Giáo viên có phải tham gia dự giờ giảng của đồng nghiệp hay không?

Nhiều giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông phản ánh họ được hiệu trưởng yêu cầu phải dự giờ đồng nghiệp 4 tiết một học kì. Việc buộc giáo viên phải dự giờ giảng của đồng nghiệp theo quy định nào?

Một tiết dự giờ giảng của giáo viên và học sinh. Ảnh: HV

Một tiết dự giờ giảng của giáo viên và học sinh. Ảnh: HV

Theo các quy định hiện hành, giáo viên tiểu học vẫn còn sử dụng sổ dự giờ và thực hiện hoạt động dự giờ. Trong khi đó, không còn quy định về sử dụng sổ dự giờ đối với giáo viên cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Không quy định số tiết dự giờ bắt buộc

Tại Luật Giáo dục 2019 và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan đều không có quy định cụ thể về hoạt động dự giờ.

Trước đây, hoạt động dự giờ được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 7 Thông tư 12/2009/TT-BGDĐT (đã hết hiệu lực) như sau:

2. Mỗi năm học, nhà trường thực hiện hiệu quả các hoạt động dự giờ, hội giảng, thao giảng và thi giáo viên dạy giỏi các cấp.

a) Lãnh đạo nhà trường (Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng) đảm bảo dự ít nhất 01 tiết dạy/giáo viên; tổ trưởng, tổ phó đảm bảo dự giờ giáo viên trong tổ chuyên môn ít nhất 04 tiết dạy/giáo viên; mỗi giáo viên thực hiện ít nhất 02 bài giảng có ứng dụng công nghệ thông tin, 04 tiết dạy của hội giảng hoặc thao giảng do nhà trường tổ chức và 18 tiết dự giờ đồng nghiệp trong hoặc ngoài nhà trường.

Tuy nhiên, Thông tư 12/2009/TT-BGDĐT đã được thay thế bằng Thông tư 42/2012/TT-BGDĐT và đến năm 2018 tiếp tục được thay thế bằng Thông tư 18/2018/TT-BGDĐT. Trong đó, cả hai Thông tư này đều không còn quy định về hoạt động dự giờ của giáo viên nữa.

Như vậy, quy định trên không còn quy định các hoạt động dự giờ cụ thể của giáo viên.

Giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông không còn phải dự giờ

Hiện nay, chỉ có giáo viên tiểu học còn sử dụng sổ dự giờ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 21 Điều lệ trường tiểu học ban hành kèm Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT. Trong đó, hồ sơ quản lý hoạt động giáo dục của giáo viên bao gồm: Kế hoạch bài dạy; Sổ ghi chép sinh hoạt chuyên môn, dự giờ và theo dõi đánh giá kết quả học tập của học sinh; Sổ chủ nhiệm (đối với giáo viên chủ nhiệm); Sổ công tác Đội (đối với Tổng phụ trách Đội).

Đối với giáo viêntrung học cơ sở, trung học phổ thông

Tại Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường có nhiều cấp học ban hành kèm Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT, trong hệ thống hồ sơ quản lý hoạt động giáo dục đã không còn quy định về "sổ ghi kế hoạch giảng dạy và ghi chép sinh hoạt chuyên môn, dự giờ, thăm lớp" như các văn bản trước.

Cụ thể, tại khoản 3 Điều 21, hệ thống hồ sơ quản lý hoạt động giáo dục của giáo viên bao gồm: Kế hoạch giáo dục của giáo viên (theo năm học); Kế hoạch bài dạy (giáo án); Sổ theo dõi và đánh giá học sinh; Sổ chủ nhiệm (đối với giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp).

Ngoài ra, các văn bản quy phạm pháp luật khác cũng không có quy định về hoạt động dự giờ, thăm lớp.

Như vậy, giáo viên tiểu học vẫn còn sử dụng sổ dự giờ và thực hiện hoạt động dự giờ. Trong khi đó, không còn quy định về sử dụng sổ dự giờ đối với giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Giáo viên chủ nhiệm được quyền dự giờ lớp do mình chủ nhiệm

Mặc dù hiện nay không có quy định cụ thể về hoạt động dự giờ, tuy nhiên riêng với giáo viên chủ nhiệm, tại điểm a khoản 2 Điều 29 Điều lệ trường tiểu học và điểm a khoản 2 Điều 29 Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường có nhiều cấp học có nhiều cấp học đều quy định: "Giáo viên chủ nhiệm có quyền được dự các giờ học, hoạt động giáo dục khác của học sinh lớp do mình làm chủ nhiệm."

Như vậy, giáo viên chủ nhiệm của cả 3 cấp học đều có quyền được tham gia dự giờ với mà mình làm chủ nhiệm.

Tóm lại, hiện nay không có quy định về số tiết dự giờ của giáo viên cũng như yêu cầu cụ thể về việc tổ chức hoặc tham gia dự giờ. Đồng thời, chỉ có giáo viên tiểu học còn sử dụng sổ dự giờ. Giáo viên trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông không còn sử dụng sổ này.

Các trường cần biết rõ các quy định trong thông tư và Luật, tránh tình trạng ép buộc giáo viên, không có lợi ích cho việc dạy và học của cả giáo viên dự giờ và giáo viên được dự giờ, khiến việc chuẩn bị tốn thời gian, hình thức. Cá biệt có trường "ép" giáo viên phải đi dự giờ ở trường bạn xa hàng chục cây số cần đối chiếu quy định để loại bỏ.

Phan Anh

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/giao-vien-co-phai-tham-gia-du-gio-giang-cua-dong-nghiep-hay-khong-179231213093628445.htm