Giáo viên mong môn Công nghệ, Tin học có mặt trong tổ hợp xét tuyển đại học

Năm 2025, lần đầu tiên Công nghệ, Tin học trở thành môn thi tốt nghiệp THPT, nhiều giáo viên mong 2 môn này được đưa vào tổ hợp xét tuyển.

Năm 2025 là năm đánh dấu cột mốc quan trọng trong lộ trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục khi cả nước sẽ có lứa học sinh đầu tiên học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thi tốt nghiệp.

Bắt đầu từ năm 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông với 4 môn thi, gồm 02 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn, 02 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ).

Như vậy, so với kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông hiện nay, số môn thi từ năm 2025 sẽ giảm đi 2 môn. Bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) và Khoa học Xã hội (Sử, Địa, Giáo dục công dân) không còn.

Với phương án này, lần đầu tiên Tin học và Công nghệ trở thành môn thi tốt nghiệp.

Chưa nhiều học sinh “mặn mà”

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Trần Đình Mạnh, Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Tương Dương 2, Nghệ An chia sẻ, với phương án thi tốt nghiệp năm 2025 thí sinh chỉ phải thi 4 môn (Toán, Ngữ văn bắt buộc và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12).

Theo đó, nhà trường đã cho học sinh đăng kí học 2 môn tự chọn, xây dựng các tổ hợp có môn Tin học, Công nghệ cho học sinh lựa chọn, từ đó triển khai ôn tập theo định hướng của các em.

Với môn Công nghệ, có lớp các em sẽ chọn học theo môn Công nghệ nông nghiệp hoặc Công nghệ công nghiệp. Tương tự, với môn Tin học cũng sẽ được các em lựa chọn, đăng kí học, nhà trường có định hướng cho học sinh theo nhu cầu để chọn môn thi phù hợp.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng lên phương án tổ chức dạy học và ôn tập cho học sinh, xây dựng kho học liệu chất lượng phục vụ tổ chức dạy học, ôn tập.

Tuy nhiên, vì là năm đầu tiên môn Tin học và Công nghệ trở thành môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông nên số lượng học sinh lựa chọn còn ít hơn nhiều so với các môn khác.

Nhà trường vẫn tổ chức ôn tập cho các em có nhu cầu lựa chọn 2 môn này, như một lớp có 3 đến 4 em đăng kí, lớp khác có khoảng 5 đến 7 em đăng kí, nhà trường sẽ tập trung lại một lớp để ôn tập cho học sinh.

 Ảnh minh họa.V.D

Ảnh minh họa.V.D

Theo thầy Nguyễn Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Đồng Quan, Hà Nội, nhà trường đã tiến hành khảo sát học sinh từ cuối năm lớp 11 về nguyện vọng, đăng kí dự kiến môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2025.

Tuy nhiên qua thống kê, nhà trường không có số lượng học sinh đăng kí thi 2 môn này.

Theo thầy Bình, tới đây nếu có học sinh đăng kí 2 môn này, nhà trường sẽ có kế hoạch ôn tập đảm bảo chất lượng cho các em. Đồng thời cũng chỉ đạo ban chuyên môn, giáo viên tìm hiểu, định hướng theo đề minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo để tìm hiểu, cho học sinh luyện tập giúp các em đạt được kết quả tốt.

Còn tại Trường Trung học phổ thông Cổ Loa, (Đông Anh, Hà Nội), cô Đỗ Thị Định - Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, nhà trường đã cho học sinh đăng kí để dự kiến xem các em thi môn nào, chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025.

Tuy nhiên, nhà trường không có học sinh đăng kí thi 2 môn này, nếu học sinh có đăng kí 2 môn này với số lượng ít, nhà trường vẫn sẽ tổ chức ôn tập cho các em.

Một phần lí do số lượng học sinh lựa chọn thi môn Công nghệ, Tin học còn ít vì đây là năm đầu tiên thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo chương trình mới, hầu như chưa có trường đại học nào có sử dụng tổ hợp xét tuyển có 2 môn này.

Đồng quan điểm, theo thầy Mạnh, việc ít hoặc chưa có trường đại học nào sử dụng tổ hợp xét tuyển có liên quan đến môn Công nghệ và Tin học cũng là một trong những lý do kém thu hút học sinh.

