Giao toàn diện quản lý xăng dầu cho Bộ Công Thương là hợp lý
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, cho rằng đề xuất giao toàn diện phần quản lý xăng dầu về cho Bộ Công Thương, kể cả phần quyết định về giá và chi phí định mức để đảm bảo vấn đề nguồn cung chủ động của Bộ trưởng Bộ Tài chính là hợp lý.
Chiều 28/10, giải trình trước đại biểu Quốc hội về xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay, nhu cầu xăng, dầu của đất nước ta khoảng 19,2 triệu tấn/1 năm. Hiện nay chúng ta có 2 nhà máy sản xuất, đó là nhà máy lọc dầu Bình Sơn là 6,2 triệu tấn, 9 tháng vừa qua đạt 4,4 triệu tấn, như vậy đạt 70% kế hoạch, tức là đạt sản lượng đề ra. Còn lại ở Nghi Sơn đạt 6,8 triệu tấn, như vậy 9 tháng mới đạt được 4,3%, tức vẫn thiếu hụt nguồn cung. Nhập khẩu 6,2 triệu tấn kế hoạch, chiếm 32%.
Trong đó phân bổ cho 34 đầu mối, 9 tháng nhập được 3,97%, tức cũng không đạt kế hoạch. Trong quý 3 nhập khẩu xăng, dầu giảm 40% so với tháng trước và chỉ có 19/33 đầu mối có nhập. Chúng ta vẫn có những phần thiếu hụt nguồn cung.
Liên quan đến chi phí xăng dầu, Bộ Tài chính cho biết đã giảm thuế môi trường xuống 3.000 đồng/1 lít, ngân sách giảm 28.000 tỷ. Thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu giảm từ 20% xuống còn 10%.
Chi phí xăng, dầu, theo Nghị định 95 một năm tối đa là 2 lần. Trong trường hợp đặc biệt ngày mùng 1/1/2022, chúng tôi đã nâng lên một lần, tức RON 92 là 250 đồng/lít, đưa từ nước ngoài về, premium trong nước cũng đã được nâng ngày 10/1 và ngày 7/10 cũng tăng lên 290 đồng/1 lít vận chuyển. Như vậy, 1 lít xăng, dầu RON 92, chi phí vận chuyển và chi phí quản lý đã chiếm 1.960 đồng, tức gần 2.000 đồng.
Hiện nay Bộ Tài chính cũng đã có văn bản số 10859, 1056 ngày 21/10/2022 xin ý kiến của các công ty đầu mối và ý kiến của Bộ Công Thương để có thể nâng chi phí định mức nữa hay không. Nhưng Bộ trưởng cho biết mới chỉ nhận được 6 văn bản của 6 doanh nghiệp đầu mối, tức là chỉ chiếm 8,5% của sản lượng xăng, dầu. Còn ý kiến Bộ Công Thương chưa nhận được.
Người đứng đầu Bộ Tài chính khẳng định, “sắp tới chúng tôi đề nghị Chính phủ sửa Nghị định 95, giao toàn diện phần xăng, dầu về cho Bộ Công Thương, kể cả phần quyết định về giá và chi phí định mức để đảm bảo vấn đề nguồn cung chủ động”.
Trả lời trên VOV, ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục quản lý giá (Bộ Tài chính), Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho biết, pháp luật quy định Bộ Công Thương có trách nhiệm quản lý, sản xuất, kinh doanh, điều hòa cung cầu về xăng dầu cho toàn bộ nền kinh tế.
Cho nên giờ thiếu hụt về nguồn cung, không đáp ứng về tổng thể ở các vùng miền, địa phương thì trách nhiệm thuộc Bộ Công Thương.
Theo ông Thỏa, đề xuất của Bộ trưởng Bộ Tài chính là hợp lý. Bộ Công Thương là bộ quản lý sản xuất kinh doanh họ mới có trách nhiệm đảm bảo cân đối cung cầu xăng dầu cho đất nước. Họ đảm bảo sản xuất kinh doanh mới biết thế giới thế nào, trong nước thế nào, các chi phí doanh nghiệp sản xuất kinh doanh xăng dầu phải chi ra những chi phí gì, mỗi vùng khác nhau, doanh nghiệp khác nhau chi phí là như thế nào.
