Giao thông TP.HCM 2023: Những trận bóng đang vào chung kết
Kinh tế giảm sâu, giải ngân đầu tư công chậm và nguồn vốn hạn hẹp là những thách thức với TP.HCM trong năm 2023.
Song hạ tầng đô thị TP.HCM vẫn có bước chuyển mình mạnh mẽ khi nhiều công trình trọng điểm, huyết mạch lần lượt được khởi công, gấp rút hoàn thành và đưa vào khai thác.
Khởi đầu của dặm đường dài
6 tháng kể từ khi dự án Vành đai 3 TP.HCM khởi công, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM chưa hết cảm xúc khi nhớ lại.
"Khởi công Vành đai 3 như một bước đầu, con đường còn rất dài nhắc nhở anh em ngành giao thông phải nỗ lực đưa những thiết kế dự toán thành những kilomet đầu tiên".
Hơn một thập kỷ lên kế hoạch, Vành đai 3 TP.HCM chỉ có 15km chiều dài đoạn qua Bình Dương được hoàn thành. Trục đường nối liền các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam dang dở trong sự đau đầu của chính quyền vì thiếu vốn đầu tư.
Song, trải qua một năm với nỗ lực của cả hệ thống chính trị TP và Trung ương, Vành đai 3 chính thức được thông qua, khởi công và đang trong quá trình xây dựng.
Ông Lương Minh Phúc ví những người làm giao thông đồng hành cùng Vành đai 3 như một đội bóng đã đi hết tứ kết, vào bán kết và giờ là chung kết.
"Chúng tôi xúc động khi nhìn lại một năm đi qua, có những lúc khó khăn vô cùng. Sự gửi gắm của lãnh đạo, sự chia sẻ của bà con là hành trang quý giá để ngành giao thông có động lực tiếp tục. Bởi tiếp sau đó là những thách thức rất lớn đang chờ", ông Phúc chia sẻ.
2023 cũng là một năm với nhiều cột mốc đáng nhớ với TP.HCM. Hôm 4/12, đô thị lớn bậc nhất cả nước lần đầu tiếp nhận tài trợ toàn kinh phí xây dựng cầu đi bộ nối đối bờ trung tâm với khu đô thị mới Thủ Thiêm hơn 1.000 tỷ đồng.
Đây là một trong 5 cây cầu và một hầm vượt sông Sài Gòn được quy hoạch kết nối Thủ Thiêm với khu vực xung quanh.
Cùng ngày ký tiếp nhận cầu đi bộ nghìn tỷ, Sở GTVT TP cũng trình UBND TP kết quả nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 bắc qua sông Sài Gòn, nối TP Thủ Đức với khu Nam Sài Gòn.
Công trình có tổng mức đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng, nếu được thông qua thiết kế, đây là cây cầu đầu tiên của TP.HCM có thể đóng mở linh hoạt tĩnh không thông thuyền.
Cầu Thủ Thiêm 4 sau khi hoàn thành được kỳ vọng sẽ tạo động lực phát triển mạnh mẽ hơn nữa cho khu vực Thủ Thiêm, Thủ Đức nói riêng và TP.HCM nói chung.
Nỗ lực đưa nhiều dự án về đích
Trải dài 4 quý 2023, TP.HCM cũng tái khởi động nhiều dự án bị trì hoãn hàng năm liền vì vướng mặt bằng. Trong số đó, cầu Long Kiểng hoàn thành sau gần 2 thập kỷ được phê duyệt, xây dựng.
Sự chờ đợi này từng khiến nhiều cụ bà bước sang tuổi 80 sợ rằng không kịp chứng kiến ngày cây cầu nên hình nên dáng. Cụ Lê Thị Nga (86 tuổi) trong hôm khánh thành cầu đã mừng rơi nước mắt: "Tôi không nghĩ có ngày chứng kiến được cầu Long Kiểng thông xe. Có cầu mới rồi, mong bà con làm ăn thuận lợi hơn".