Thầy Mạnh cũng băn khoăn, vì 2 môn này lần đầu tiên trở thành môn thi, cả học sinh và giáo viên đều bỡ ngỡ vì chưa có tiền lệ để học hỏi, đúc rút kinh nghiệm từ những kỳ thi trước. Điều quan trọng nhất, lựa chọn môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông của thí sinh phụ thuộc lớn vào các tổ hợp môn xét tuyển đại học.

Mong môn học có mặt trong tổ hợp xét tuyển đại học

Bàn về vấn đề này, thầy Mạnh chia sẻ, mong các trường đại học đưa môn Tin học và Công nghệ vào tổ hợp xét tuyển để tăng tính cạnh tranh và cơ hội cho học sinh.

Đồng thời, để học sinh mạnh dạn lựa chọn hai môn này trong Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, nếu các trường đại học đưa môn Tin học và Công nghệ vào tổ hợp xét tuyển sẽ thu hút học sinh, giúp người học, phụ huynh yên tâm hơn khi lựa chọn và định hướng nghề nghiệp tương lai.

Việc có đủ thông tin giúp học sinh không đánh mất cơ hội lựa chọn ngành học yêu thích, phù hợp năng lực và tránh chỉ tập trung vào các tổ hợp truyền thống, quen thuộc.

Đồng quan điểm, theo cô Định, từ năm lớp 10, học sinh đã tiến hành chọn tổ hợp môn học. Bên cạnh đó, nhà trường cũng có định hướng cho học sinh chọn nghề nghiệp nên việc lựa chọn môn học rất quan trọng với định hướng tương lai của các em.

Vì vậy, rất mong muốn các trường đại học tăng cường thông tin về tổ hợp xét tuyển liên quan đến đến môn Công nghệ, Tin học. Đồng thời có thể sớm công bố phương án tuyển sinh để các trường trung học phổ thông có sự chuẩn bị lâu dài, kĩ lưỡng giúp các em học sinh ôn tập tốt hơn.

Ở góc độ của trường đại học, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tô Văn Phương – Trưởng phòng Đào tạo Đại học, Trường Đại học Nha Trang cho biết, trong bối cảnh mới, môn Tin học và Công nghệ rất quan trọng cho học sinh lớp 12, là nền tảng để phân luồng, hướng nghiệp sau này.

Trường Đại học Nha Trang đã chủ động định hướng đối với các ngành liên quan đến công nghệ thông tin (ngành Công nghệ thông tin, Khoa học máy tính, Hệ thống thông tin quản lý…) cần phải trang bị môn học Tin học và công nghệ thì mới đủ điều kiện xét tuyển vào trường.

 Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tô Văn Phương – Trưởng phòng Đào tạo Đại học, Trường Đại học Nha Trang. Ảnh: NVCC.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tô Văn Phương – Trưởng phòng Đào tạo Đại học, Trường Đại học Nha Trang. Ảnh: NVCC.

Trường Đại học Nha Trang là trường đầu tiên cả nước đã chủ động nghiên cứu, xây dựng và công bố phương án tuyển sinh năm 2025 để thích ứng với Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Theo đó, tổ hợp xét tuyển đã được nghiên cứu theo cách tiếp cận khác, phù hợp với bối cảnh mới. Cụ thể, trường chủ động công bố cho xã hội nói chung, học sinh trung học phổ thông nói riêng biết được các môn học cần phải được học tập, trang bị ở cấp trung học phổ thông để có thể theo học một ngành cụ thể nào đó.

Ví dụ, nếu muốn học ngành Nuôi trồng thủy sản hay ngành Công nghệ thực phẩm thì học sinh phải học tối thiểu các môn như Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Sinh học, Hóa học; hoặc nếu muốn học ngành Kỹ thuật cơ khí thì cần phải trang bị các môn học như Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lý.

Cũng theo thầy Phương, các trường đại học rất nên chủ động nghiên cứu và công bố phương án tuyển sinh sớm để học sinh chủ động lựa chọn môn học phù hợp với ngành nghề đào tạo, ngay từ lớp 10.

Công bố phương án tuyển sinh vừa là trách nhiệm xã hội vừa là quyền lợi của các trường. Điều này có vai trò quan trọng giúp công tác định hướng nghề nghiệp cho học sinh được đầy đủ và hiệu quả; giúp cho các trường đại học có cơ hội tuyển chọn người học phù hợp, giảm gánh nặng trong việc bổ sung thêm kiến thức mà sinh viên chưa được trang bị ở bậc trung học phổ thông.

Thu Trang

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-vien-mong-mon-cong-nghe-tin-hoc-co-mat-trong-to-hop-xet-tuyen-dai-hoc-post244836.gd