Giáo viên Tây trải nghiệm Tết ta
Được đón Tết Nguyên đán là niềm hạnh phúc của nhiều giáo viên nước ngoài công tác tại Việt Nam.
Đây không chỉ là cơ hội được trải nghiệm đất nước, con người Việt mà còn tiếp thêm hiểu biết, tình yêu, động lực để họ gắn bó với công việc dạy học trên mảnh đất hình chữ S.
Trải nghiệm có 1 không 2
Thầy Michael Lomax (đến từ Anh), giảng viên ngành Quản trị Marketing, Trường ĐH Anh Quốc Việt Nam chia sẻ: Tôi rất thích Tết cổ truyền của Việt Nam. Tết Nguyên đán của các bạn khiến tôi nhớ về dịp lễ Giáng Sinh ở Anh. Tôi thích việc mọi người đoàn tụ với nhau cuối năm và cùng nhau ăn tất niên, đón năm mới và trân trọng cuộc sống.
Đặc biệt, đây cũng là thời điểm tuyệt vời để chúng ta dành nhiều thời gian bên gia đình, thăm hỏi họ hàng, những người thân thuộc mà cuộc sống bận rộn quanh năm ít có cơ hội gặp mặt. “Những bàn tiệc đồ ăn mà các gia đình Việt Nam chuẩn bị cũng khiến tôi ấn tượng. Nó có thể “đánh bại” nhiều bữa tiệc buffet ở các khách sạn 5 sao khác…”, thầy Michael Lomax bày tỏ cảm nhận.
“Dịp Tết năm ngoái, tôi cùng với một vài người bạn đã có chuyến phượt 6 ngày bằng xe máy tại Hà Giang. Chúng tôi ở lại cùng một gia đình người dân tại xã Du Già (huyện Yên Minh) để đón Giao thừa, gặp gỡ trò chuyện, ăn mừng và chào đón năm mới cùng người dân bản địa. Đó thực sự là một trải nghiệm đáng nhớ và có 1 không 2 của tôi
Văn hóa, mảnh đất, con người Việt Nam là những điều tuyệt vời đã níu chân tôi ở lại mảnh đất hình chữ S. Càng gắn bó tôi càng nhận thấy sinh viên Việt rất thông minh, chăm chỉ… tạo thành cảm hứng, động lực để tôi không ngừng sáng tạo trong nghề và tiếp tục làm việc, dạy học tại Việt Nam.
Khi về đất nước mình, tôi sẽ kể cho gia đình, người thân, bạn bè về những phẩm chất tốt đẹp của con người và sinh viên Việt Nam, đó là sự thân thiện, hiếu khách. Cùng đó biết bao phong tục, tập quán, các nét đẹp văn hóa của đất nước, con người Việt Nam…”, thầy Michael Lomax bộc bạch.
Mặt khác thầy Michael Lomax cho biết, tuy không có cơ hội đón Tết cùng sinh viên bên ngoài trường lớp nhưng trước Tết một tuần thầy luôn cố gắng kết hợp thêm chủ đề Tết vào các bài giảng của mình. “Tôi dạy ngành Quản trị Marketing nên sẽ tìm kiếm các case study (nghiên cứu trường hợp thực tế) để lồng ghép vào bài giảng.
Ví như hình ảnh người bán quất có ảnh hưởng nhất ở Tây Hồ… để tạo sự mới lạ, thích thú cho sinh viên học tập thời điểm giáp Tết...”, thầy Michael Lomax chia sẻ đồng thời nhắn nhủ: “Ngày Tết, các bạn sinh viên thường háo hức trở về nhà đoàn tụ cùng gia đình. Điều đó không khác cảm giác của tôi trong dịp Giáng Sinh. Song vào dịp năm mới, tôi vẫn muốn nhắn nhủ tới các bạn hãy luôn nỗ lực, năng nổ trong học tập và các phong trào hoạt động. Việc học tập vẫn vô cùng quan trọng và không nên để tâm lý làm ảnh hưởng...”.
