bộ ven biển; tuyến cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình…

Việc phát triển hạ tầng giao thông giúp phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện liên kết vùng, đồng thời là điểm nhấn thuận lợi cho công tác thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào tỉnh Nam Định. Từ đó, góp phần thúc đẩy tiếp phát triển toàn diện kinh tế - xã hội cho địa phương.

Đến thời điểm này, các khu công nghiệp của tỉnh Nam Định đã thu hút được 175 dự án, với tổng số vốn đăng ký là 7.412 tỷ đồng và 775,2 triệu USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh, đi kèm với sự dịch chuyển trong chuỗi giá trị đã và đang mở ra tương lai tươi sáng cho thị trường bất động sản công nghiệp, nhất là khi dòng vốn FDI vào Nam Định vẫn chuyển động theo chiều hướng tăng dần theo từng năm

Đã có 17 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia đầu tư vào tỉnh. Dẫn đầu là Hàn Quốc với 29 dự án, tiếp đến là Hồng Kông với 16 dự án. Hiện nay, nhiều nhà đầu tư lớn đến từ Mỹ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đang có nhu cầu đầu tư vào các KCN tại Nam Định.

Trong 5 tháng đầu năm 2024, 11 dự án đầu tư mới. Trong đó có 7 dự án FDI và 4 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký mới tương đương khoảng 240 triệu USD; vượt kế hoạch thu hút đầu tư cả năm 2024 (kế hoạch đề ra 200 triệu USD), các dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới từ đầu năm 2024 đến nay chủ yếu là các tập đoàn, doanh nghiệp có quy mô vốn lớn, áp dụng công nghệ sản xuất hiện đại, thân thiện với môi trường.

Thời gian tới, một số dự án tiếp tục đầu tư như dự án xây dựng tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - đường bộ ven biển, kết nối Trực Tuấn - Yên Định, Lạc Quần - Ngô Đồng; dự án tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng; cầu Ninh Cường; cầu Song Hào, dự án xây dựng cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Định thuộc tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng… tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

Ông Nguyễn Đức Thọ, Phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng:

Hiện đại hệ thống hạ tầng giao thông kết nối vùng

Hải Phòng là thành phố cảng, cửa chính ra biển của miền Bắc, là một trong số ít địa phương hội tụ đủ cả năm loại hình giao thông: Đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thủy nội địa và đường biển.

Thời gian qua, Hải Phòng đã và đang nỗ lực phát triển đồng bộ, hiện đại hệ thống hạ tầng giao thông kết nối, vừa là điều kiện để địa phương bứt tốc mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội, vừa tạo "cú huých" cho sự bứt phá của cả vùng.

Đặc biệt, trong giai đoạn từ năm 2016 trở lại đây, Hải Phòng đã huy động tổng nguồn lực tới gần 50.000 tỷ đồng để đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, gấp hơn 1,8 lần giai đoạn 2011-2015. Nhiều dự án trọng điểm về hạ tầng giao thông được tập trung vốn và thi công với tốc độ khẩn trương, góp phần nâng cao năng lực hạ tầng giao thông của thành phố và giảm ùn tắc giao thông như các cầu vượt Đình Vũ, Lê Hồng Phong, Võ Nguyên Giáp, Đăng, Hàn, Hoàng Văn Thụ...

Cùng với các công trình đường bộ quan trọng được hoàn thành, đưa vào khai thác như cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Hải Phòng - Hạ Long; thành phố cũng tập trung đầu tư hàng loạt các tuyến đường, cây cầu kết nối với các tỉnh lân cận như cầu Quang Thanh, cầu Dinh kết nối với Hải Dương; cầu sông Hóa, cầu Thái Bình, cầu Nghìn 2 kết nối với Thái Bình; cầu Rừng, cầu Lại Xuân kết nối với Quảng Ninh..

Trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, thành phố tiếp tục triển khai nhiều công trình giao thông trọng điểm, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Đó là công trình Trung tâm chính trị - hành chính, Trung tâm Hội nghị - Biểu diễn thành phố cùng hệ thống giao thông, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ tại Khu đô thị Bắc Sông Cấm; cải tạo, mở rộng đường tỉnh 352 nối huyện Thủy Nguyên với thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh; Xây dựng nút giao khác mức tại ngã tư đường Tôn Đức Thắng - Máng Nước - quốc lộ 5; đường Đỗ Mười kéo dài đến đường trục VSIP và phát triển đô thị vùng phụ cận; đường nối giữa đường tỉnh 354 với quốc lộ 10; cầu Nghìn 2... với tổng kinh phí hơn 20.000 tỷ đồng.

Đồng thời, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm như bến cảng 5, 6 tại Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện; cầu Bến Rừng sang Quảng Ninh; cầu Nguyễn Trãi nối nội đô với khu vực Trung tâm hành chính mới ở huyện Thủy Nguyên…

Hàng loạt dự án hạ tầng giao thông quan trọng với tổng mức đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng đã và đang được Hải Phòng xây dựng sẽ không chỉ thay đổi diện mạo đô thị, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội thành phố Cảng, mà còn góp phần quan trọng để phát triển Hải Phòng trong không gian chung của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước. Nhất là thực hiện mục tiêu phát triển khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại, mang tầm quốc tế, hàng đầu ở Đông Nam Á, là cửa ngõ, động lực phát triển của vùng.

Ông Hoàng Quang Hải, Giám đốc Sở GTVT Quảng Ninh:

Luôn khẳng định vai trò cửa ngõ kết nối vùng

Nằm tại cực Đông Bắc của Tổ quốc, có 2 tuyến biên giới với Trung Quốc, tỉnh Quảng Ninh được Trung ương xác định là trung tâm liên kết vùng, có vai trò đặc biệt trong thúc đẩy kinh tế khu vực phía Bắc và cả nước.

Những năm qua, Quảng Ninh đã tích cực hợp tác, liên kết với nhiều tỉnh, thành phố để xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, từ đó, tạo động lực đẩy mạnh phát triển liên kết vùng.

Điển hình, Quảng Ninh và TP Hải Phòng đã đề xuất với Trung ương đầu tư để kéo dài tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đến TP Hạ Long. Từ thành công này, Quảng Ninh đã đầu tư hoàn thiện hệ thống đường cao tốc chạy xuyên qua địa bàn từ TP Hạ Long đến các địa phương miền Đông của tỉnh với tổng chiều dài trên 176km. Với tuyến đường này, Quảng Ninh là địa phương hiện sở hữu số cây số đường cao tốc nhiều nhất cả nước. Đây là tuyến cao tốc kết nối tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, là một trong những tuyến cao tốc kết nối các nước ASEAN với Trung Quốc.

Ngoài ra, còn có dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 10 và dự án xây dựng cầu Lại Xuân, cầu Bến Rừng… nối Quảng Ninh với Hải Phòng; cầu Triều và đường ven sông từ cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX Đông Triều nối Quảng Ninh với Hải Dương; xây dựng tuyến đường nối từ quốc lộ 279 địa phận TP Hạ Long (Quảng Ninh) đến đường tỉnh 291 thuộc thị trấn Tây Yên Tử, huyện Sơn Động (Bắc Giang); đường tỉnh 342 nối từ TP Hạ Long lên huyện Ba Chẽ (Lạng Sơn)…

Trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Quảng Ninh định hình tương lai kết nối hạ tầng giao thông quốc gia thông qua 3 tuyến cao tốc (Nội Bài - Bắc Ninh - Hạ Long; Tiên Yên - Lạng Sơn - Cao Bằng; Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái); 7 tuyến quốc lộ là 18, 18B, 18C, 279, 10, 17B và 4B; 3 tuyến đường sắt quốc gia (Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân; Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh; Hạ Long - Móng Cái) và hệ thống các cảng biển. Từ đó, tạo ra hệ thống giao thông tổng thể, đồng bộ, thông suốt, giữ vai trò gắn kết phát triển liên kết vùng Đồng bằng sông Hồng, kết nối các nước ASEAN với Trung Quốc và các nước Đông Bắc Á.

