Giáo viên bước đầu đã quen thực hiện một chương trình, nhiều SGK
Qua lúng túng thời gian đầu, đến nay giáo viên, nhà trường đã quen với việc thực hiện một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa (SGK).
Sáng 9/5, tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã có những chia sẻ xung quanh công việc rất lớn ngành Giáo dục đang triển khai - đó là đổi mới giáo dục phổ thông theo Chương trình GDPT 2018, trong đó có việc thực hiện một chương trình, nhiều bộ SGK.
Chương trình là pháp lệnh, SGK là học liệu
Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo được triển khai ở các cấp học, từ mầm non đến phổ thông, đại học; trong đó đổi mới giáo dục phổ thông là khâu rất quan trọng. Năm 2013, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Một năm sau, Quốc hội thông qua Đề án của Chính phủ trình, ban hành Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông.
Ngày 26/12/2018, Bộ GD&ĐT có Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ban hành Chương trình giáo dục phổ thông, hiệu lực từ 15/2/2019. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ra đời và được triển khai là một trong những đột phá, điểm mới quan trọng làm thay đổi hệ thống giáo dục phổ thông.
Chia sẻ những điểm khác biệt giữa Chương trình GDPT 2006 và Chương trình GDPT 2018, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết:
Chương trình 2006 có tính chất khung, định hướng và SGK sẽ thể hiện một cách cụ thể, đầy đủ. Cả Chương trình GDPT chỉ có một bộ SGK duy nhất. SGK là căn cứ mang tính chất pháp lệnh dùng để dạy, học, kiểm tra đánh giá. Bên cạnh đó, tất cả các trường, lớp đều thực hiện kế hoạch giáo dục do Bộ GD&ĐT ban hành. Đến tuần nào học bài nào là cả nước đều như nhau.
Trong khi đó, Chương trình GDPT 2018 được biên soạn chi tiết, theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất của người học; gia tăng yếu tố thực tiễn, thực hành, trải nghiệm; dành quyền chủ động cao hơn cho địa phương, cơ sở giáo dục và giáo viên. Một Chương trình nhưng có nhiều bộ SGK. Trong đó, Chương trình mang tính pháp lệnh; các trường phổ thông trên cả nước dạy học thống nhất theo nội dung, yêu cầu cần đạt của chương trình. Nội dung SGK đóng vai trò là học liệu. Đây là sự thay đổi rất lớn.
Khi SGK là học liệu, thì học liệu càng phong phú sẽ càng tốt để phục vụ dạy học, triển khai chương trình. Giáo viên được trao quyền chủ động trong chọn ngữ liệu, chọn bài tập phù hợp, phát huy sự năng động, chủ động, sáng tạo. Với chương trình mới, mỗi trường, căn cứ vào chuẩn đầu ra, nội dung có tính chất định hướng trong chương trình để xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường. Như vậy, hướng đến cùng đạt theo chuẩn đầu ra của chương trình, nhưng cách thức đạt đến chuẩn đó thì dành sự chủ động cho nhà trường.
Bên cạnh đó, triển khai một chương trình, nhiều bộ SGK huy động được nguồn lực, trí tuệ xã hội rất lớn cùng tham gia biên soạn sách; đồng thời, tạo môi trường cạnh tranh để học sinh, giáo viên có được những bộ SGK tốt nhất.
Đã có chuyển biến khả quan bước đầu
“Có ý kiến thắc mắc, nhiều bộ SGK làm sao thống nhất trong dạy học? Xin trả lời: Sự thống nhất đó được thực hiện bởi chương trình”. Nhấn mạnh điều này, Bộ trưởng đồng thời cho biết: Triển khai một chương trình, nhiều bộ SGK cũng là phổ biến trên thế giới. Ví dụ, Ấn Độ có 7 hệ thống SGK khác nhau đang được lưu hành. Nam Phi cũng có đến 16 hệ thống SGK khác nhau. Tại Mỹ, các tiểu bang khác nhau chọn hệ thống SGK khác nhau; không những thế, chương trình thống nhất của Mỹ, các tiểu bang cũng được điều chỉnh cho phù hợp…
Triển khai Chương trình GDPT 2018, Bộ trưởng đồng thời nhắc tới việc áp dụng các phương pháp dạy học tích cực và thay đổi hoạt động của nhà giáo. Theo đó, trước đây, giáo viên chủ yếu là người truyền thụ, kiểm tra, đánh giá kiến thức. Nhưng với chương trình mới, thầy cô chuyển sang là người tổ chức hoạt động dạy - học, người định hướng, hỗ trợ... Có thể nói, triển khai chương trình mới tăng cường tính sáng tạo, sự chủ động của cả địa phương, nhà trường, nhà giáo và người học.
