Giàu từ nghề mộc
'Làng nghề mộc Vân Du' được công nhận năm 2011, nhưng nghề mộc đã gắn bó với người dân Vân Du hơn nửa thế kỷ. Bằng sự cần mẫn - khéo léo và sự đổi mới trong sản xuất, kinh doanh, người thợ lành nghề làng Vân Du đã tạo ra những sản phẩm gỗ tinh xảo nức tiếng gần xa, mang lại giá trị kinh tế cao giúp cuộc sống của người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Nghề mộc Vân Du tạo việc làm ổn định cho người lao động địa phương với thu nhập 7- 8 triệu đồng/người/tháng.
Nghề mộc Vân Du được hình thành từ những năm 1963, khi một số hộ gia đình thuộc làng nghề mộc Đan Phượng, tỉnh Hà Tây cũ về định cư trên vùng đất Đoan Hùng. Nắm bắt lợi thế vùng nguyên liệu lâm sản dồi dào, lớp thế hệ kế cận từ làng mộc Đan Phượng xưa đã nỗ lực phát triển nghề truyền thống trên quê hương mới. Dần dần, dưới bàn tay tỉ mỉ, khéo léo của những thợ mộc lành nghề, sản phẩm gỗ thủ công, chạm khắc tinh xảo làng Vân Du đã được nhiều người biết đến, người dân trong xã cùng nhau quần tụ lại phát triển nghề mộc.
Nghề mộc vốn là nghề sản xuất thủ công, các sản phẩm gỗ sau khi hoàn thiện đòi hỏi sự điêu luyện và thẩm mỹ cao, do đó nghề mộc là ngón nghề “đời nối đời” trên đất Vân Du. Mỗi gia đình trong làng là một đơn vị sản xuất có tính chuyên nghiệp, bí quyết riêng được lưu giữ và truyền cho các thế hệ sau. Cũng bởi lẽ đó mà sản phẩm gỗ làng Vân Du trước đây rất cầu kỳ từ đường nét chạm khắc đến hoa văn,… được làm thủ công gần như hoàn toàn nên hiệu quả, năng suất sản xuất chưa đáp ứng được nhu cầu và sức cạnh tranh trong thị trường.
Cơ sở sản xuất đồ gỗ của anh Nguyễn Thế Mạnh đầu tư máy móc hiện đại để tăng năng suất.
Ông Nguyễn Trọng Chiến - Trưởng làng nghề mộc Vân Du cho biết: “Làng mộc Vân Du được công nhận là làng nghề năm 2011. Thời gian trước đây, thương hiệu “đồ gỗ làng Vân Du” chưa thực sự có chỗ đứng mạnh mẽ trên thị trường, các sản phẩm mặc dù đa dạng nhưng sức cạnh tranh chưa cao so với các làng nghề mộc vùng lân cận như Liên Hà, Thạch Thất (Hà Nội)... Vậy nên những người thợ làm nghề trong làng vẫn luôn đau đáu nỗi niềm xây dựng thương hiệu làng nghề quê nhà phát triển. Năm năm trở lại đây, được sự hỗ trợ từ các chương trình khuyến công tỉnh cùng sự học hỏi, nỗ lực không ngừng của người dân địa phương, chúng tôi đã tích cực tham gia, tổ chức các buổi tập huấn tay nghề, buổi giao lưu học hỏi kinh nghiệm từ những thợ mộc giỏi; tổ chức các chuyến đi thực tế đến các làng nghề mộc nổi tiếng để tìm hiểu, trau dồi kỹ năng, đổi mới phương thức kinh doanh; đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại để tăng năng suất, sản lượng; liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm làng nghề,…”.
Đa dạng sản phẩm gỗ làng nghề mộc Vân Du.
Từ hướng đi mới, những năm gần đây, nghề truyền thống của làng được duy trì và ngày càng phát triển mở rộng. Trong xã, hiện có 67 hộ thành viên, doanh thu năm 2022 đạt hơn 280 tỉ đồng, tạo việc làm cho hơn 600 lao động với thu nhập từ 7 - 8 triệu đồng/người/tháng. Ghé thăm quan cơ sở sản xuất đồ gỗ Thế Mạnh (khu Liên Phú- xã Vân Du)- một trong những cơ sở nằm ngay trên trục đường chính vào làng, điểm đến quen thuộc của các tiểu thương “săn” đồ nội thất thủ công tinh xảo. Cẩn thận, khẩn trương sắp xếp những kệ tủ gỗ đủ kích cỡ lên chuyến hàng khai xuân, ông chủ Nguyễn Thế Mạnh vui mừng chia sẻ: “Hai năm trở lại đây, hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm mộc cơ sở chúng tôi khá ổn định. Phần vì dịch bệnh dần được kiểm soát, hoạt động sản xuất, kinh doanh được phục hồi, phần vì việc đầu tư máy móc và công nghệ đã hỗ trợ, giảm tải khối lượng công việc của người thợ mộc, tiết kiệm thời gian và cho ra những mẫu mã sản phẩm đa dạng, giá thành cạnh tranh hơn”.
Anh Nguyễn Thế Mạnh- người có kỹ thuật và tay nghề làm mộc trứ danh khắp vùng. Năm 2017, anh mạnh dạn đầu tư 1,5 tỉ đồng mở cơ sở sản xuất đồ gỗ Thế Mạnh. Thời gian đầu hoạt động của xưởng gặp nhiều khó khăn vì sản phẩm làm thủ công gần như hoàn toàn nên hiệu quả chưa cao. Để ứng dụng công nghệ vào sản xuất, gia đình anh đã đầu tư hàng trăm triệu đồng mua máy móc hỗ trợ công việc. Đồng thời anh Mạnh cũng tích cực trau dồi kiến thức, kinh nghiệm quảng bá, giới thiệu sản phẩm, chuyển đổi phương thức kinh doanh mới,… Ba năm gần đây, xưởng sản xuất của anh đạt doanh thu ổn định khoảng 3 tỉ đồng/năm, lợi nhuận trên 500 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 12 lao động thường xuyên với thu nhập 7 triệu đồng/người/tháng.
Không chỉ riêng cơ sở sản xuất Thế Mạnh, hiện làng nghề có hơn 20 hộ thành viên khá và giàu với mức lợi nhuận mỗi năm đạt từ 700 triệu đồng đến một tỉ đồng. Nghề mộc Vân Du ngày càng ổn định và phát triển. Những đổi mới trong tổ chức sản xuất đã giúp các cơ sở sản xuất nghề mộc tạo “bước ngoặt” quan trọng để phát huy truyền thống, tinh hoa làng nghề, mở ra một thời kỳ mới thịnh vượng cho nghề mộc trên vùng quê Đoan Hùng.
Đồng Niên
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//kinh-te/giau-tu-nghe-moc/190931.htm