Mỗi gia đình thành công trong nuôi dạy con để xây dựng một đất nước học tập
Với những kết quả rất nhỏ của gia đình chúng tôi trong việc dạy các cháu, chúng tôi cho rằng mình vẫn cần phải học tập thêm ở những gia đình khác tuy có hoàn cảnh khó khăn hơn, nhưng có sự phấn đấu nhiều hơn và các cháu cũng đã đạt thành tích tốt hơn.
Bài dự thi cuộc thi viết "Gia đình học tập" của tác giả Hoàng Xích Việt (Tiền Giang)

Ông Hoàng Xích Việt cùng con trai. Ảnh: nvcc
Những việc làm cụ thể trong giáo dục con cháu trong gia đình
Gia đình tôi là gia đình từ mẹ tôi, tôi và vợ tôi đều là làm nghề dạy học.
Trong sự giáo dục con cái trong gia đình chúng tôi đặc biệt coi trọng việc giáo dục tư tưởng, giáo dục đạo đức cho em trẻ; tôi cho rằng đây là điều tiên quyết cho sự phát triển hoàn thiện sau nầy của bản thân các cháu. Song song đó việc giáo dục truyền thống gia đình cũng được chúng tôi quan tâm đúng mức trong việc dạy dỗ con cháu.
Chúng tôi luôn lấy truyền thống hiếu học và sự thành công trong cuộc sống nhờ học tập tốt của các thành viên trong gia đình, trong dòng họ nội - ngoại hai bên làm tấm gương sáng để nhắc nhở các con phấn đấu noi theo. Đó là nói về tinh thần.
Theo suy nghĩ của chúng tôi, quần áo các cháu chỉ cần tạm đủ mặc, đủ để thay đổi cho sạch sẽ; nhưng việc ăn uống để đảm bảo sức khỏe và vấn đề sách vở, tài liệu, dụng cụ, phương tiện học tập… thì phải thật đầy đủ, không thể thiếu, nếu muốn học tốt.
Với đồng lương cố định khiêm tốn của người viên chức (mà không có làm thêm việc gì khác). Chúng tôi phải suy nghĩ rất nhiều, phải tính toán đủ thứ và phải tiết kiệm hết mức mới có thể lo cho con đầy đủ trong việc học.
Bản thân vợ chồng chúng tôi đều là giáo viên nên có thể đó cũng là một thuận lợi trong việc dạy con. Chúng tôi đã định hướng cho các cháu trong việc học tập, hướng dẫn cách học, theo dõi kết quả để điều chỉnh kịp thời là điều mà chúng tôi luôn quan tâm sâu sát và kịp thời là tôn chỉ của chúng tôi trong việc giáo dục con.
Kết quả và sự phấn đấu trong học tập mà hai con chúng tôi đạt được không có gì lớn lao, còn kém sút hơn nhiều so với con em những gia đình khác. Thật lòng chúng tôi hoàn toàn không có gì vui mừng về việc hai con tôi hiện đều đã học xong chương trình thạc sĩ sau khi các cháu đã tốt nghiệp đại học cách đây vài năm.
Chúng tôi lại thật sự hết sức hãnh diện khi thấy các cháu nhờ được sự giáo dục chu đáo của thầy, cô và gia đình mà nay đã trở thành những người: có sức khỏe tốt, có hiếu và biết kính yêu cha mẹ; biết nhớ ơn ông bà, thầy cô, không "vô cảm" mà biết quan tâm lo lắng cho những người chung quanh.
Các cháu ham học hỏi, đặc biệt là có ý thức rèn luyện bản thân, không tự phụ về kiến thức mình đã học và đã có, không hài lòng về việc mình đang làm, mà luôn luôn có gắng học hỏi, học ở mọi lĩnh vực, học ở mọi lúc, mọi nơi, học để kịp với mọi người, với bạn bè trên thế giới, học để không lạc hậu và nhất là học tập về môi trường số mỗi ngày mỗi thay đổi và mỗi sáng tạo, học tập suốt đời để hòa nhập cộng đồng, hòa nhập thế giới văn minh, tiến bộ.
Sự học trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước
Gia đình chúng tôi quan niệm rằng, sự học là rất cần thiết cho sự hình thành nhân cách của một con người, đem lại sự phồn vinh cho xã hội, tạo nên sự phát triển giàu mạnh cho một đất nước.
