Giấy bản – mạch nối ký ức vùng cao

Ẩn mình giữa núi rừng vùng cao, những tấm giấy bản mỏng nhẹ nhưng dai bền vẫn lặng lẽ gìn giữ kho tàng tri thức dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số. Giấy bản không chỉ là chất liệu, mà còn là minh chứng sống động cho một nghề thủ công giản dị, âm thầm bền bỉ trước sự bào mòn của thời gian.

Giấy bản được dùng để ghi chép tri thức dân gian, lễ nghi và phong tục, lưu giữ những ký ức văn hóa cộng đồng.

Giấy bản được dùng để ghi chép tri thức dân gian, lễ nghi và phong tục, lưu giữ những ký ức văn hóa cộng đồng.

Nghề làm giấy bản của đồng bào Nùng ở Cao Bằng

Tại Cao Bằng, vẫn gìn giữ nghề truyền thống làm giấy bản ở nhiều xã như Đoài Dương, Trường Hà (trước sáp nhập thuộc huyện Trùng Khánh và huyện Hà Quảng). Với họ, đây không chỉ là một sinh kế, mà còn là niềm tự hào, một phần gắn bó sâu sắc trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng.

 Những tấm giấy bản được đồng bào Dao dán lên thanh gỗ để phơi khô – khâu cuối cùng trước khi hoàn thiện sản phẩm.

Những tấm giấy bản được đồng bào Dao dán lên thanh gỗ để phơi khô – khâu cuối cùng trước khi hoàn thiện sản phẩm.

Sau mỗi mùa vụ, những người phụ nữ lại bắt đầu công việc làm giấy. Quy trình làm giấy gồm nhiều công đoạn, đòi hỏi sự kiên nhẫn và tỉ mỉ: Vỏ cây dó được tước, ngâm vôi khoảng 12 tiếng để làm mềm và loại bỏ tạp chất. Sau đó rửa sạch, nấu kỹ trong ba tiếng, ngâm tiếp hai ngày rồi đem đập nát để tạo ra hỗn hợp bột giấy mịn. Đến công đoạn cuối cùng, bột giấy được cho vào bể nước, khuấy đều để tạo độ sánh trước khi tráng giấy.

Điểm đặc biệt của nghề làm giấy bản của đồng bào Nùng chính là vai trò quan trọng của phụ nữ trong công đoạn tráng giấy. Họ dùng khuôn gỗ nhúng vào bể nước, lắc đều rồi nhấc khuôn dứt khoát để nước giấy phân bố đều, tạo ra tờ giấy ở dạng ướt.

 Phụ nữ Nùng thực hiện công đoạn tráng giấy, đòi hỏi sự khéo léo để tờ giấy mịn, đều và không rách.

Phụ nữ Nùng thực hiện công đoạn tráng giấy, đòi hỏi sự khéo léo để tờ giấy mịn, đều và không rách.

Giấy sau đó được dán lên tường gỗ trong nhà để phơi. Nếu trời nắng hoặc có gió hanh, chỉ một tiếng là giấy khô. Nhưng trời nồm ẩm thì có khi mất đến ba ngày mới có thể thu dọn.

Bà Lý Thị Ngọc, người đã gắn bó với nghề gần 40 năm ở xã Trường Hà (trước sáp nhập là xã Trường Hà, huyện Hà Quảng), cho biết:

“Từ nhỏ tôi đã thấy ông bà, bố mẹ làm. Lớn lên thì học theo rồi làm đến tận giờ. Giấy bản này người Nùng, người Tày đều dùng làm trong lễ tết, viết chữ, làm vàng mã... Tùy theo mục đích mà làm giấy dày hay mỏng khác nhau”.

Nghề giấy bản của người Dao ở Tuyên Quang

 Một góc không gian làm giấy bản của đồng bào Dao, giản dị nhưng đầy tính kết nối cộng đồng.

Một góc không gian làm giấy bản của đồng bào Dao, giản dị nhưng đầy tính kết nối cộng đồng.

Tương tự như đồng bào Nùng, nghề làm giấy bản của ở xã Bắc Quang, tỉnh Tuyên Quang (trước sáp nhập là thị trấn Việt Quang, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang) cũng là một nghề truyền thống lâu đời, gắn bó chặt chẽ với đời sống văn hóa và tâm linh.

Đồng bào Dao vẫn giữ nguyên quy trình làm giấy cổ truyền do cha ông để lại. Nguyên liệu làm giấy là một loại cây leo đặc biệt, tất cả đều từ tự nhiên. Giấy bản được dùng trong các dịp lễ hội, tín ngưỡng như lễ cấp sắc, cúng tổ tiên...

 Đồng bào Dao tráng giấy theo phương pháp cổ truyền, giữ nguyên quy trình do cha ông để lại.

Đồng bào Dao tráng giấy theo phương pháp cổ truyền, giữ nguyên quy trình do cha ông để lại.

Ngày nay, nhiều hộ dân nơi đây vẫn gắn bó với nghề làm giấy, nhất là sau mùa gặt, thời điểm bà con có thể dành thời gian tập trung cho công việc truyền thống. Bà Lý Thị Hồng, người có hơn 30 năm làm nghề, chia sẻ:

“Lúc mới học làm khó lắm, không biết pha nhựa. Sau có các chị chỉ rồi mình quen tay. Cái nhựa cây phải pha đều, tráng giấy nhìn là biết đủ hay chưa. Làm xong lại ngồi bóc từng tờ một”.

Giấy bản dùng trong các nghi lễ không chỉ cần đẹp mà còn phải đúng lệ: được cắt nhỏ, đóng dấu đỏ, nếu không có dấu “các cụ không nhận”, bà Hồng cho biết thêm.

 Những tấm giấy bản được đồng bào Dao dán lên thanh gỗ để phơi khô, khâu cuối cùng trước khi hoàn thiện sản phẩm.

Những tấm giấy bản được đồng bào Dao dán lên thanh gỗ để phơi khô, khâu cuối cùng trước khi hoàn thiện sản phẩm.

Không chỉ giữ nghề, người dân Bắc Quang còn được chính quyền địa phương hỗ trợ phát triển sản phẩm giấy bản như một sản phẩm du lịch trải nghiệm. Họ được hướng dẫn trưng bày, quảng bá qua các phương tiện truyền thông, thậm chí hướng tới số hóa và sàn thương mại điện tử.

Giấy bản – biểu tượng bền bỉ của ký ức và bản sắc

Dù trải qua bao đổi thay, nghề làm giấy bản của đồng bào Nùng, Dao vẫn được giữ gìn như sợi dây kết nối quá khứ và hiện tại. Mỗi tờ giấy bản không chỉ là vật phẩm thủ công mà còn là nơi gửi gắm tri thức, tín ngưỡng và tình cảm cộng đồng.

Từ đôi bàn tay khéo léo, người thợ không chỉ truyền nghề mà còn truyền lửa, tình yêu nghề, yêu văn hóa, yêu bản làng. Chính từ đó, những giá trị truyền thống không chỉ được bảo tồn mà còn lan tỏa, tiếp nối, làm nên bản sắc bền vững của các dân tộc nơi vùng cao – mộc mạc, sâu lắng nhưng đầy tự hào.

Giấy bản – mạch nối ký ức vùng cao

NGỌC XIÊM - QUỐC KHÁNH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/giay-ban-mach-noi-ky-uc-vung-cao-post894556.html