Giao thông xanh thêm bước tiến

Đến năm 2025, toàn bộ xe buýt mới tại TP HCM sử dụng năng lượng điện. Tiến trình thân thiện môi trường này đang khả thi khi các khó khăn được nhận diện và giải pháp được đưa ra

Sáng 30-7 Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM tổ chức Hội thảo chuyển đổi phương tiện sử dụng năng lượng điện với hoạt động vận tải hành khách công cộng tại TP HCM. Hội thảo có sự tham dự của nhiều chuyên gia cùng đại diện doanh nghiệp vận tải.

Nhận diện trở ngại

Thông tin tại hội thảo cho hay, việc đầu tư chuyển đổi xe buýt chạy bằng dầu diesel sang xe buýt chạy bằng năng lượng điện là xu hướng tất yếu. Để tiến trình này diễn ra thuận lợi, các trở ngại cần giải quyết gồm quỹ đất xây dựng hệ thống hạ tầng trạm sạc, định mức kinh tế kỹ thuật cho phương tiện, chính sách hỗ trợ của nhà nước dành cho đối tượng chuyển đổi…

Ông Phạm Vương Bảo, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng TP HCM, thông tin toàn thành phố có 2.209 xe buýt đang hoạt động. Trong đó, 546 xe CNG và xe điện, chiếm 24,7%.

Theo lộ trình chuyển đổi phương tiện, từ năm 2025, xe buýt thay mới phải là xe điện. Tuy nhiên, việc chuyển đổi sang xe buýt điện gặp không ít khó khăn như chi phí đầu tư, vận hành xe điện cao hơn 13% so với xe diesel; quy hoạch hạ tầng trạm sạc điện cho xe buýt chưa có; quy định về cấp phép, quản lý hoạt động đầu tư, xây dựng, lắp đặt hệ thống trạm sạc... còn thiếu.

Hội thảo đón nhận nhiều đóng góp của chuyên gia, doanh nghiệp

Hội thảo đón nhận nhiều đóng góp của chuyên gia, doanh nghiệp

Để thúc đẩy việc chuyển đổi xe buýt điện theo lộ trình, ông Bảo đề xuất 3 nhóm chính sách. Thứ nhất là, hỗ trợ, ưu đãi nhà đầu tư chuyển đổi xe buýt điện, trong đó doanh nghiệp vận tải trả lãi vay cố định 3%/năm (ngân sách TP hỗ trợ phần chênh lệch còn lại) và được miễn lệ phí trước bạ. Thứ hai là, chính sách đầu tư, phát triển hạ tầng trạm sạc. Sau cùng là chính sách trợ giá cho xe buýt điện cũng như hỗ trợ thu hồi xe buýt cũ.

Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xe buýt nhiều năm, đại diện Công ty TNHH MTV Xe khách Sài Gòn cho biết đơn vị quan tâm giá xe buýt điện vì hiện nay qua tham khảo xe điện của Vinbus thì giá hơn 6 tỉ đồng/xe trong khi xe chạy diesel khoảng 2 tỉ đồng.

Chi phí này quá cao so với khả năng của doanh nghiệp. Vì vậy, giống như Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng TP HCM, khi chuyển sang xe điện, doanh nghiệp này mong muốn TP HCM có chính sách hỗ trợ lãi vay, chính sách trợ giá hợp lý...

Ngoài chi phí mua xe, quy hoạch hạ tầng trạm sạc... nhiều doanh nghiệp như Bảo Yến, Phương Trang cũng đề xuất có chính sách giúp giảm gánh nặng.

Hướng tới phát triển bền vững

TS Khuất Việt Hùng, Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT, đồng ý rằng khó khăn lớn nhất khi chuyển đổi phương tiện là chi phí đầu tư, kế đến là trợ giá sao cho phù hợp. Chưa kể, quy hoạch đất dành cho trạm sạc là vấn đề khó vì 1 trạm cần công suất điện lớn và diện tích lớn để triển khai. Do đó, TP HCM nên sẵn sàng hạ tầng trạm sạc, nguồn cung ứng điện trước khi kêu gọi đầu tư phương tiện.

