Giáo viên tiểu học băn khoăn chế độ làm việc theo dự thảo Thông tư mới
Nhiều thầy cô giáo tiểu học mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét giảm định mức tiết dạy của bậc tiểu học, tương đương với định mức của giáo viên trung học.
Dự thảo Thông tư quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, dự bị đại học đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến rộng rãi trên cả nước.
Dự thảo Thông tư có rnhiều điểm mới so với những quy định cũ trước đây. Bên cạnh đó, vẫn còn một số vấn đề về định mức tiết dạy của giáo viên phổ thông còn có ý kiến khác nhau.
Định mức tiết dạy của giáo viên tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông không thay đổi
Dự thảo Thông tư quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, dự bị đại học quy định định mức tiết dạy đối với giáo viên tiểu học là 23 tiết/tuần, giáo viên trung học cơ sở 19 tiết/tuần, giáo viên trung học phổ thông 17 tiết/tuần. [1] Đây cũng chính là định mức cũ đang được thực hiện.
Giáo viên tiểu học hiện đang phải giảng dạy số tiết nhiều nhất (23 tiết/tuần). Tiếp theo là giáo viên trung học cơ sở dạy 19 tiết/tuần, còn giáo viên trung học phổ thông giảng dạy ít nhất (17 tiết/tuần).
Tuy nhiên, nếu xét về tổng thời gian trong tuần thì giáo viên trung học cơ sở đang dạy nhiều nhất. Giáo viên trung học cơ sở dạy 19 tiết/ tuần, mỗi tiết có thời gian là 45 phút nên thời gian giảng dạy hàng tuần là: 19 (tiết) x 45 (phút)= 855 phút.
Tiếp đến là giáo viên tiểu học dạy 23 tiết/ tuần, thời gian mỗi tiết học ở cấp tiểu học hiện nay là 35 phút/ tiết. Tổng số thời gian giảng dạy mỗi tuần trên lớp của giáo viên tiểu học sẽ bằng: 23 (tiết) x 35 (phút)= 805 phút.
Giáo viên trung học phổ thông dạy 17 tiết/ tuần, thời gian mỗi tiết cũng 45 phút nên tổng thời gian giảng dạy mỗi tuần là: 17 (tiết) x 45 (phút)= 765 phút.
Thời gian giảng dạy ít hơn nhưng giáo viên tiểu học có thật sự nhàn hơn 2 bậc học còn lại?
Tổng thời gian giáo viên trung học cơ sở dạy trong một tuần là 855 phút còn giáo viên tiểu học dạy 805 phút. Thời gian giáo viên tiểu học dạy ít hơn bậc trung học cơ sở là 50 phút.
Giáo viên tiểu học dạy ít thời gian hơn giáo viên trung học cơ sở (mỗi tuần 50 phút) nhưng có thật sự là nhàn hơn? Phải là người trong ngành hoặc gia đình có người làm giáo viên ở cả 2 bậc học mới có câu trả lời một cách chính xác nhất.
Tôi hiện là giáo viên tiểu học, chồng tôi là giáo viên bậc trung học cơ sở. Sống trong gia đình đã không ít lần 2 con của chúng tôi thắc mắc: “Sao cũng đi dạy mà trông mẹ vất vả, bận rộn thế? Con thấy ba nhàn hơn mẹ nhiều”.
Ngay chồng tôi vẫn thường nói: “Giáo viên cấp một tụi em chẳng khác gì mẹ bỉm sữa đang nuôi con mọn”.
Giáo viên tiểu học đảm nhiệm nhiều vai trò
Giáo viên tiểu học phần lớn là làm công tác chủ nhiệm. Học sinh bậc tiểu học vừa bước qua tuổi mẫu giáo nên mọi chuyện từ học hành đến sinh hoạt của các em và các hoạt động ngoại khóa phục vụ học tập thì thầy cô giáo đều phải quản hết.
Do học sinh còn quá nhỏ nên mỗi ngày, giáo viên chủ nhiệm luôn phải có mặt từ rất sớm. Thường thì 6 giờ 30 (có hôm 6 giờ 15) tôi và một số đồng nghiệp đã phải có mặt ở trường.
Đến việc dọn vệ sinh trực nhật, học sinh được tập cho dọn dẹp vệ sinh trường lớp nhưng lớp 1, 2, 3 gần như giáo viên phải tự làm những công việc này. Khối 4 và 5 các em tuy lớn hơn một chút nhưng vẫn không có ý thức tự làm nếu không có thầy cô.
