Giáo viên chủ nhiệm 'gánh' cả 2 vai

Thời gian qua liên tiếp xảy ra các vụ việc đau lòng liên quan học đường như bạo lực, trầm cảm... làm tổn thương cả về thể chất và tinh thần của các em học sinh. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên là do công tác tư vấn tâm lý học đường hiện chưa được quan tâm đúng mức.

Một buổi sinh hoạt chia sẻ về tâm lý học đường cho học sinh tại Trường THPT An Khánh (TP Cần Thơ). Ảnh: NTCC.

Một buổi sinh hoạt chia sẻ về tâm lý học đường cho học sinh tại Trường THPT An Khánh (TP Cần Thơ). Ảnh: NTCC.

Tư vấn không phải chỉ nhằm giải quyết những khúc mắc về tâm lý, mà là mọi vấn đề từ học hành, định hướng nghề nghiệp, cách ra quyết định, cách xử lý áp lực và các cách thức ứng xử trước những tình huống không mong muốn.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), công tác tư vấn tâm lý cho học sinh đã được các nhà trường quan tâm hơn trong vài năm học trở lại đây. Tuy nhiên, nhân sự làm công tác chuyên trách cho vị trí này là một khó khăn ở không ít các trường học. Vì lẽ đó, theo các chuyên gia, trước mắt đối với công tác tư vấn tâm lý học đường, giáo viên chủ nhiệm có vai trò rất quan trọng trong việc phòng ngừa các vấn đề tâm lý của học sinh cũng như phát hiện và hỗ trợ học sinh có khó khăn tâm lý. Bởi hơn ai hết, giáo viên chủ nhiệm là người gắn bó và hiểu học sinh nhiều nhất trong khoảng thời gian các em ở trường.

Ở giai đoạn 2015 - 2023, Bộ GDĐT thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn các Sở GDĐT thực hiện các nhiệm vụ về tư vấn tâm lý học đường. Cùng đó, Bộ GDĐT cũng đã phối hợp Tổ chức Room to Read Việt Nam biên soạn “Tài liệu tập huấn nâng cao năng lực tư vấn tâm lý học đường cho giáo viên chủ nhiệm trong trường trung học” và tổ chức tập huấn thí điểm cho một số Sở GDĐT, nhằm cung cấp kiến thức một cách hệ thống về lý luận và thực tiễn và hướng dẫn cho giáo viên chủ nhiệm trong trường trung học thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh.

Vừa qua, Bộ GDĐT phối hợp với Tổ chức Room to Read tổ chức hội thảo tổng kết Chương trình thí điểm nâng cao năng lực tư vấn tâm lý học đường cho giáo viên chủ nhiệm trường THCS, THPT tại 3 tỉnh Tuyên Quang, Nghệ An và Cà Mau - những địa phương đã được tập huấn thí điểm như đã đề cập ở trên.

Theo đó, Chương trình thí điểm nâng cao năng lực tư vấn tâm lý học đường cho giáo viên chủ nhiệm được bắt đầu từ tháng 12/2023, nhằm bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng và thái độ cần thiết cho giáo viên chủ nhiệm trong việc hỗ trợ tâm lý học sinh tại các trường THCS và THPT.

Bà Đỗ Thị Vân Anh - Trưởng nhóm khảo sát, đánh giá chương trình thí điểm cho biết: Chương trình tập trung giúp giáo viên chủ nhiệm nhận diện sớm, can thiệp kịp thời các vấn đề tâm lý học sinh gặp phải, tạo dựng môi trường học đường an toàn, tích cực, và phối hợp hiệu quả với cha mẹ học sinh, nhà trường và chuyên gia tâm lý. Được triển khai thí điểm tại 3 tỉnh đại diện cho các vùng miền, chương trình không chỉ nâng cao năng lực cá nhân của giáo viên mà còn góp phần hình thành mô hình tư vấn học đường phù hợp với điều kiện thực tế, hướng tới khả năng mở rộng và áp dụng trong toàn hệ thống giáo dục phổ thông Việt Nam. Đặc biệt, mô hình tập huấn phân tầng từ giáo viên cốt cán đến giáo viên chủ nhiệm được xem là phù hợp trong bối cảnh nguồn lực hạn chế.

Qua 3 giai đoạn triển khai, kết quả cho thấy, sau tập huấn, 100% giáo viên chủ nhiệm nắm được kiến thức cơ bản về tư vấn tâm lý, gần 80% có thể áp dụng kỹ năng vào thực tế. Tỉ lệ học sinh sẵn sàng chia sẻ khó khăn với giáo viên đạt 92,5%, vượt xa mục tiêu đề ra. Giáo viên chủ nhiệm cũng thay đổi nhận thức rõ rệt, chuyển từ bị động sang chủ động đồng hành cùng học sinh trong các vấn đề tâm lý.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy - Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở GDĐT Nghệ An) cho biết: Công tác phối hợp giữa gia đình - nhà trường - xã hội có vai trò quan trọng trong việc tư vấn tâm lý cho học sinh, hỗ trợ các em phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực, đối phó với những thách thức trong học tập và cuộc sống. Trong đó, giáo viên chủ nhiệm vừa là chủ thể phối hợp vừa là đối tượng tham vấn nhà trường trong việc xây dựng mối quan hệ phối hợp giữa nhà trường và xã hội, tư vấn cho gia đình về sử dụng mối quan hệ với xã hội để tư vấn cho học sinh.

Như vậy khi giáo viên chủ nhiệm “gánh” cả hai vai, vừa là người thầy truyền đạt kiến thức, vừa là chuyên gia tâm lý để các em tin tưởng bày tỏ, chia sẻ thì hiệu quả công tác tư vấn tâm lý học đường sẽ tốt hơn. Mục tiêu hướng tới là xây dựng môi trường học tập an toàn, thân thiện, lành mạnh và bình đẳng.

Dung Hòa

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/giao-vien-chu-nhiem-ganh-ca-2-vai-10311410.html