Giao tranh ác liệt tại Sudan thiêu rụi nhà máy lọc dầu lớn nhất đất nước

Dữ liệu vệ tinh cho thấy cuộc giao tranh tại nhà máy lọc dầu al-Jaili, cách thủ đô Khartoum của Sudan khoảng 60 km, đã khiến khu phức hợp rộng lớn này chìm trong biển lửa.

Ngọn khói đen dày đặc lan tỏa khắp thủ đô Sudan, gây lo ngại về tác động nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng và môi trường.

Nhà máy al-Jaili, có khả năng xử lý 100.000 thùng dầu mỗi ngày, là mục tiêu tranh chấp kéo dài giữa quân đội Sudan và Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF).

 Đám cháy nhấn chìm nhà máy lọc dầu lớn nhất Sudan vào ngày 24/1. Ảnh: Planet Labs PBC

Đám cháy nhấn chìm nhà máy lọc dầu lớn nhất Sudan vào ngày 24/1. Ảnh: Planet Labs PBC

Cho đến ngày 23/1, cuộc tấn công dữ dội tại đây đã gây ra hỏa hoạn trên toàn bộ khu vực, với hình ảnh vệ tinh từ Planet Labs PBC ghi nhận những cột lửa lớn và các bồn chứa dầu bị cháy đen. Khói đen đậm đặc bao phủ, đe dọa sức khỏe người dân với nguy cơ làm trầm trọng thêm các bệnh hô hấp và tăng nguy cơ ung thư.

Quân đội Sudan, dưới quyền chỉ huy của tướng Abdel-Fattah Burhan, tuyên bố đã chiếm được nhà máy lọc dầu al-Jaili.

Quân đội cáo buộc RSF cố tình phóng hỏa để phá hủy cơ sở hạ tầng quốc gia, đồng thời cam kết sẽ truy quét phiến quân. RSF, ngược lại, cáo buộc máy bay quân sự Sudan thả "bom thùng" xuống nhà máy, dẫn đến vụ cháy.

Cả hai bên đều không đưa ra bằng chứng xác thực, nhưng vào ngày 25/1, nhiều video xuất hiện cho thấy quân đội Sudan tiến vào khu phức hợp trong tiếng súng dữ dội.

Nhà máy lọc dầu này trước đây do RSF kiểm soát từ tháng 4/2023, được bảo vệ bằng các bãi mìn để ngăn cản bước tiến của quân đội. Tuy nhiên cuộc giao tranh mới đây đã phá hủy hoàn toàn cơ sở, làm gián đoạn hoạt động sản xuất và gây tổn thất nặng nề cho nền kinh tế Sudan.

Nhà máy lọc dầu al-Jaili đóng vai trò thiết yếu trong ngành năng lượng của Sudan. Việc mất đi cơ sở này buộc Sudan phải phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu đắt đỏ hơn, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng kinh tế.

Timothy Liptrot, chuyên gia từ Khảo sát vũ khí hạng nhẹ, cảnh báo rằng nếu xung đột tiếp diễn, cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Sudan có nguy cơ bị phá hủy vĩnh viễn.

Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres đã bày tỏ lo ngại sâu sắc về tình hình leo thang gần đây, đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế để tránh những hậu quả nguy hiểm cho kinh tế và môi trường. Nhưng với việc giao tranh vẫn tiếp diễn, triển vọng hòa bình cho Sudan dường như ngày càng xa vời.

Ngọc Ánh (theo Reuters, AJ)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/giao-tranh-ac-liet-tai-sudan-thieu-rui-nha-may-loc-dau-lon-nhat-dat-nuoc-post332001.html