Tiếp thêm động lực cho nhà giáo tận tâm, tận hiến với nghề
Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV thông qua Luật Nhà giáo. Luật gồm 9 chương, 42 điều, có hiệu lực từ ngày 1/1/2026. Luật Nhà giáo được kỳ vọng là cơ sở pháp lý chăm lo, phát triển, bồi dưỡng, quản trị đội ngũ nhà giáo một cách hệ thống, bài bản và mang tính ổn định, bền vững trong tương lai.

Luật Nhà giáo tiếp thêm động lực để giáo viên mầm non yêu, gắn bó với nghề hơn.
Từ bao năm qua, nhà giáo vẫn gánh trên vai trọng trách nặng nề nhưng thu nhập lại ở mức khiêm tốn. Nhiều thầy, cô phải gác lại đam mê để chuyển nghề hoặc lặng lẽ "làm thêm" nghề tay trái để có kinh phí trang trải cuộc sống. Vì thế, Luật Nhà giáo quy định mức lương của nhà giáo sẽ được xếp ở bậc cao nhất trong hệ thống lương hành chính sự nghiệp, quyết định này đã mang lại sự yên tâm cho đội ngũ nhà giáo, giúp họ thêm tin tưởng và gắn bó với nghề.
Thầy giáo Phạm Trịnh Cương Chính, Trường THPT Phạm Ngũ Lão bày tỏ: Quy định xếp bậc lương cao nhất cho nhà giáo trong hệ thống hành chính sự nghiệp không đơn thuần là cải thiện thu nhập mà còn là sự ghi nhận, là động lực để giáo viên có trách nhiệm hơn với công việc của mình. Khi giáo viên được trả công xứng đáng, họ có thể tập trung toàn tâm cho việc dạy học, đầu tư vào chuyên môn.

Luật Nhà giáo quy định mức lương giáo viên sẽ xếp ở bậc cao nhất trong hệ thống hành chính sự nghiệp.
Theo quy định của Luật Nhà giáo, giáo viên vùng khó khăn, giáo viên mầm non, dạy hòa nhập, nghệ thuật… được hưởng thêm các khoản phụ cấp đặc thù, trách nhiệm, ưu đãi, trợ cấp vùng khó khăn, trợ cấp giáo dục hòa nhập, trợ cấp thâm niên.
Cô Nguyễn Thị Oanh, giáo viên Trường Mầm non 19-5 phấn khởi chia sẻ: Đội ngũ giáo viên mầm non lâu nay vẫn còn nhiều thiệt thòi và vất vả. Vì thế, Luật Nhà giáo quy định rõ về chính sách đãi ngộ đối với giáo viên mầm non, tôi cảm thấy như được tiếp thêm niềm tin để gắn bó, yêu nghề hơn. Tôi mong muốn Luật Nhà giáo đi vào cuộc sống sẽ phát huy hiệu quả, giá trị trong thực tiễn.
Trong nhiều năm, chúng ta coi việc dạy học là thiên chức, vô hình trung khiến giáo viên gánh thêm áp lực vô hình, không dám đòi hỏi quyền lợi chính đáng. Luật Nhà giáo ra đời đã điều chỉnh quan điểm và nhận thức đó; khẳng định nhà giáo là người lao động có trình độ chuyên môn, có quyền và nghĩa vụ rõ ràng, cần được xã hội trân trọng.
Những vụ việc xúc phạm giáo viên, xâm phạm danh dự, thậm chí bạo hành thầy, cô giáo trong thời gian qua đã làm dấy lên nhiều tranh cãi trong dư luận. Luật Nhà giáo quy định rõ quyền được tôn trọng, bảo vệ danh dự, nhân phẩm và cơ chế xử lý nghiêm minh với các hành vi xúc phạm nhà giáo, bao gồm cấm cá nhân, tổ chức phát tán thông tin quy kết nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan chức năng. Đây là điểm nhấn quan trọng nhằm bảo vệ nhà giáo khỏi các áp lực xã hội phi lý và giữ gìn môi trường sư phạm an toàn, văn minh.
Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Ngân, Hiệu trưởng Trường THPT Văn Giang cho biết: Luật Nhà giáo không chỉ là một văn bản pháp luật ngành, mà là biểu tượng cho sự thay đổi cách nhìn nhận về giáo dục và người làm giáo dục. Nó mở ra kỳ vọng lớn về việc xây dựng xã hội học tập, lấy con người làm trung tâm, đề cao giá trị tri thức và đạo đức. Khi thầy cô được quan tâm, tôn vinh đúng mức, chất lượng giáo dục sẽ nâng cao, học sinh sẽ được học trong một môi trường nhân văn, tiến bộ, góp phần xây dựng nền giáo dục phát triển toàn diện.
Việc Quốc hội thông qua Luật Nhà giáo không chỉ đáp ứng yêu cầu thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng về phát triển giáo dục, mà còn là bước đi mạnh mẽ để nâng tầm vị thế, chăm lo thiết thực đời sống đội ngũ nhà giáo - những người đang miệt mài "trồng người" cho đất nước. Điều mà đội ngũ nhà giáo mong mỏi lúc này là Luật Nhà giáo sau khi có hiệu lực sẽ sớm được triển khai hiệu quả, đi vào cuộc sống và phát huy đầy đủ giá trị trong thực tiễn.