Giáo viên nghỉ việc nhiều là bất thường, cần cấp bách giải quyết

Giáo viên nghỉ nhiều trong bối cảnh đổi mới giáo dục phổ thông (GDPT), xảy ra ở nhiều đô thị lớn là vấn đề bát thường.

Chiều 27-10, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023,

Trong phiên thảo luận buổi sáng, ĐB Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) khi phát biểu về vấn đề giáo viên nghỉ việc thời gian qua đã cho rằng, vấn đề đặt ra là chúng ta đang thực hiện khuyến khích việc xã hội hóa, nên việc mà giáo viên rời khỏi khu vực công và chuyển sang khu vực tư đó là chuyện rất bình thường.

“Điều quan trọng nhất ở đây mà chúng ta cần phải đánh giá đúng là khi rời khỏi khu vực công người ta có tiếp tục làm giáo viên nữa hay không. Nếu như họ chuyển sang làm khu vực tư thì hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Đảng, mà đều là phục vụ cho nhân dân, phục vụ cho sự tăng trưởng và phát triển của đất nước. Ở đây, cần phải đánh giá một cách sát nhất, thực chất nhất để có một giải pháp phù hợp", ĐB Nguyễn Trường Giang nêu.

ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa tranh luận. Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa tranh luận. Ảnh: QUANG PHÚC

Tuy nhiên, tranh luận lại, ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng: Đây là hiện tượng bất thường, vì số giáo viên nghỉ nhiều, lại trong bối cảnh đổi mới giáo dục phổ thông (GDPT) rất cần giáo viên, xảy ra nhiều ở các đô thị lớn, nơi có nhiều khu công nghiệp. Giáo viên nghỉ việc không chỉ do việc giáo viên chuyển dịch từ khối công lập sang khối tư thục. Theo số liệu đầy đủ của cả bậc tiểu học, THCS, THPT cùng thông tin tập hợp từ Cục Nhà giáo, Bộ GD-ĐT cho thấy, số lượng giáo viên nghỉ việc hoàn toàn là số giáo viên chuyển ra khỏi ngành giáo dục, họ chưa có số liệu về khối công lập chuyển sang tư thục.

Qua khảo sát, giám sát đổi mới GDPT, ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa cho biết, đến thời điểm này giáo viên trường công chuyển sang trường tư rất ít. Đây là một hiện tượng không bình thường, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang triển khai đổi mới chương trình GDPT, cần rất nhiều giáo viên, số lượng giáo viên hiện nay là không đảm bảo.

Về nguyên nhân, ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng có vấn đề về lương, có vấn đề về áp lực công việc, có vấn đề liên quan tới việc giáo viên không đủ điều kiện để đáp ứng những yêu cầu của chương trình GDPT mới. Cụ thể, có một bộ phận giáo viên phản ánh là họ được đào tạo một môn nhưng phải dạy tích hợp, họ không đủ tự tin đứng trước học sinh.

Theo ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa, sắp tới ngành giáo dục chắc chắn sẽ phải đối mặt với vấn đề thiếu giáo viên. Do vậy, chúng ta cần phải phân tích thật kỹ những vấn đề liên quan đến tiền lương, điều kiện môi trường làm việc của giáo viên. Ngành giáo dục cần quan tâm thêm đến việc chuẩn bị triển khai chương trình GDPT mới, bởi hiện tại giáo viên đang thiếu rất nhiều, Chính phủ cần phải sớm có cái nhìn về vấn đề này để có ý kiến với Quốc hội giải quyết ngay, không để phức tạp thêm.

ĐB Bố Thị Xuân Linh (Bình Thuận) phát biểu. Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Bố Thị Xuân Linh (Bình Thuận) phát biểu. Ảnh: QUANG PHÚC

Cũng trong chiều 27-10, ĐB Dương Minh Ánh (Hà Nội) cho rằng công tác đào tạo giáo viên hiện chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là yêu cầu đổi mới GDPT; nhiều giáo viên diện hợp đồng chưa đủ tiêu chuẩn, khiến cho nhiều địa phương vẫn thiếu giáo viên trong khi nguồn giáo viên hợp đồng nhiều; tiền lương giáo viên thấp, trong khi áp lực công việc cao, nên chưa hấp dẫn người học. Do đó, ĐB Dương Minh Ánh đề nghị Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu để tăng thêm biên chế giáo viên; xây dựng Luật Nhà giáo; trong khi chờ luật này đề nghị có cơ chế đặc thù để hỗ trợ cho giáo viên, nhất là giáo viên mầm non đang gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó, có chính sách để lực lượng giáo viên hợp đồng hiện nay nâng cao năng lực, đủ tiêu chuẩn để trở thành công chức, viên chức ngành giáo dục.

ĐB Bố Thị Xuân Linh (Bình Thuận) kiến nghị tạm hoãn tăng học phí năm học 2022 - 2023 như nhiều cử tri và đại biểu Quốc hội khác đã kiến nghị. Đề nghị Chính phủ cân nhắc thời điểm tăng học phí nhằm giảm bớt khó khăn cho người dân, nhất là các hộ gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn và đông con trong độ tuổi đi học ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa. Đồng thời ĐB đề nghị Chính phủ, Quốc hội tại kỳ họp này xem xét có chính sách phù hợp hơn.

Đề cập đến vấn đề tăng lương và cải cách tiền lương. ĐB Dương Minh Ánh (Hà Nội) và nhiều ĐB đã đề nghị Chính phủ đẩy thời gian tăng lương cơ sở lên ngay từ 1-1-2023 thay vì 1-7-2023 như đề xuất. Cùng với đó đẩy nhanh lộ trình thực hiện chính sách cải cách tiền lương như Nghị quyết 27 của Trung ương; đồng thời cũng cần tính toán việc tăng lương hưu cho các lao động đã về hưu..

PHAN THẢO

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn//giao-vien-nghi-viec-nhieu-la-bat-thuong-can-cap-bach-giai-quyet-852035.html