Tháng 9/2023, cầu Long Kiểng thông xe, giúp người dân ở khu vực đi lại thuận lợi, tăng kết nối giao thông cho phía Nam TP với tỉnh Long An.
Công trình hoàn thành không chỉ đáp lại sự kỳ vọng của người dân địa phương, mà như ông Lương Minh Phúc từng nói, đó là lời hứa của chính quyền và ngành giao thông TP.HCM.
Sau cầu Long Kiểng, hàng loạt cây cầu khác như Cần Giờ, Vàm Sát 2 tổng vốn hơn 342 tỷ đồng cũng cấp tập được khánh thành. Những cây cầu từng nằm phơi nắng phơi sương như cầu Nam Lý, Tăng Long, Long Đại bắt đầu chuyển động, tăng tốc.
Điển hình là sau 4 năm tạm dừng, 6 tháng khởi động, cầu Nam Lý vừa hợp long nhịp chính hồi tháng 10/2023. Sự kiện này đánh dấu bước ngoặt quan trọng, đưa dự án tiến tới hoàn thành toàn bộ vào dịp 2/9/2024.
Có cùng điểm chung là vướng mặt bằng, cầu Long Đại với tổng vốn đầu tư hơn 350 tỷ đồng đã hoàn thành và xe vào những ngày đầu năm mới.
Công trình được người dân chờ đợi gần 20 năm, sẽ phá thế cách trở giữa hai phường Long Bình – Long Phước. Còn cầu Tăng Long cũng vừa thi công trở lại, dự hoàn thành đúng dịp 30/4/2025.
Nằm ở cửa ngõ TP.HCM, công trình nút giao An Phú với quy mô 3 tầng, kinh phí hơn 3.500 tỷ đồng cũng đang được dồn lực thi công.
Dự án nút giao An Phú có vai trò giải quyết điểm nóng ách tắc giao thông cửa ngõ phía Đông TP.HCM. Với quy mô lớn nhất từ trước đến nay, nút giao này sẽ trở thành điểm nhấn ấn tượng, xứng tầm về kiến trúc, mang tính biểu tượng cho TP.HCM và TP Thủ Đức.
Năm 2023 khép lại, nhưng hàng loạt dự án được mở ra và hoàn thành. Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhìn nhận kết quả giải ngân cải thiện rõ nét. Hơn 50% kế hoạch vốn được giải ngân, dù số vốn được giao gấp đôi kết quả năm 2022.
"Từ khối lượng công việc với yêu cầu, thời gian và kết quả làm được, có thể thấy TP.HCM đã có một năm vừa làm tới, vừa làm lui. TP vừa thực hiện việc cấp bách vừa thực hiện việc lâu dài, đảm bảo chức trách nhiệm vụ được giao cho từng tổ chức, cá nhân, vừa thực hiện nhiệm vụ chung của thành phố", Bí thư Nguyễn Văn Nên chia sẻ.
Năm 2024, hoàn thành 2 dự án giao thông quan trọng
Đầu năm 2024, 5 dự án giao thông trọng điểm của thành phố sẽ chuyển sang giai đoạn thi công đồng bộ, sớm hoàn thành công trình lần lượt từ năm 2024 - 2026.
Cụ thể: Dự án thành phần 1 thuộc Vành đai 3 TP.HCM (bao gồm cầu kênh Thầy Thuốc); nút giao thông An Phú; nâng cấp, mở rộng quốc lộ 50; hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ; xây đường nối đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa (quận Tân Bình).
Trong đó, hai công trình quan trọng sẽ hoàn thành trong năm 2024 là đường nối Trần Quốc Hoàn kết nối nhà ga T3, giảm tải áp lực cho sân bay Tân Sơn Nhất và nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ.
Lãnh đạo TP.HCM cho hay, 5 công trình này đã được tập trung triển khai đầy đủ mặt bằng, nhà thầu, bố trí vốn từ những ngày đầu năm. Năm 2024, vốn đầu tư TP gần 80.000 tỷ đồng, nguồn lực này hoàn toàn đủ bố trí cho các dự án trên.