Chúng ta không thể tưởng tượng một quốc gia cường thịnh, một xã hội văn minh mà lại không có những con người được giáo dục chu đáo, được học hành đầy đủ. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng quan niệm rằng sự thành đạt của một con người không phải chỉ ở bằng cấp mà họ có được. Có kiến thức, có năng lực chuyên môn rõ ràng là một sự rất cần, không thể thiếu được nếu muốn cống hiến, đóng góp có hiệu quả cho sự phát triển của xã hội.
Tuy vậy vẫn không thể coi là đủ nếu con người thiếu nhân cách, thiếu đạo đức, không biết yêu thương gia đình, Tổ quốc. Có chuyên mà không có hồng, tôi nghĩ rằng ở một khía cạnh nào đó, có khi còn nguy hiểm hơn những người tuy không được học hành đầy đủ nhưng lại có đạo đức tốt.
Về tầm quan trọng của việc học, thiết nghĩ chắc không cần phải bàn luận sâu thêm.
Chúng ta, ai cũng thấy rõ rằng: Không một con người nào không lấy sự học làm phương tiện phát triển nhân cách, nâng cao kiến thức; không một quốc gia nào không lấy sự học làm biện pháp để được trở nên hùng mạnh, văn minh, dân chúng có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Chúng tôi nhận thấy tính "hiếu học" là một truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam từ ngàn xưa đến nay, nhân dân ta không những hiếu học mà còn rất chăm chỉ và thông minh. Đây là những đức tính rất quí báu để đất nước phát triển, xã hội phồn vinh, cuộc sống người dân sẽ trở nên sung túc.
Tuy vậy, thực tế trong bước chuyển mình để phát triển, chúng ta phải thừa nhận một điều là đời sống của một bộ phận không ít người dân còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Con em của họ khó tránh khỏi bị buộc phải bỏ học nữa chừng và nếu không có cách gì giúp đỡ, các em tất yếu phải chịu cảnh thất học.
Rất mừng là bước vào kỷ nguyên mới, các cấp lãnh đạo đã thấy được tầm quan trọng của khuyến học, khuyến tài, đẩy mạnh khuyến học là rất đúng đắn, nhằm từng bước nâng cao dân trí cho toàn bộ người dân, đặc biệt cho đối tượng học sinh trong độ tuổi, còn học sinh phổ thông không phải bị bỏ học.
Vai trò của khuyến học là rất cần thiết, ngày càng rõ nét và rất quan trọng đối với mọi con em trong khu phố, trong phường, đặc biệt đối với những học sinh có gia đình khó khăn, có nguy cơ phải bỏ học.
Sự nghiệp khuyến học của Hội Khuyến học Việt Nam luôn là hành động cao cả
Gần đây Hội Khuyến học Việt Nam luôn phát động mọi người phải luôn có ý thức học tập, học tập suốt đời, mỗi cá nhân có ý thức đăng ký phấn đấu là cá nhân học tập, mỗi gia đình phấn đấu cùng nhau xây dựng: Gia đình học tập; Mỗi đơn vị luôn phát động xây dựng: Đơn vị học tập và mỗi cộng đồng cùng nhau xây dựng Cộng đồng học tập. Từ đó nước Việt Nam ta sẽ rạng danh với Đất nước học tập.
Chỉ cần như vậy thôi chúng tôi cho rằng mình đã thành công trong việc góp phần dạy con.
Nước có giàu mạnh, văn minh; dân có ấm no, hạnh phúc hay không là do trình độ dân trí của nước đó. Vì vậy giáo dục không phải là công việc của riêng ai, không phải chỉ là của chính quyền hay là của thầy cô trong nhà trường, mà đó là sự nghiệp của toàn dân. Không một người dân nào có trách nhiệm với quốc gia, dân tộc mà lại có thể làm ngơ, lơ là với công tác giáo dục của đất nước mình. Hỗ trợ cho công tác giáo dục là bổn phận, là trách nhiệm của mỗi con người chúng ta.
Sự học vốn dĩ vô tận, rất nhiều và đa dạng về nội dung. Nó cũng rất phong phú về hình thức. Học ở trường thì mênh mông, học ở ngoài đời thì vô cùng, không giới hạn. Còn sống là còn phải học.
Vì vậy với những kết quả rất nhỏ của gia đình chúng tôi trong việc dạy các cháu, chúng tôi cho rằng mình vẫn cần phải học tập thêm ở những gia đình khác tuy có hoàn cảnh khó khăn hơn, nhưng có sự phấn đấu nhiều hơn và các cháu cũng đã đạt thành tích tốt hơn. Ngoài ra chúng tôi cũng nhân dịp này xin chân thành cảm ơn các bậc lãnh đạo đã luôn quan tâm, khích lệ con em chúng tôi trên con đường học tập.