Bằng việc kiên trì thực hiện mô hình tổ chức không gian phát triển "Một tâm, hai tuyến, đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng động lực", đặc biệt là đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông chiến lược, đồng bộ, hiện đại trên địa bàn, Quảng Ninh đã và đang góp phần quan trọng từng bước đồng bộ hóa kết cấu hạ tầng KT-XH trên toàn vùng, bảo đảm nâng cao khả năng kết nối các hành lang kinh tế theo quy hoạch.

Qua đó, thúc đẩy phát triển vận tải đa phương thức, khai thác hiệu quả hệ thống cảng biển, cảng hàng không, đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, gắn với các đầu tàu, cực tăng trưởng kinh tế, các đô thị lớn, khu kinh tế trọng điểm, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy liên kết của vùng Đồng bằng sông Hồng và hợp tác phát triển "Hai hành lang một vành đai kinh tế" Việt Nam - Trung Quốc.

Ông Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Sở GTVT Hải Dương:

Dồn lực nâng cấp các tuyến đường tỉnh liên kết vùng

Nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế với vị trí trung tâm Đồng bằng sông Hồng, những năm qua tỉnh Hải Dương huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông với quy mô đồng bộ, hiện đại, mang tính đột phá giúp tăng khả năng kết nối và làm động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Giai đoạn 2020-2025, tỉnh Hải Dương xác định một trong 3 đột phá chiến lược là: Huy động đa dạng các nguồn lực phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình giao thông trọng điểm, đô thị thông minh và nông thôn mới kiểu mẫu nhằm kết nối hài hòa với các tuyến quốc lộ, đường tỉnh.

Điều này không chỉ đáp ứng yêu cầu đi lại tốt hơn của nhân dân, mà còn đi trước một bước, tạo cơ hội tăng cường thu hút đầu tư, thúc đẩy liên kết vùng bền vững.

Trong giai đoạn năm 2020-2025, Hải Dương đầu tư nâng cấp trọng tâm vào hệ thống đường tỉnh như đầu tư xây dựng 4 trục giao có tổng chiều dài là 50km với kinh phí 9.100 tỷ đồng nhằm kết nối liên vùng, liên thông các nút giao đầu mối quan trọng trên địa bàn TP Hải Dương với các huyện, thành phố. Đến nay, các dự án đã cơ bản hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, bố trí phân bổ vốn để triển khai thi công từ quý III/2024, để phấn đấu hoàn thành trong năm 2025.

Hải Dương đã phối hợp với Quảng Ninh và Hải Phòng triển khai xây dựng hàng loạt công trình giao thông tạo đột phá về kinh tế - xã hội như cầu Triều, cầu Mây; đường dẫn nối quốc lộ 18 (thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) với quốc lộ 5 (thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương); cầu Dinh và đường dẫn kết nối đường trục thị xã Kinh Môn (Hải Dương) với đường tỉnh 352 huyện Thủy Nguyên (TP Hải Phòng)…

Mới đây, Hải Dương, Bắc Giang và các cơ quan liên quan đang tập trung hoàn thành 3 dự án giao thông kết nối với QL37 trong khu vực gồm dự án cầu Đồng Việt vượt sông Thương, kết nối với quốc lộ 1 và đường cao tốc Hà Nội - Bắc Giang có tổng mức đầu tư 1.500 tỷ đồng; tuyến nối QL37 (tại ngã ba An Lĩnh) vào đền Kiếp Bạc với tổng mức đầu tư là 1.218 tỷ đồng; dự án mở rộng đường từ QL37 vào chùa Côn Sơn với tổng đầu tư là 279 tỷ đồng.

Đến nay, hạ tầng giao thông của tỉnh Hải Dương đang ngày một hoàn thiện, góp phần quan trọng giúp tỉnh phát huy các tiềm năng sẵn có trong thu hút đầu tư, tạo dựng nền tảng phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Nhóm PV Thời sự

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/giao-thong-tao-suc-manh-lien-ket-vung-kinh-te-trong-diem-dong-bac-bo-19224062510285487.htm