PGS-TS Phạm Xuân Mai - Trường ĐH Bách khoa TP HCM thuộc ĐHQG TP HCM, nhận định xu hướng phát triển xe buýt điện chiếm ưu thế trên thế giới, tại Trung Quốc chỉ có xe buýt CNG và điện, hầu như không còn xe diesel.

Sẽ giảm hơn 48% lượng khí phát thải

TS Lê Văn Nghĩa (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết theo thống kê về hoạt động xe buýt tại TP HCM thì xe sử dụng diesel có mức phát thải khí CO2 hơn 6.700 tấn, xe CNG hơn 1.100 tấn, trong khi đó xe điện chỉ phát thải khoảng 2,7 tấn.

Cũng theo ông Nghĩa, khi chuyển đổi xe buýt diesel và CNG sang xe buýt điện thì lượng khí CO2 phát thải giảm 48,93% so với mức hiện nay.

Với TP HCM, phương tiện điện gồm cả xe máy, ô tô đang tăng trưởng mạnh nhờ cải tiến công nghệ, chính sách hỗ trợ và sự ưa chuộng từ người dùng.

PGS-TS Phạm Xuân Mai cho rằng để phát triển bền vững, ngoài những chính sách hỗ trợ lãi vay, thuế cho doanh nghiệp đầu tư phương tiện thì nhà nước nên đứng ra xây dựng hạ tầng trạm sạc. Song song đó là xây dựng các tiêu chuẩn về xe điện, trạm sạc, pin và xử lý pin...

"Về lâu dài, chúng ta phải tự sản xuất xe điện, đào tạo nguồn nhân lực và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong điều hành hoạt động xe buýt điện vì đó là xu hướng tất yếu" - PGS-TS Phạm Xuân Mai nói, đồng thời nhấn mạnh thay vì sử dụng điện than, dầu mỏ, điện khí, việc sử dụng năng lượng điện chính là hướng tới phát triển bền vững.

Giải quyết từng bài toán

Kết luận hội thảo, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP HCM, nhận xét thời điểm chuyển đổi phương tiện xe buýt điện đã cận kề, dù vậy việc triển khai còn một số vấn đề.

Sở GTVT đã lên kế hoạch phân bổ các trạm sạc cũng như số lượng phương tiện xe buýt điện từ nay đến năm 2030, trước mắt làm trạm sạc tại các bến xe buýt có sẵn.

Thời gian tới, tại TP HCM, hình ảnh xe buýt điện đón khách sẽ trở nên phổ biến

Thời gian tới, tại TP HCM, hình ảnh xe buýt điện đón khách sẽ trở nên phổ biến

Việc đầu tư trạm sạc do nhà nước thực hiện và nguồn điện cơ bản đáp ứng. Sắp tới, Sở GTVT sẽ trình HĐND TP HCM dự án đầu tư hạ tầng trạm sạc cho xe buýt điện bằng nguồn vốn đầu tư công.

Về định mức đơn giá cho xe buýt điện, Giám đốc Sở GTVT cho biết đơn vị vận dụng Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội để có các cơ chế hỗ trợ chuyển đổi xe điện, làm sao định mức đơn giá khả thi.

Với riêng chính sách hỗ trợ cho việc chuyển đổi sẽ chia 2 cấp độ. Những chính sách thuộc thẩm quyền HĐND như phí, lệ phí và những chính sách thuộc bộ, ngành như thuế cho nhà sản xuất, nhập khẩu… sẽ được Sở GTVT tiếp tục cùng các sở, ngành nghiên cứu, đề xuất.

Bài và ảnh: THU HỒNG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/giao-thong-xanh-them-buoc-tien-196240730204036457.htm