Những thách thức khi triển khai Chương trình GDPT 2018 cũng được Bộ trưởng đề cập đến. Một trong số đó là: Trước đây, khi chỉ có một chương trình, một bộ SGK, công việc của Bộ GD&ĐT trong kiểm soát chất lượng sách đơn giản, nhẹ nhàng hơn, tính đồng bộ cao. Chương trình mới, việc quản lý của Bộ GD&ĐT nhiều việc, khó khăn, phức tạp, thách thức hơn; rủi ro trong thẩm định chất lượng SGK cao hơn nhiều so với trước đây. Bên cạnh đó, Chương trình GDPT 2018 đòi hỏi điều kiện triển khai với trang thiết bị dạy học đầy đủ; giáo viên đủ về số lượng, tăng cường về chất lượng, hợp lý về cơ cấu. Việc triển khai chưa có tiền lệ nên có thể gây ra những phản ứng nếu truyền thông không đầy đủ đến các tầng lớp xã hội, đặc biệt là phụ huynh…
Cho đến thời điểm này, triển khai Chương trình GDPT 2018 đã đi được hơn nửa chặng đường. Cụ thể, chương trình, SGK mới đã và đang triển khai ở các lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10; từ năm học 2023-2024 triển khai tiếp thêm tới lớp 4, 8, 11. Đến năm 2025, việc triển khai sẽ kết thúc một lộ trình. Bộ trưởng cho biết, Bộ GD&ĐT đã triển khai các hoạt động, như phối hợp với địa phương chỉ đạo chuẩn bị điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phòng học, lớp học, phòng học bộ môn; tập huấn giáo viên; chỉ đạo đổi mới dạy học, kiểm tra, đánh giá…
Qua nắm bắt thông tin và quá trình đánh giá giữa kỳ cho thấy, triển khai thời gian đầu cũng có lúng túng, nhưng nay giáo viên đã quen với thực hiện một chương trình, nhiều bộ SGK. Việc chọn SGK tại các địa phương đi vào nền nếp, trở thành một công việc bình thường. Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông cũng sơ bộ nhận định triển khai chương trình mới đã tạo được sự đổi mới, không khí mới theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động của nhà trường. Hoạt động dạy học, kiểm tra đánh giá đã có chuyển biến khả quan bước đầu.
Cần ổn định chính sách trong triển khai Chương trình mới
Có một số ý kiến đặt lại vấn đề có nên tiếp tục một chương trình, một bộ SGK nữa hay không? Từ góc độ làm chính sách và thực thi chính sách, theo Bộ trưởng, Chương trình GDPT 2018 đã đi được nửa chặng đường, nếu thời điểm này lại thay đổi quay về một chương trình, một bộ sách (đi ngược lại tinh thần, triết lý mở, phát huy tính chủ động, sáng tạo chương trình mới đặt ra), có nghĩa là toàn bộ triết lý, định hướng và những yếu tố mới trong triển khai chương trình không thực hiện được.
Bộ trưởng cũng cho rằng, chính sách thay đổi vào thời điểm này sẽ có một vấn đề rất lớn đặt ra với ngành Giáo dục. Trước đây, Nghị quyết 88 cho phép một chương trình, nhiều bộ SGK; trong đó Bộ GD&ĐT tổ chức việc biên soạn một bộ SGK để chủ động triển khai chương trình GDPT mới. Nhưng do nhiều lý do khác nhau (trong đó có ý kiến cho rằng, nếu Bộ GD&ĐT biên soạn một bộ sách thì các bộ sách khác khó có thể cạnh tranh được), Quốc hội đã cho phép Bộ GD&ĐT không cần biên soạn một bộ SGK nữa nếu đã có sách xã hội hóa được phê duyệt. Nếu quay lại một chương trình, một bộ sách - chưa bàn đến đúng, phù hợp hay không - nhưng một chính sách nửa chừng thay đổi sẽ dẫn đến sự hỗn loạn trong triển khai.
Thêm nữa, lần đổi mới này có thể coi là một cuộc cách mạng trong giáo dục. Làm cách mạng không thể 100% đều vui vẻ, tất cả đều nhẹ nhàng. Nhưng nếu có ý kiến mà không lắng nghe, không phân tích thì là sai lầm của nhà quản lý. Do đó, Bộ trưởng khẳng định mong muốn có được nhiều ý kiến và luôn lắng nghe các góp ý từ người dân. Đến năm 2025, đổi mới chương trình GDPT đi qua một lộ trình sẽ xem xét một cách thấu đáo. “Giáo dục rất khó nhìn thấy ngay kết quả, nên đánh giá với giáo dục cần thời gian để nhìn nhận sẽ tốt hơn”, Bộ trưởng chia sẻ.
Phân tích thêm ở góc độ tài chính, kinh phí, việc quay lại một bộ sách sẽ lãng phí rất nhiều công sức, tiền của, trí tuệ của các tập thể, cá nhân đã biên soạn, phát hành SGK trong thời gian qua, Bộ trưởng từ đó nhấn mạnh thêm mong mỏi giữ ổn định chính sách trong quá trình triển khai chương trình mới. “Nếu có điều chỉnh thì tính toán khi đã đi hết một chặng đường. Một chính sách thay đổi lại nhiều lần, ngành Giáo dục vốn đã khó, sẽ vô cùng khó”.
Năm nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai giám sát chuyên đề về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông. Theo Bộ trưởng, Đoàn giám sát sẽ có đánh giá khách quan. Nhưng thông tin bước đầu, từ thực tế, giáo viên, cán bộ quản lý bắt đầu quen với chương trình mới và tự tin, cảm nhận được nhiều sự tích cực trong triển khai. Với ngành Giáo dục, công cuộc đổi mới nhiều nhọc nhằn, thử thách, nhưng Bộ trưởng tin tưởng, toàn ngành sẽ cố gắng hết sức để làm tốt nhiệm vụ được giao phó.