Giáp Tết Dương lịch, thị trường ô tô có dấu hiệu 'hãm phanh'
Nhu cầu mua sắm, đi lại trong giai đoạn giáp Tết được kỳ vọng sẽ làm gia tăng doanh số bán xe của các hãng ô tô tại thị trường Việt Nam dịp cuối năm nay. Thế nhưng lượng ô tô nhập khẩu về Việt Nam bất ngờ 'hãm phanh', đồng thời doanh số bán hàng của các doanh nghiệp cũng giảm trong hai tháng gần đây.
Hiện tại, đang chuẩn bị bước vào mùa mua sắm Tết Dương lịch và Nguyên đán nhưng tình hình kinh doanh xe nhập khẩu vẫn gặp rất nhiều khó khăn do sức mua của người tiêu dùng giảm mạnh. Để giải quyết tình hình này, các hãng xe, đại lý trong thời gian qua đã liên tục tung các chương trình kích cầu bằng cách giảm giá sâu cùng các gói khuyến mại nhưng doanh số bán hàng vẫn chưa thể khởi sắc như mong đợi.
Tổng cục Hải quan cho biết, 11 tháng năm 2023, cả nước chi 2,65 tỷ USD để nhập 111.278 chiếc ô tô, giảm 26,6% về lượng và giảm 22% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Theo đó, Thái Lan, Indonesia và Trung Quốc là 3 nhà cung cấp ô tô lớn nhất cho Việt Nam. Cụ thể, Thái Lan đứng đầu với 50.144 chiếc, tương đương hơn 1,07 tỷ USD, giảm 18% về lượng và giảm 22% về trị giá so với cùng kỳ.
Xếp ở vị trí thứ 2 là Indonesia với 40.474 chiếc trong 11 tháng đầu năm, trị giá hơn 574 triệu USD, giảm 36,7% về lượng và giảm 38% về trị giá.
Trung Quốc là thị trường cung cấp ô tô lớn thứ 3 của Việt Nam trong 11 tháng năm 2023 với 9.843 chiếc, trị giá hơn 360 triệu USD, giảm 39% về lượng và giảm 46% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ các thị trường như: Hoa Kỳ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp…
Tính riêng trong tháng 11/2023, lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu về Việt Nam đạt 7.508 chiếc, kim ngạch đạt 192,81 triệu USD, lần lượt giảm 21,9% về số lượng và 24,3% về kim ngạch so với tháng trước
Theo số liệu của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) trong tháng 11/2023 doanh số bán hàng của Hiệp hội đạt 27.953 xe, gần bằng tháng trước và giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính đến hết tháng 11/2023 tổng doanh số bán hàng toàn thị trường của các đơn vị thành viên VAMA đạt 263.249 xe, giảm 29% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó xe du lịch giảm 31%, xe thương mại giảm 16% và xe chuyên dụng giảm 57%.
Các chuyên gia cho rằng, việc doanh số bán ô tô liên tiếp sụt giảm mạnh trong những tháng gần đây kể cả khi đang áp dụng chính sách giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ cho thấy suy thoái kinh tế sau dịch bệnh vẫn còn tiếp diễn, cộng thêm các diễn biến bất ổn khó lường của kinh tế - chính trị - xã hội toàn cầu thời gian qua đã gây khó khăn cho cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng.
Theo đó, hàng tồn kho của các hãng sẽ ảnh hưởng tới dòng tiền, đọng vốn, chi phí lãi suất ngân hàng tăng, cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất – vận hành của nhiều doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp…
Trước đó, thị trường hy vọng chính sách ưu giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô lắp ráp trong nước của Chính phủ sẽ tạo ra cú hích cho thị trường, theo đó các hãng xe đã chuẩn bị sẵn nguồn cung cho mùa cao điểm cuối năm. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong tháng 10.2023, tổng lượng ôtô mới (bao gồm xe nhập khẩu và xe sản xuất trong nước) bổ sung cho thị trường ước đạt 42.200 xe, tăng 13% so với tháng 9.2023.
Các chuyên gia ô tô cho rằng, mặc dù những tháng gần đây các hãng xe đã mạnh tay liên tiếp tung ra các chương trình khuyến mại, giảm giá từ hàng chục đến gần nửa tỷ đồng để kích cầu doanh số, giải phóng hàng lưu kho nhưng thị trường ô tô Việt Nam tháng 11/2023 là tháng thứ 2 liên tiếp vẫn đi ngang, trái với kỳ vọng của doanh nghiệp. Điều này có thể cho thấy người tiêu dùng có vẻ còn lưỡng lự và chưa tận hưởng hết ưu đãi từ cuộc đua hạ giá này bởi yếu tố kinh tế.
Dự báo thị trường ô tô tháng 12 có thể tăng tốc về doanh số bởi đây là tháng bước vào mùa mua sắm cao điểm trong năm và cũng là tháng cuối cùng áp dụng chính sách giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất lắp ráp trong nước cùng với việc các hãng xe tiếp tục tặng đến 100% lệ phí trước bạ.
Tuy nhiên, cộng dồn doanh số cả năm 2023 thị trường ô tô Việt Nam khó có khả năng đạt doanh số hơn 404.000 xe như năm 2022, nguyên nhân chính được cho là do tác động của yếu tố kinh tế khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu trong bối cảnh khó khăn hiện nay.