Giáo viên nhận định: đề văn dễ đạt điểm 7
Đề văn theo đúng định hướng, có tính mở và không đánh đố học trò.
Sáng nay, hơn 96.000 thí sinh đã hoàn thành bài thi đầu tiên của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 - môn ngữ văn.
Đánh giá về đề thi, cô Phạm Thanh Xuân, giáo viên Trường THCS Lê Quý Đôn, quận 3 cho biết đề ra đúng theo định hướng đã thông báo. Một chủ đề có tính xuyên suốt. Câu hỏi không đánh đố, gợi mở rõ ràng. Chủ đề gần gũi với các em: khi yêu thương chưa được cất thành lời.
"Tôi thích nhất là nghị luận xã hội vì nói đúng vào thực tế hiện nay. Các em ngại nói những suy nghĩ của bản thân vì có thể nhiều lý do. Trong đó, phần lớn nguyên nhân các em không biết giãi bày suy nghĩ, lời yêu thương bằng cách nào. Câu lệnh tạo cảm hứng để em viết về điều mình đang trăn trở" - cô Xuân bày tỏ.
Theo cô Xuân, câu nghị luận văn học có tính mới thể hiện rõ qua việc để cho em được lựa chọn 1 trong 2 đề. Đề 1 các em cũng rộng mở chọn đoạn thơ gợi cho em tình yêu nước của con người Việt Nam. Học sinh không phải bó buộc vào một đoạn thơ nào, em được chọn đúng đoạn thơ đã truyền tình yêu nước đầy xúc động đến với em. Có thể các em sẽ chọn Mùa xuân nho nhỏ (khổ 2,3 hoặc 4,5); Bài thơ về tiểu đội xe không kính; Nói với con;... đều được.
Đề 2 gắn liền với tình huống cụ thể để em vận dụng kĩ năng viết văn vào cuộc sống. Và qua đó cũng khơi gợi tình yêu đối với sách.
Tương tự, cô Nguyễn Thị Liên Chi, giáo viên Trường THCS Lê Văn Tám, quận Bình Thạnh cho biết đề thi rất hay.
Câu nghị luận văn học, chủ đề sáng tạo, hay, gần gũi với lứa tuổi học sinh. Các em dễ dàng chọn tác phẩm để làm sáng tỏ chủ đề, trình bày suy nghĩ của mình.
"Đề văn dù không quá khó nhưng học sinh không thể học tủ. Với đề 1 của câu nghị luận văn học, nếu các em đọc không kỹ đề sẽ có thể chọn tác phẩm truyện để phân tích. Như vậy, các em sẽ bị lạc đề bởi đề yêu cầu đoạn thơ, khổ thơ. Thực tế, vẫn có một vài em vì thấy chủ đề quen thuộc, không chú ý yêu cầu đã chọn truyện để làm. Vấn đề này bản thân tôi luôn lưu ý học sinh trong quá trình ôn tập" - cô Chi nói.
Đối với câu nghị luận xã hội, đi vào vấn đề thực tế, dạng đề cũng đã được ôn tập nên sẽ không làm khó thí sinh. Đề khá ổn, vừa sức của học sinh nhưng đòi hỏi các em phải biết phân bố thời gian làm bài và có kỹ năng lập luận chặt chẽ. Đề này, thí sinh dễ dàng đạt điểm trên trung bình.
Nguồn PLO: https://plo.vn/giao-vien-nhan-dinh-de-van-de-dat-diem-7-post736639.html