Giáo viên mong muốn được bỏ cơ chế thăng hạng chức danh nghề nghiệp

Bỏ cơ chế xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức giúp tháo gỡ sự bất cập trong việc chuyển hạng, xếp lương giáo viên công lập hiện nay.

Vừa qua, chia sẻ với truyền thông về việc nâng ngạch công chức và thăng hạng chức danh nghề nghiệp, Bộ Nội vụ đề xuất Việt Nam cần xem xét tăng lương cho viên chức và bỏ cơ chế xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

Đề xuất của Bộ Nội vụ nhận được nhiều sự đồng tình của giáo viên mầm non và phổ thông công lập. Bởi vì, việc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên hiện nay tồn tại quá nhiều bất cập.

Thứ nhất, trước đây giáo viên muốn thăng hạng chức danh nghề nghiệp thì phải thi, còn bây giờ chỉ xét. Việc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp chưa chọn được giáo viên giỏi chuyên môn, nghiệp vụ, chỉ cần hồ sơ đầy đủ theo quy định là đạt.

Chẳng hạn, Nghị định Nghị định 85/2023/NĐ-CP quy định tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp của viên chức còn chung chung như: có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; đáp ứng yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ.

Thứ hai, giáo viên trước khi được tuyển dụng nếu có bằng thạc sĩ thì được giảm thời gian giữ hạng. Trong khi đó, giáo viên sau khi tuyển dụng đi học, có bằng thạc sĩ thì không được giảm thời gian giữ hạng. Điều này dẫn đến giáo viên trẻ có hệ số lương hơn những người có thâm niên.

Cụ thể, giáo viên trung học phổ thông hạng III, mã số V.07.05.15, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98. Còn giáo viên trung học phổ thông hạng II, mã số V.07.05.14, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.2, từ hệ số lương 4,0 đến hệ số lương 6,38.

Thứ ba, theo Luật Giáo dục, nhiệm vụ chính của giáo viên là giảng dạy và giáo dục học sinh, nghĩa là họ chỉ có một vị trí việc làm như nhau. Tuy vậy, các Thông tư quy định thăng hạng chức danh nghề nghiệp có liên quan chia giáo viên làm 3 hạng là chưa thỏa đáng.

Chưa kể, Luật Giáo dục quy định giáo viên bậc phổ thông phải có bằng đại học. Thế nhưng, tiêu chuẩn về trình độ đào tạo đối với giáo viên trung học phổ thông hạng I quy định: có bằng thạc sĩ trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên hoặc có bằng thạc sĩ trở lên chuyên ngành phù hợp với môn học giảng dạy hoặc có bằng thạc sĩ quản lý giáo dục trở lên là chưa thỏa đáng.

Thứ tư, thực tế có không ít giáo viên được thăng hạng nhưng họ không hề làm các công việc chuyên môn ở hạng cao hơn. Lí do, hiệu trưởng không phân công nhiệm vụ cho vụ cho giáo viên. Một số nhiệm vụ khó hơn do tổ trưởng chuyên môn đảm trách.

Ví dụ, một số công việc như làm báo cáo viên, dạy minh họa ở các lớp bồi dưỡng giáo viên từ cấp trường trở lên; dạy thử nghiệm các mô hình, phương pháp, công nghệ mới; chủ trì các nội dung bồi dưỡng và sinh hoạt chuyên đề ở tổ chuyên môn; tham gia xây dựng học liệu điện tử là do tổ trưởng chuyên môn đảm nhiệm.

Thứ năm, quy định nhiệm vụ của giáo viên hạng I chưa sát với thực tiễn dạy học. Ví dụ, hầu hết giáo viên trung học phổ thông không có cơ hội làm các nhiệm vụ như: tham gia biên soạn hoặc thẩm định hoặc lựa chọn sách giáo khoa, tài liệu giáo dục địa phương hoặc các tài liệu dạy học khác và tài liệu bồi dưỡng cho giáo viên.

Cùng với đó, thời gian giữ hạng II quá dài, nhiều giáo viên chưa kịp thăng hạng I thì đã về hưu. Cụ thể, viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng I (mã số V.07.05.13) phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng II (mã số V.07.05.14) hoặc tương đương từ đủ 06 (sáu) năm trở lên.

Điều đáng bàn, trong dự án Luật Nhà giáo vẫn quy định chia hạng giáo viên. Theo đó, căn cứ mức độ phức tạp trong hoạt động nghề nghiệp, chức danh nhà giáo được xếp hạng theo từng cấp học, trình độ đào tạo. Điều này rất cần sự góp ý của các đại biểu Quốc hội trong kì họp sắp tới để Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ cùng tháo gỡ.

Ly Hương

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/giao-vien-mong-muon-duoc-bo-co-che-thang-hang-chuc-danh-nghe-nghiep-179250423140018026.htm