Ông Thỏa lý giả, hiện nay chúng ta đang chia cắt là giao cho Bộ Công Thương quản lý sản xuất kinh doanh và kể cả Nghị định 95 giao cho Bộ Công Thương về hướng dẫn giá cơ sở của xăng dầu. Nhưng lại tách riêng phần trong cơ cấu giá là chi phí định mức cho Bộ Tài chính tính toán, công bố rồi lại đưa Bộ Công Thương đưa vào mức giá cơ sở. Ông Thỏa khẳng định đây là cắt khúc không hợp lý vì Bộ Tài chính không thể hiểu được bằng Bộ Công Thương tất cả những vấn đề của xăng dầu.
Do đó, theo ông Thỏa, nếu sửa đổi Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu cần phải sửa đổi tổ chức hệ thống phân phối. Hiện nay quy định doanh nghiệp từ đầu mối, bán lẻ, đại lý… đồng sở hữu cơ sở kinh doanh xăng dầu, kho… là không ổn, không biết ai là chính, trách nhiệm đồng sở hữu không rõ. Việc cải tiến hệ thống phân phối theo hướng cho ai đủ điều kiện về cầu cảng, về cơ sở hạ tầng, kho bãi, phương tiện vận chuyển thì kinh doanh. Hạn chế đến mức thấp nhất chuyện đồng sở hữu để hệ thống không còn sở hữu chéo chồng chéo gây ra điều hành bất cập.
Cũng theo ông Thỏa cần quy định trong hệ thống phân phối, các thương nhân phân phối chỉ được mua hàng của hai đầu mối nhập khẩu, phải đăng ký hệ thống của mình và phải cam kết đăng ký số lượng mua với thương nhân đầu mối. Như vậy thương nhân đầu mối mới chủ động được sản lượng nhập khẩu, sản lượng mua trong nước… sẽ cung cấp đủ.
Bên cạnh đó, ông Thỏa cho rằng cần sửa đổi về giá. Hiện nay giá đang được sử dụng quỹ bình ổn giá và định hướng giá, chi phí nhưng lại cho doanh nghiệp quyết định giá cụ thể. Điều đó sẽ không ổn.
Ngoài ra, ông Thỏa cũng kiến nghị thay đổi chu kỳ tính giá. Nếu như giai đoạn này chưa đủ điều kiện làm được như các nước trên thế giới tức là bám sát giá thị trường thế giới và điều hành theo giá hàng ngày thì chúng ta rút từ 10 ngày xuống 5 ngày để phù hợp với phương thức hiện nay doanh nghiệp đầu mối mua xăng dầu trên thị trường thế giới, phản ánh sát hơn để giảm thiểu lệch pha thị trường trong nước và thế giới.
Tại phiên thảo luận chiều 28/10, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương (Quảng Ngãi) đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương và Bộ Tài chính rà soát lại quy trình quản lý điều hành xăng dầu từ khâu sản xuất, nhập khẩu, phân phối, điều hành giá nhằm bảo đảm nguồn cung ứng, tiết giảm chi phí trung gian, có chính sách thuế phù hợp.
Đánh giá lại việc sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Tăng cường triển khai các biện pháp kiểm tra, giám sát, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu. Tăng cường nguồn lực cho việc dự trữ xăng dầu. Cần xây dựng các kho lưu trữ xăng dầu quốc gia, bảo đảm trữ lượng đủ phục vụ nhu cầu thị trường trong thời gian dài để tăng cường khả năng đối phó với những diễn biến lớn từ nguồn cung và giá thế giới.
Về lâu dài, cần đẩy mạnh hoạt động sản xuất, khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì mở rộng hoạt động sản xuất trong nước.
Đại biểu đề nghị Chính phủ nghiên cứu, sớm phê duyệt dự án mở rộng nâng cấp quy mô Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Đồng thời nghiên cứu thành lập, xây dựng trung tâm năng lượng dầu khí quốc gia tại khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi để phát triển công nghiệp năng lượng, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Hiện nay, tại đây với những nền tảng cơ bản của Khu kinh tế Dung Quất có hệ sinh thái phục vụ cho việc thành lập trung tâm, như cơ sở hạ tầng cảng nước sâu, nhà máy lọc dầu Dung Quất với công suất chế biến hiện tại là 6,5 triệu tấn dầu thô/1 năm.