Thầy cô tham gia quét dọn, sắp xếp bàn ghế trong lớp học rồi tới quét dọn khu vực sân trường. Sau đó, chúng tôi hướng dẫn và tập cho học sinh chăm sóc bồn cây của lớp, của tổ.
Giờ tập thể dục buổi sáng, sinh hoạt đầu giờ, thầy cô giáo tiểu học đều phải hướng dẫn học sinh từng li từng tý. Khi các em quen việc, giáo viên vẫn phải bám sát không rời vì chỉ cần vắng thầy cô, nhiều em bắt đầu chọc phá nhau và không chịu hoạt động.
Thầy cô nào làm giáo viên lớp 1, lớp 2 thì có lẽ đều hiểu sự khó khăn, vất vả ra sao. Có em buổi sáng không kịp ăn nên mang đồ ăn đến lớp, giáo viên phải nhắc nhở để học sinh ăn cho hết. Nếu thầy cô không nhắc nhở, thùng rác của nhà trường sẽ có hộp đồ ăn gần như còn nguyên vẹn.
Chuyện giáo viên tiểu học phải dọn vệ sinh, chà rửa vết ói trong lớp học là không hiếm. Giáo viên lớp 1, lớp 2 thật sự vất vả rất nhiều. Những vất vả đó không phải chỉ gói gọn và tính trong con số thời gian 23 tiết/tuần. Bởi, thầy cô không phải chỉ đảm nhận công việc giảng dạy mà còn hướng dẫn, hỗ trợ, định hướng nhiều nếp sinh hoạt, học tập đầu đời cho học sinh.
Một tiết học quy định 35 phút nhưng gần như rất ít khi giáo viên dạy đúng thời gian này. Tiết học của các em đôi khi lên đến 50 -60 phút là chuyện bình thường vì thầy cô phải xử lý tình huống thưa, mách khi trong lớp có một vài bạn không tập trung. Thời gian để hoàn thành bài giảng nhiều khi phải lấn sang giờ ra chơi, ra về mới đủ.
Giáo viên tiểu học còn là “quan tòa”, “luật sư”, khi mỗi ngày phải giải quyết không biết bao nhiêu vụ “thưa, kiện” của học sinh. Rồi làm “nhà ngoại giao”, để nói chuyện, để đàm phán với phụ huynh khi đã xảy ra vụ việc gì đó đôi khi chỉ “nhỏ như con kiến”. Nếu xử lý không khéo, chúng tôi còn nhận những cơn phẫn nộ từ những phụ huynh luôn cho rằng“con mình đúng”.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018, giáo viên tiểu học còn vất vả hơn nhiều
Học sinh bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông đã lớn. Các hoạt động phong trào của lớp, của trường, chỉ cần thầy cô phát động thì phần lớn học sinh đều chủ động làm hết. Ngược lại, giáo viên tiểu học gần như phải đảm nhiệm hết mọi việc.
Dạy học như trước đây, giáo viên tiểu học đã vất vả thì dạy học theo hướng đổi mới hiện nay, sự vất vả ấy còn tăng lên nhiều lần. Đối với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, học đi đôi với hành. Vì thế, các em phải học làm thực hành thực tế nhiều hơn. Trong khi đó, học sinh tiểu học còn quá nhỏ nên giáo viên luôn phải bám sát, hướng dẫn kỹ lưỡng, tận tình.
Mỗi tuần đều có 3 tiết Hoạt động trải nghiệm. Để thực hiện đúng yêu cầu của những tiết học này, thầy cô giáo phải bỏ rất nhiều công sức tập luyện, hướng dẫn cho học sinh mà không thể giao việc như các cấp học khác.
Giáo viên tiểu học phải đảm nhận dạy khá nhiều môn học như Toán, tiếng Việt, Đạo đức, Hoạt động trải nghiệm, Tự nhiên và xã hội… Ở nhiều trường thiếu giáo viên, thầy cô còn phải dạy cả Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục, Công nghệ… Vì thế, để dạy tốt buộc người thầy phải nỗ lực gấp nhiều lần.
Với những thực tiễn nêu trên, nhiều thầy cô giáo ở bậc học này mong muốn xem xét, tính toán để có định mức tiết dạy một cách phù hợp nhất.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://moet.gov.vn/van-ban/vbdt/Pages/chi-tiet-van-ban.aspx?ItemID=1654