Người dân hồn hậu, mến khách
Cô Sandra Schneiderman (đến từ Australia), Quản lý Chương trình Nâng cao năng lực học tập cho sinh viên, Trường ĐH Anh Quốc Việt Nam chia sẻ: Tôi nhận thấy, Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam có khá nhiều điểm tương đồng với truyền thống của chúng tôi. Chẳng hạn như luôn mong muốn và hướng đến một năm mới với nhiều điều tốt đẹp; có ý thức gắn kết gia đình và kết nối với tự nhiên.
Suy nghĩ của tôi về năm mới luôn bắt đầu từ những con đường ở mạn Tây Hồ, nơi mọi người đến từ các miền quê bày bán cây quất, hoa đào, cây và hoa phong lan. Đường phố những ngày này cũng được trang hoàng đẹp đẽ, người người tấp nập qua lại để mua hoa, cây cảnh. Hòa chung dòng người mua sắm Tết, năm nào ở Việt Nam tôi cũng mua cây phong lan để trong nhà, cây quất hoặc cây quýt đặt ở ban công.
Cũng vào dịp Tết Nguyên đán, một người bạn Việt Nam đã mời tôi đến chơi nhà. Tôi thấy mình được chào đón như thành viên trong gia đình của bạn. Ở Việt Nam, ngoài những món quà Tết, bữa ăn bên gia đình với nhiều món truyền thống như bánh chưng, giò, nem… còn có sự thân thiện, hiếu khách của mọi người. Ai nấy đều hồn hậu và đáng yêu nên dù công tác xa nhà tôi vẫn cảm nhận sự ấm áp, gần gũi và không muốn rời xa.
Tết đến xuân về, tôi chúc sinh viên tận hưởng hết ý nghĩa ngày Tết dân tộc Việt Nam, biết nắm bắt những cơ hội học tập và phát triển tại Trường ĐH Anh Quốc Việt Nam. Đồng thời, các em hãy mở rộng mối quan hệ bạn bè để có quãng đời sinh viên đáng nhớ.
Năm mới, nguồn năng lượng mới
Thầy Okuda Yoshiki - Chuyên gia JICA Nhật Bản cho phi dự án; Cố vấn phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp cho Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng bày tỏ ấn tượng đặc biệt với Tết cổ truyền dân tộc Việt Nam.
Trong quan sát của thầy Okuda Yoshiki, ngày Tết dù bận rộn đến đâu người Việt đều thu xếp về quê, cùng người thân gia đình đón Tết; đến nhà thăm hỏi nhau, bày tỏ tình cảm ấm áp... Đây là nét đẹp văn hóa truyền thống và tương tự như ở Nhật Bản, vào ngày 1/1 dương lịch hàng năm, mọi thành viên trong gia đình đều tập trung và chúc mừng năm mới.
“Tôi thích các đồ trang trí cho dịp Tết cổ truyền của Việt Nam, giản dị nhưng đẹp mắt, mang đậm nét văn hóa đặc trưng. Tôi muốn được tham dự một bữa cơm trong ngày Tết cổ truyền của người Việt để hòa mình vào không khí ấm áp, vui tươi của các bạn; Muốn đi chùa trong những ngày đầu năm mới để nguyện cầu may mắn, mong một năm mới tràn ngập niềm vui, mưa thuận gió hòa…
Tôi đã học được nhiều điều khi đến Việt Nam, đặc biệt là tính chăm chỉ của các bạn. Ở đây tôi đang có công việc tốt, những người bạn tuyệt vời nên không có lý do gì để tôi rời xa đất nước Việt Nam thời điểm này...”, thầy Okuda Yoshiki bày tỏ.
Trước thềm năm mới, thầy Okuda Yoshiki hy vọng tất cả thầy, cô giáo và học sinh, sinh viên Việt Nam đều tìm thấy niềm hạnh phúc, niềm vui. Đặc biệt mong muốn sinh viên, học sinh luôn có sẵn lòng nhiệt thành, nguồn năng lượng mới dành cho sự học.
“Các bạn hãy tạm để chiếc điện thoại sang một bên, thay vào đó hãy tham gia vào các cuộc trò chuyện trực tiếp, dành nhiều thời gian hơn với gia đình và cả những người bạn thân thiết của mình trong dịp Tết. Chúc mừng năm mới, An khang thịnh vượng – những người bạn tôi yêu!” - Thầy Michael Lomax.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-vien-tay-trai-nghiem-tet-ta-post623385.html