Giáo viên là Tổ trưởng chuyên môn: Nhiều việc - phụ cấp ít, áp lực nhiều

Công việc của tổ trưởng, tổ phó chuyên môn ở các nhà trường phổ thông rất nhọc nhằn, nhất là khi ngành giáo dục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Ở các nhà trường phổ thông, tổ trưởng, tổ phó chuyên môn đóng một vai trò, vị trí rất quan trọng trong việc chuẩn bị điều kiện thực hiện các hoạt động dạy và học.

Đặc biệt, tổ trưởng chuyên môn thường được ví như cánh tay nối dài của hiệu trưởng, trực tiếp điều hành các công việc cụ thể trong hoạt động chuyên môn.

Công tác tổ trưởng chuyên môn là một trong những yếu tố quyết định đến hiệu quả hoạt động của tổ chuyên môn, góp phần quan trọng đến chất lượng giáo dục của nhà trường.

Công việc của tổ trưởng, tổ phó chuyên môn rất nhọc nhằn nhất là khi ngành giáo dục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Theo đó, vào đầu năm học, tổ trưởng chuyên môn phải xây dựng và thực hiện kế hoạch hoạt động chung của tổ, hướng dẫn xây dựng và quản lý kế hoạch cá nhân của tổ viên theo kế hoạch dạy học, phân phối chương trình và các hoạt động giáo dục khác của nhà trường.

Chỉ riêng việc duyệt đề cương và tài liệu tham khảo phục vụ cho việc giảng dạy thì công việc này đã chiếm hết thời gian của tổ trưởng chuyên môn. Tổ trưởng chuyên môn phải đọc hết các bộ sách giáo khoa và thẩm định các tài liệu tham khảo là việc không mấy dễ dàng.

Cùng với đó là việc tổ chức bồi dưỡng chuyên môn và nghiệp vụ, tham gia đánh giá, xếp loại các thành viên của tổ theo quy định của Chuẩn nghề nghiệp giáo viên trung học và các quy định khác hiện hành.

Việc bồi dưỡng chuyên môn và nghiệp vụ cho giáo viên được thực hiện qua các hoạt động như tổ chức dạy thao giảng, tham gia dự giờ thăm lớp, góp ý chuyên môn cho giáo viên và các hoạt động ngoại khóa có liên quan.

Ngoài ra, tổ trưởng chuyên môn còn đề xuất hiệu trưởng khen thưởng, kỷ luật đối với giáo viên. Theo quy định hiện hành, việc đánh giá xếp loại viên chức giáo viên cuối năm chỉ được 20% số lượng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Việc đánh giá, cân nhắc từng cá nhân làm sao được minh bạch, khách quan để không gây mâu thuẫn nội bộ là rất khó khăn, áp lực. Đã có một số tổ trưởng chuyên môn do không chịu được áp lực công việc nên đã xin thôi chức.

Vì vậy, để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao thì đòi hỏi tổ trưởng chuyên môn phải có năng lực lãnh đạo, quản lý, có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng. Tổ trưởng chuyên môn phải có khả năng tập hợp giáo viên trong tổ, biết lắng nghe, tạo sự đoàn kết trong tổ, gương mẫu, công bằng, kiên trì, khéo léo trong giao tiếp, ứng xử.

Tuy vậy, theo dự thảo Thông tư Quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, dự bị đại học, tổ trưởng, tổ phó chuyên môn nếu đã được nhận tiền thù lao hoặc tiền phụ cấp thì không được quy đổi ra tiết dạy. Điều này khiến không ít tổ trưởng, tổ phó chuyên môn chạnh lòng, "tâm tư".

Hiện nay, giáo viên làm tổ trưởng chuyên môn trường trung học phổ thông được giảm 3 tiết dạy một tuần và nhận 0,25 phụ cấp, tương đương khoảng vài ba trăm nghìn đồng mỗi tháng tùy theo hệ số lương. Tương tự, tổ phó chuyên môn được giảm 1 tiết dạy một tuần và nhận 0,15 phụ cấp, quy ra tiền chẳng đáng là bao.

Nhiều giáo viên mong Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát lại nội dung, nếu tổ trưởng, tổ phó chuyên đã được nhận tiền thù lao hoặc tiền phụ cấp thì không được quy đổi ra tiết dạy, để có sự điều chỉnh sao cho phù hợp, thỏa đáng với công sức của họ.

Ly Hương

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/giao-vien-la-to-truong-chuyen-mon-nhieu-viec-phu-cap-it-ap-luc-nhieu-179240818162658798.htm